Mức lãi suất đang phù hợp cung, cầu vốn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra hiện nay vẫn đủ hấp dẫn những người có tiền nhàn rỗi từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Điều đó được chứng minh qua con số tăng trưởng huy động vốn trên thị trường của các ngân hàng.

Hạ lãi suất cho vay giúp đỡ phần nào cho doanh nghiệp. Nguồn: internet
Hạ lãi suất cho vay giúp đỡ phần nào cho doanh nghiệp. Nguồn: internet

Kênh tiết kiệm vẫn hút khách

Theo báo cáo của hai đầu tàu kinh tế cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự kiến đến 30/6/2014, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đều tăng. Tại TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 6 huy động vốn bằng VND đạt 1.003 tỷ đồng, tăng 1,97% so cuối năm 2013. Còn tại Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 1.172,013 tỷ đồng, tăng 23,58% so với cùng kỳ. Điều đáng nói ở đây, nguồn vốn huy động thị trường I (dân cư) chiếm tỷ trọng lớn, tới 91,73% trong tổng nguồn vốn huy động.

Diễn biến trên nằm trong bối cảnh có những thông tin gần đây cho rằng, thị trường chứng khoán đã khởi sắc, bất động sản bắt đầu ấm lên... Nhưng ngay cả những người dân ở các thành phố lớn, vốn rất nhanh nhạy trong kinh doanh, máu làm giàu mà vẫn chọn gửi tiết kiệm. Vì sao?

Một số chuyên gia nhận định: Hiện tại, so với chỉ số lạm phát thì người gửi tiền đang được hưởng lãi suất đảm bảo thực dương. Nhưng liệu mức lãi thực dương kia có đủ hấp dẫn hay vì lo ngại rủi ro nên người dân vẫn thích gửi tiền vào ngân hàng?

Phân tích cả hai khía cạnh trên, nếu xét về độ rủi ro, về lý thuyết tiền gửi tiết kiệm vẫn có khả năng xảy ra rủi ro nhưng mức độ rất thấp và biên độ hẹp hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán. Còn về tỷ suất sinh lợi thu được thì cũng tương xứng với kỳ vọng của các kênh đầu tư khác. Như gửi tiết kiệm thì lãi suất huy động phổ biến ở mức 6%/năm kỳ hạn ngắn và có thể lên 8,5 - 9%/năm nếu gửi tại kỳ hạn trên 12 tháng. Về đầu tư vàng, sóng không còn nhiều để nhà đầu tư (NĐT) lướt, cũng qua rồi cái thời đầu tư theo đám đông.

Để có lợi nhuận đòi hỏi nhà đầu tư (NĐT) phải có kinh nghiệm cũng như kiến thức, phân tích được đường đi của kim loại quý này. "Chơi" chứng khoán cũng vậy. Đó là chưa kể thị trường chứng khoán diễn biến khá "xập xình" và hiện chưa có nhiều thông tin có khả năng tạo bứt phá rõ rệt, mạnh mẽ cho thị trường. Còn thị trường bất động sản lại chỉ dành cho những NĐT trường vốn và hiện tượng "ấm lên" cũng chỉ ở một hai phân khúc nhất định.

Như vậy, có thể thấy, mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra hiện nay vẫn đủ hấp dẫn những người có tiền nhàn rỗi từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Điều đó được chứng minh qua con số tăng trưởng huy động vốn trên thị trường I của các ngân hàng.

"Tùy giá trị số tiền nhàn rỗi cũng như khẩu vị rủi ro, người có tiền sẽ tìm cho mình một kênh đầu tư sinh lời thích hợp nhất. Nhưng xét trên tổng thể bối cảnh hiện nay, các NĐT không dám lựa chọn quyết định mạo hiểm như trước đây mà theo xu thế tìm đến sự an toàn trong đầu tư. Và kênh gửi tiết kiệm là một lựa chọn hợp lý trong thời điểm này", một chuyên gia bình luận.

Không nên tăng trưởng tín dụng bằng hạ lãi suất

Huy động vốn tiếp tục tăng trong khi cầu tín dụng chưa cải thiện làm mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) của đa số các ngân hàngTM không đạt như kỳ vọng. Vậy, các TCTD có nên giảm lãi suất huy động để giảm chi phí vốn, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay? Không đơn giản như vậy vì lãi suất không chỉ tác động đến ngân hàng mà cả nền kinh tế.

Chủ tịch HĐQT VietinBank - ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, mức lãi suất huy động hiện nay tại các ngân hàng phù hợp với kỳ vọng thị trường. Việc hạ lãi suất huy động là cơ sở giảm lãi suất cho vay, nhưng ông Thắng cho biết, qua theo dõi toàn hệ thống không thấy khách hàng, thậm chí khách hàng đang gặp khó khăn trong kinh doanh, phàn nàn về lãi suất cao. Theo tiết lộ của vị lãnh đạo ngân hàng này, hiện nay nhóm khách hàng muốn lãi suất cho vay thấp không phải là khách hàng khó khăn mà là khách hàng VIP. Thực tế này không chỉ diễn ra tại VietinBank. Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều ngân hàng phản ánh, thời điểm này các doanh nghiệp tốt rất "kiêu căng" vì họ vẫn xoay xở đủ vốn để kinh doanh. Họ chỉ chấp nhận vay vốn nếu ngân hàng hạ lãi suất hơn nữa, chỉ 4 - 5%/năm.

Có ý kiến cho rằng tận dụng dư địa lạm phát vẫn có thể hạ lãi suất thêm nữa, nhưng ông Thắng cho rằng hạ lãi suất nữa rất nguy hiểm. Hiện lãi suất huy động USD khá thấp chỉ ở mức 1%/năm đối với cá nhân, còn doanh nghiệp chỉ 0,25%/năm. Vì vậy, khó có thể kéo thêm được nữa. Nếu hạ lãi suất huy động VND thêm 0,5 - 1%/năm, lúc đó, chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền chỉ còn 3%. Nếu so sánh mức ổn định tỷ giá chỉ dao động 2% theo cam kết của cơ quan quản lý, cùng với độ chênh lãi suất thu hẹp, rất có thể người dân sẽ chuyển dần từ nắm giữ VND sang USD. Như vậy, nguy cơ các ngân hàng sẽ thiếu hụt nguồn tiền VND và, điều quan trọng nữa là, mục tiêu chống đô la hóa lại bị ảnh hưởng nhất định. "Do đó, mức lãi suất huy động hiện nay là phù hợp, khuyến khích người dân gửi tiền", ông Thắng nhấn mạnh.

Đánh giá dư địa hạ lãi suất vẫn còn, nhưng ông Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, chỉ khi tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng, lúc đó mới có thể sử dụng công cụ lãi suất để hỗ trợ. Mà theo quy luật, tín dụng thường tăng mạnh cuối năm. Khi tín dụng có dấu hiệu tăng tốt, nếu hạ lãi suất đầu ra sâu quá có thể ảnh hưởng đến lạm phát. Vì chúng ta thấy rõ, thường nếu chính sách lãi suất nới lỏng quá có thể khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh vay vốn, nhưng họ lại không đưa vốn vào sản xuất thực mà chuyển vào kênh đầu tư rủi ro khác. Nên theo ông Trung, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang ở mức hợp lý.

Khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện, đặc biệt là CPI ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua là điều kiện cơ bản để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động, nhưng chuyên gia CIEM lưu ý, dư địa điều chỉnh không đáng kể. Hơn nữa, thông điệp quá nới lỏng tiền tệ không phải là thông điệp hay trong bối cảnh Việt Nam đang cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lòng tin của thị trường vào giai đoạn tăng trưởng vẫn chưa thực sự cao, đồng thời ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu.

Biểu hiện rõ nét, như tháng 5 vừa qua khi có những thông tin không tích cực từ tình hình Biển Đông đã khiến thị trường tài chính xảy ra xáo trộn. Đúng là hạ lãi suất cho vay giúp đỡ phần nào cho doanh nghiệp vì vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng, nhưng vấn đề cơ bản sát sườn hơn đối với doanh nghiệp bây giờ, theo vị chuyên gia trên, nếu có cơ hội kinh doanh, tìm đầu ra sản phẩm thì doanh nghiệp mới bán được hàng, giải phòng hàng tồn kho. Và xử lý nợ xấu mới giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng mới. Đấy mới là những vấn đề cơ bản cần được giải quyết rốt ráo.