Mừng, lo cổ phiếu niêm yết

CƯỜNG NGUYỄN

(Tài chính) Dù đang phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam những tháng cuối năm 2013 vẫn có không ít “điểm sáng”. Đầu tháng 9/2013, Forbes Việt Nam công bố 50 công ty tốt nhất thị trường và trước đó là 10 công ty lọt vào top 200 công ty vừa và nhỏ tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một minh chứng.

Mừng, lo cổ phiếu niêm yết
Hầu hết các DN niêm yết trong 50 công ty tốt nhất Việt Nam đều đã tận dụng tốt cơ hội huy động vốn trên TTCK. Nguồn: internet

“Khoẻ” nhờ niêm yết

Dựa vào kết quả kinh doanh trong 3 năm liên tiếp, Forbes Việt Nam đã lựa chọn kỹ lưỡng và công bố danh sách 50 công ty tốt nhất trên TTCK Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Không khó để nhận biết những cái tên đã trở nên quen thuộc với giới đầu tư trong và ngoài nước. Đứng đầu danh sách là một thương hiệu đã trở thành niềm tự hào Việt Nam, đó là Vinamilk. Ở vị trí tiếp theo là 3 doanh nghiệp (DN) trụ cột ngành Dầu khí, gồm: PV Gas, Đạm Phú Mỹ, Dung dịch khoan dầu khí nhờ sự nổi trội của các chỉ số kinh doanh cũng như triển vọng phát triển.

Với tiêu chí nghiêm túc, phương pháp xếp hạng mang giá trị toàn cầu, đã cân nhắc đến đặc thù riêng Việt Nam nên trong danh sách này của Forbes xuất hiện khá nhiều DN nhỏ và vừa. Việc các DN niêm yết nhỏ và vừa được đánh giá cao dựa vào hai chỉ tiêu đó là số lãi trên vốn và thu nhập trên cổ phiếu (EPS). Nhờ tiêu chí lợi nhuận và EPS nên có hai trường hợp, cả công ty mẹ và công ty con đều lọt vào danh sách nói trên, đó là công ty mẹ GAS và hai công ty con: PGD, PGS; Công ty mẹ HVG và AGF.

Chỉ 13 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có đại diện lọt vào danh sách 200 DN niêm yết tiêu biểu năm 2013 và Việt Nam có 10 DN, tăng 2 DN so với năm 2012.

Có thể khẳng định, sự phát triển của TTCK Việt Nam những năm trước đây đã tạo cơ hội cho rất nhiều DN niêm yết lớn mạnh. Hầu hết các DN niêm yết trong 50 DN nói trên đều tận dụng được cơ hội những năm thị trường thăng hoa để huy động vốn mở rộng các dự án kinh doanh. Đơn cử như Vinamilk, từ thời điểm cổ phần hoá thông qua IPO năm 2003 đã lớn gấp nhiều lần nhờ sự “tiếp sức” từ thị trường thông qua tăng vốn, bán cổ phần cho các quỹ lớn cũng như tận dụng kỹ năng quản trị của các cổ đông chiến lược.

Trước đó, một tin vui đến với cộng đồng DN niêm yết Việt Nam khi đầu tháng 8/2013, Forbes cũng công bố danh sách 200 công ty vừa và nhỏ có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 công ty Việt Nam (đều niêm yết cổ phiếu trên HoSE và HNX).

Với tiêu chí lựa chọn là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và biên lợi nhuận trước thuế lớn hơn 10%, tăng trưởng doanh thu - lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) phải dương trong năm tài chính 2012 và ba năm trở lại đây, nợ dưới 75% vốn chủ sở hữu và đã niêm yết ít nhất 1 năm, Forbes đã rà soát 15.000 công ty niêm yết trong khu vực có doanh thu từ 5 triệu USD đến 1 tỷ USD. Chỉ 13 quốc gia có đại diện lọt top 200 năm 2013 và Việt Nam chiếm 10 công ty (tăng 2 so với năm 2012) trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc có 89 DN và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chỉ có 17 DN. Điều này cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của cộng đồng DN niêm yết Việt Nam.

Và những âu lo

Danh sách DN niêm yết trở thành niềm tự hào ngày càng tăng nhưng điều âu lo là lượng DN niêm yết thua lỗ và làm ăn kém hiệu quả lại ngày càng lớn hơn. Khi mùa báo cáo tài chính quý II/2013 khép lại, trong số gần 700 DN niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, có tới 145 DN thua lỗ6 tháng đầu năm với tổng giá trị trên 3.300 tỷ đồng. Đáng nói là con số nợ nần của các DN rất cao, tổng cộng trên 515.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm gần 278.000 tỷ đồng, một số DN đang nợ nần và thua lỗ nghiêm trọng..

Bài học đầu tư đa ngành, đầu tư dàn trải, chạy theo lợi nhuận nóng thật đắt giá với nhiều DN niêm yết. Và theo các chuyên gia tài chính, việc quyết liệt tái cơ cấu thông qua xử lý dứt điểm nợ xấu, hàng tồn kho, các khoản phải thu.... tạo cân bằng tài chính là con đường duy nhất gỡ khó cho các DN gặp khó nói chung, trong đó có DN niêm yết hiện nay.

DANH SÁCH 10 DN NIÊM YẾT VIỆT NAM LỌT VÀO TOP 200

CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Số TT

Tên công ty

Mã chứng khoán

Lợi nhuận/ doanh thu năm 2012 (triệu USD)

Giá trị

thị trường

(triệu USD)

1

Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định

BMC

4/16

31

2

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ

DVP

9/23

65

3

Công ty cổ phần Sách Giáo dục tại Hà Nội

EPS

1/7

4

4

Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương

NSC

4/26

38

5

Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa

NHS

4/45

18

6

Công ty Dịch vụ Vệ sinh công nghiệp (Pan Pacific)

PAN

4/14

17

7

Công ty Đại lý vận tải SAFI

SFI

2/16

8

8

Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam

SSC

3/22

28

9

Công ty cổ Phần Bao Bì Dầu Thực Vật

VPK

2/17

12

10

Công ty cổ phần Container Việt Nam

VSC

11/37

52