Năm 2013 đã sớm qua với ngân hàng!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Nếu như trước đây, chỉ tiêu lợi nhuận luôn được xem là thước đo về hiệu quả của các ngân hàng thì năm nay, cổ đông chắc chỉ có thể lĩnh giải… an ủi!

Năm 2013 đã sớm qua với ngân hàng!
Quý I/2013, DongA Bank đạt mức lợi nhuận 270 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Kết thúc 5 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt được của Sacombank ở mức tương đối ổn định, với khoảng 250 – 270 tỷ đồng/tháng. Đây là mức có thể chấp nhận được bởi kinh tế chưa thực sự khởi sắc. Nếu duy trì được mức thu nhập này, mục tiêu lợi nhuận 2.800 tỷ đồng năm nay của Sacombank là khả thi.

Con số trên là chỉ tiêu đăng ký, còn mục tiêu phấn đấu của Sacombank năm nay là đạt trên 3.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, một lãnh đạo của ngân hàng thừa nhận, ưu tiên hàng đầu vẫn là quản trị rủi ro bởi ngoài rủi ro cố hữu của ngành ngân hàng như rủi ro thanh khoản, tín dụng, tỷ giá… thì hiện xuất hiện các vấn đề có tính rủi ro cao như chính sách, rủi ro ngành hàng và rủi ro thị trường.

“Những yếu tố này tác động đến hoạt động ngân hàng. Do đó, ngân hàng không thể chỉ chăm bẵm vào một mục tiêu, nhất là với mục tiêu lợi nhuận”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Không chỉ Sacombank, mà hầu hết các ngân hàng đều thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức khiêm tốn so với những năm trước. Điều này có nghĩa, nếu đạt được mức đăng ký thì phần chia dành cho cổ đông cũng không thể cao, nếu không muốn nói là thấp, bởi chắc chắn năm nay, tất cả các ngân hàng sẽ phải tăng phần lợi nhuận để lại dự phòng cho năm sau.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, từ năm 2012, ngoại trừ các ngân hàng bị lỗ, đã lác đác có ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông dù có lãi. Năm nay, khả năng sẽ có thêm những trường hợp tương tự.

“Một số ngân hàng chỉ đặt mục tiêu cổ tức 5 - 9% năm nay. Tôi tin rằng, chừng đó cũng là tốt rồi”, vị tổng giám đốc trên bình luận.

Đối với Dong A Bank, tình hình vẫn theo hướng khả quan khi quý I, Ngân hàng đạt mức lợi nhuận 270 tỷ đồng, vượt một chút so với chỉ tiêu bình quân quý khi chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho cả năm ở mức 1.000 tỷ đồng.

Dù vậy, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, kết quả đó cũng chưa thể nói lên điều gì. Thị trường khó khăn và nợ xấu tăng đòi hỏi ngân hàng phải trích lập dự phòng cao để đảm bảo an toàn.

Thực tế, năm qua, lợi nhuận thu về của DongA Bank đạt chỉ tiêu đề ra, song do phải trích lập dự phòng cao nên lợi nhuận sau trích lập của Ngân hàng chỉ còn 777 tỷ đồng. DongA Bank dự kiến mức lợi nhuận đạt được năm nay có thể ở mức 1.400 tỷ đồng, nhưng để đảm bảo an toàn trong hoạt động, ông Bình cho biết, Ngân hàng đã quyết định dành 400 tỷ đồng để thành lập một Quỹ dự phòng rủi ro mới.

“Chúng tôi xác định mục tiêu quan trọng hơn là quản trị rủi ro tốt, chứ không chú trọng  tăng trưởng nhanh lợi nhuận mà bất chấp rủi ro”, ông Bình nhấn mạnh.

Quan điểm xem trọng quản trị rủi ro cũng được nhiều cổ đông chia sẻ, chính vì vậy, một kết quả thấp năm nay có thể không gây bất ngờ và không gây… phản ứng.

Tại Eximbank, năm nay, kế hoạch lợi nhuận đặt ra là 3.200 tỷ đồng, tuy nhiên, sau 1/3 năm, Eximbank chỉ đạt mức lợi nhuận trước thuế gần 500 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lãnh đạo ngân hàng vẫn khẳng định kết quả đó là “thấp trong an toàn”.

“Khi đánh giá lợi nhuận của ngân hàng, điều cần lưu ý là nói thật hay không, đã thực hiện đúng các quy định về trích lập dự phòng rủi ro chưa, nhất là trong bối cảnh cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780”, vị lãnh đạo trên nói và cho biết, mức lợi nhuận mục tiêu năm nay của Eximbank chưa hẳn sẽ đạt được và thừa nhận đây là áp lực rất lớn. Tín dụng không thể tăng trưởng, ngân hàng buộc phải mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp. Ngân hàng không thể ngâm vốn trong kho mà phải nỗ lực bằng mọi cách để có thể bù đắp chi phí trong hoạt động cũng như trả lãi cho khách hàng gửi tiền, cổ đông.

Còn theo tổng giám đốc DongA Bank, một vấn đề khá nổi cộm hiện nay là khách hàng tốt rất ít, nhưng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng lại gia tăng và chắc chắc miếng bánh này sẽ còn chia nhỏ trong thời gian tới. Chính vì vậy, không nên đẩy tín dụng bằng mọi giá để tìm kiếm lợi nhuận. Điều quan trọng là biết nhìn thấy cơ hội để chớp thời cơ kinh doanh.

Một điểm rất đáng lưu ý là, nếu như vào đầu năm, lãnh đạo nhiều ngân hàng còn kỳ vọng cuối năm 2013 thị trường sẽ sáng hơn thì đến thời điểm này, hầu hết dự báo, triển vọng tích cực đó được dịch sang năm 2014. Điểm an ủi là nhận định về rủi ro năm nay vào thời điểm này đã bớt trầm trọng hơn đầu năm. Điều này cho phép các ngân hàng kỳ vọng vào năm 2013 đã đi vào ổn định và những khó khăn đã ở phía sau.

Năm 2013 đã không còn khó dự báo, và đương nhiên khó có đột biến bất ngờ!