Năm 2014, chứng khoán sẽ hút tiền

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Với yếu tố nền là kinh tế vĩ mô dần khởi sắc, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ là kênh hút tiền mạnh nhất trong năm 2014.

 Năm 2014, chứng khoán sẽ hút tiền
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2014, kênh đầu tư chứng khoán có lợi thế hút vốn khá nổi trội so với 3 đối thủ khác là: bất động sản, vàng và ngoại tệ. Nguồn: internet
3 đối thủ ‘hụt hơi’!

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2014, kênh đầu tư chứng khoán có lợi thế hút vốn khá nổi trội so với 3 đối thủ khác là: bất động sản, vàng và ngoại tệ. Kết quả điều hành kinh tế trong năm 2013, cũng như tín hiệu chính sách trong năm tới cho thấy, trong khi kênh đầu tư bất động sản chưa dễ sớm phục hồi, thì thị trường vàng và ngoại tệ sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt, nên ít xuất hiện cơ hội đầu tư hấp dẫn.

“Do nợ xấu còn cao, nguồn lực ngân sách eo hẹp, nên dù rất muốn làm nóng thị trường bất động sản trở lại, cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức tín dụng sẽ khó đạt mục tiêu này trong ngắn hạn, mà cụ thể là năm 2014. Diễn biến này khiến thị trường bất động sản sẽ khó sôi động trong năm tới…”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh dự báo, đồng thời phân tích, đối với kênh đầu tư ngoại tệ, cụ thể là USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu trong năm 2014, tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt hơn, nhưng điều chỉnh mức giảm giá VND so với USD không quá 2%.

Thị trường có niềm tin để mục tiêu này trở thành hiện thực, bởi năm 2013, nền kinh tế xuất siêu khoảng 863 triệu USD, cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư 2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối khoảng 30 tỷ USD. Với biên độ điều chỉnh 2%, rõ ràng tỷ giá VND/USD trong năm tới được dự báo sẽ tiếp tục duy trì thế ổn định của năm 2013. Điều này đồng nghĩa, kênh đầu tư vào ngoại tệ sẽ không còn hấp dẫn như những năm trước đây.

Tương tự, kênh đầu tư vào vàng, theo ông Ánh, cũng kém hấp dẫn. Dự hội nghị tổng ngành ngân hàng năm 2013 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã tỏ thái độ dứt khoát: không để thị trường vàng tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, đồng thời khẳng định Nhà nước phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng.

Tín hiệu điều hành chính sách theo hướng này được nhìn nhận sẽ tiếp tục đảm bảo cho thị trường vàng được kiểm soát chặt, vận hành ổn định. Hơn nữa, diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới, nhất là gần đây vẫn liên tục giảm, đang khiến gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư khi bỏ tiền vào kênh đầu tư này.

Cũng dự báo TTCK sẽ là kênh đầu tư hút tiền mạnh nhất so với 3 kênh đầu tư còn lại trong năm 2014, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, thị trường bất động sản sẽ còn trầm lắng dài, khó có thể bật lên ngay trong năm 2014. Tuy hàng tồn kho có giảm, nhưng vẫn còn lớn. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 2%, nên chưa tạo ra cú hích nào cho thị trường.

Diễn biến này cùng với đặc tính thị trường bất động sản lao dốc nhanh, nhưng thông thường chậm phục hồi, nên ít nhất là trong năm 2014, bất động sản chưa dễ trở thành kênh đầu tư hút tiền mạnh như những năm trước đây.

Cùng với thị trường ngoại tệ, thị trường vàng trong năm 2014, được dự báo sẽ tiếp nối đà ổn định của năm 2013. Diễn biến này, cộng với khả năng giá vàng thế giới dự báo tiếp tục giảm thêm, nhà đầu tư ít có lý do để đổ tiền vào đầu tư vàng và ngoại tệ.

Kênh chứng khoán có lợi thế

Trong khi bất động sản, vàng và ngoại tệ được nhìn nhận là sẽ ở vào thế bất lợi về mức độ hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2014, thì với kênh chứng khoán lại ngược lại.

“Dòng tiền đầu tư không đứng im. Bởi vậy, khi dòng tiền ít có cơ hội đầu tư vào bất động sản, vàng và ngoại tệ, thì cùng với tín hiệu kinh tế vĩ mô đang dần tích cực hơn, nhiều khả năng chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hút tiền mạnh nhất trong năm 2014. Ở một kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tăng ít nhất 30% so với cuối năm 2013, tương đương 600 - 650 điểm trong năm 2014”, ông Hiếu dự báo.

Sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán không chỉ do các kênh đầu tư khác chưa dễ hấp dẫn trở lại, mà quan trọng hơn là diễn biến vĩ mô tích cực đang rõ nét hơn. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 diễn biến ở mức thấp, ông Ánh nhìn nhận, điều này góp phần tạo thêm dư địa cho ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như triển khai các giải pháp kích thích tăng trưởng GDP trong năm 2014 tăng cao hơn năm 2013.

Bởi vậy, mục tiêu GDP tăng khoảng 5,8%, CPI ước tăng 7% trong năm tới là khả thi. Những tín hiệu này sẽ hỗ trợ tích cực cho kênh đầu tư chứng khoán. Nói cách khác, cơ hội đầu tư vào chứng khoán sẽ nhiều hơn, hấp dẫn hơn, vấn đề là nhà đầu tư có biết tận dụng những cơ hội này hay không.

Với góc nhìn cụ thể hơn, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, các doanh nghiệp niêm yết trên cả sàn HOSE và HNX đang có những tín hiệu phục hồi tốt, khi lỗ giảm dần, lãi có xu hướng tăng. Hàng tồn kho của các doanh nghiệp niêm yết cũng có xu hướng giảm.

Thời gian tới, khi diễn biến kinh tế chung có thêm tín hiệu tích cực, thì bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ khả quan hơn. Đây sẽ là những yếu tố căn bản giúp TTCK trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ sôi động, tăng trưởng tốt hơn năm 2013, qua đó mang lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư.

“TTCK đang được hưởng lợi”

So với các kênh đầu tư phổ biến là bất động sản, vàng và ngoại tệ, dự báo trong năm 2014, kênh chứng khoán có lợi thế thu hút đầu tư hơn hẳn, do được hưởng lợi từ nhiều yếu tố. Đó không chỉ là kinh tế vĩ mô đang được điều hành đúng hướng, có thêm diễn biến tích cực, mà còn bởi bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang có tín hiệu được cải thiện.

Tuy nhiên, mức độ tích cực của TTCK trong năm tới sẽ khó có đột biến, vì hai lý do chính. Ở khía cạnh trong nước, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình hình nợ xấu và thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Điều này sẽ khiến bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp chậm được cải thiện.

Trên phương diện quốc tế, tuy hai đầu tàu kinh tế là Mỹ và châu Âu đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng một đầu tàu kinh tế khác là Trung Quốc lại đang có những biểu hiện trục trặc. Yếu tố bất lợi từ Trung Quốc là do hệ thống ngân hàng suốt thời gian khá dài bơm nhiều vốn cho doanh nghiệp, nhưng nợ xấu đang tăng rất mạnh. Diễn biến này đang gia tăng sức ép lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này được thể hiện khá rõ nét khi gần đây lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng cao tới 9%/năm và vừa giảm xuống còn 7%/năm. Nếu rủi ro kinh tế của Trung Quốc được xử lý tốt, thì sẽ góp phần gia tăng yếu tố tích cực cho TTCK Việt Nam trong năm 2014.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. Hồ Chí Minh

“Kênh chứng khoán có sức hấp dẫn hơn”

Trong năm 2014, TVS dự báo chứng khoán sẽ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư bất động sản, vàng hay gửi tiết kiệm. Đối với bất động sản, dù mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng giá nhà vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, nên bất động sản khó tăng giá trong ngắn hạn. Hơn nữa, việc ngân hàng đang tập trung xử lý nợ xấu (phần lớn là ở khu vực bất động sản) khiến các tiêu chí lựa chọn đối tượng cho vay bất động sản vẫn còn rất khắt khe.

Trong khi đó, vàng thế giới đang phải đối mặt với áp lực giảm giá, do các chính sách nới lỏng tiền tệ đang được cắt giảm mạnh sau khi dấu hiệu phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn như hiện nay khiến nhà đầu tư vàng trong nước chịu rủi ro khá cao. Đối với kênh gửi tiết kiệm, lãi suất phổ biến là 7 -8%/năm, nên chỉ cho lãi suất thực dương 1 - 2%/năm, nên không quá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Trong khi đó, TTCK đang phục hồi tốt với thanh khoản cải thiện, có mức định giá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và ngày càng nhiều doanh nghiệp niêm yết ghi nhận sự tăng trưởng trở lại.

TVS duy trì khuyến nghị: nhà đầu tư nên chú trọng chiến lược lựa chọn cổ phiếu hơn là chiến lược lựa chọn nhóm ngành. Tuy nhiên, nhà đầu tư quan tâm đến các nhóm ngành có thể xem xét các ngành đang có lợi thế lớn như dệt may, xuất khẩu và năng lượng. Đây cũng là những ngành được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng nhất hiện nay.

Ông Trần Vinh Quang, Giám đốc đầu tư, CTCK Thiên Việt (TVS)