Năm 2014, VN-Index có thể tăng tới 20%?

Theo nguoiduatin.vn

(Tài chính) Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), năm 2013 chỉ số VN-Index tăng trên 22% và chỉ số HNX-Index tăng 13% so với cuối năm 2012 Ông Trần Minh Hoàng (VCBS) nhận định, thị trường chứng khoán năm 2014 có thể tăng 15 – 20%.

Năm 2014, VN-Index có thể tăng tới 20%?
Thị trường chứng khoán năm 2014 có thể tăng 15 – 20%. Nguồn: internet

Đến ngày 21/1, VN–Index tăng phiên thứ 13 liên tiếp, chốt phiên ở mức 559,9 điểm. HNX–Index cũng tăng 1,46%, đạt 73,56 điểm. Sàn Hà Nội yếu hơn khi trong 13 phiên vừa qua, có ba phiên điều chỉnh giảm. Mặc dù được nhận định, thị trường có thể sẽ rung lắc, song chứng khoán vẫn đang chứng tỏ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.

Giải thích diễn biến khác biệt trên hai sàn, trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường, công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương (VCBS) Trần Minh Hoàng cho biết, sự bứt phá của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, có sự đóng góp rất lớn của dòng vốn ngoại, khi giải ngân đều đặn vào thị trường từ tháng 11 đến nay, nhất là các mã blue-chip – chủ yếu trên sàn HoSE, như ITA, GAS, BVH, VIC…

Lực kéo từ khối ngoại

Động thái của khối ngoại đã cuốn các nhà đầu tư theo, dẫn tới việc thoái dần vốn khỏi những cổ phiếu nhỏ – chủ yếu trên sàn HNX, như HQC, PXM, VHG, FLC, PVL, IDJ... Thêm vào đó, một số mã cổ phiếu vừa và nhỏ đã có chuỗi ngày tăng giá trước đó, nhiều nhà đầu tư đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, nên bán ra, chốt lời, kết hợp nghỉ ngơi, chi tiêu trong dịp tết. Một số mã trên sàn HNX tăng điểm, đều là những mã được khối ngoại mua vào nhiều, như SHB, PVS, LAS, NBC…

Trong khi các nhà đầu tư trong nước thường có tâm lý chốt lời, nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ tết âm lịch, thì hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sôi động. Thống kê của Vietstock trong ba năm liên tiếp cho thấy, giai đoạn cuối năm âm lịch, hoạt động giao dịch của giới đầu tư trong nước thường sụt giảm, thanh khoản đi xuống, song hoạt động của khối ngoại vẫn diễn ra sôi động, là lực đỡ quan trọng cho thị trường.

Chẳng hạn, hai tuần trước tết âm lịch năm 2011, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên giảm 19,7%, song khối ngoại vẫn mua ròng tới 1.007 tỉ đồng, giúp VN-Index tăng từ 495 điểm (17.1) lên 510,6 điểm (28.1).

Tết âm lịch năm 2012, hai tuần trước tết, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên sụt giảm đến 28,3%, so với trung bình 52 tuần trước đó, song khối ngoại mua ròng 227,2 tỉ đồng đã góp phần giúp VN-Index tăng mạnh từ 339,32 điểm (9.1) lên 373 điểm (20.1).

Hai tuần trước tết âm lịch 2013, VN-Index cũng tăng từ 479,6 điểm lên 494,03 điểm, khối ngoại mua ròng 524,7 tỉ đồng, giúp khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên tăng 38,4% so với trung bình 52 tuần trước đó…

Đà tăng có bền vững?

Ông Hoàng nhận định, sự bứt phá với mức tăng cao nhất trong bốn năm qua của VN-Index, xuất phát từ một số nguyên nhân, như: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ nhiều điểm sáng, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành, như tập đoàn Hoà Phát (HPG), công ty FPT (FPT), tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD)…

Kinh tế Việt Nam được duy trì ổn định và phát triển trong năm 2014, là cơ sở để khối ngoại đổ vốn đều đặn từ tháng 11.2013 đến nay, cuốn theo dòng vốn của nhà đầu tư trong nước.

Do vậy, ông Hoàng dự báo, sau tết âm lịch, dòng tiền đổ vào thị trường sẽ tiếp tục tăng lên, ngoài lượng vốn cũ từ những nhà đầu tư bán bớt danh mục nghỉ ngơi trước tết, còn có nguồn tiền nhàn rỗi mới, trong bối cảnh các kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng, bất động sản… đang kém sức hấp dẫn.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, lạc quan, năm 2014, thị trường chứng khoán tiếp tục có cơ hội bứt phá với hàng loạt yếu tố tích cực, như: kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự báo; thương mại toàn cầu tăng trưởng từ 2,3% lên 4 – 4,5%.

Từ quý IV/2013, kinh tế Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan, như: tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8 – 9%; chỉ số quản trị mua hàng của HSBC luôn trên 50 điểm và được dự báo duy trì ở mức này cả năm 2014; xuất khẩu phục hồi mạnh, trong đó riêng khu vực nội địa tăng trưởng 3,6% (năm 2012 không tăng); đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng trên 50%, nhất là từ tháng 11/2013 với một số dự án lớn vài tỉ USD; thâm hụt ngân sách tăng lên, nhưng chủ yếu chi cho đầu tư công; xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo tiền đề phá băng tín dụng, giúp đầu tư khu vực tư nhân tăng trưởng; lãi suất duy trì mức thấp. Lạm phát chưa có dấu hiệu nào trở thành nguy cơ trong năm tới; tỷ giá ổn định…

Ông Trần Minh Hoàng nhận định, năm 2014, thị trường chứng khoán có thể tăng 15 – 20%. Ông Hoàng cho rằng, sau làn sóng đầu tư blue-chip, sẽ lan toả tới các mã penny, trong đó cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt có thể tăng tới 50%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới. Tổng giá trị vốn hóa thị trường hiện đạt khoảng 964.000 tỉ đồng, tương đương 31% GDP và tăng 199.000 tỉ đồng so với cuối năm 2012. Trong năm qua, tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán ước đạt 222.000 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2012. Trong đó vốn huy động bằng cổ phiếu là 20.500 tỉ đồng, tăng 22% và vốn huy động bằng trái phiếu Chính phủ đạt 177.500 tỉ đồng, tăng 24%. Hiện có gần 1,4 triệu tài khoản nhà đầu tư trên thị trường.