Năm 2017: Sức ép nào lên tỷ giá

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Năm 2017, tỷ giá tiếp tục được cho là sẽ chịu sức ép lớn từ phía thế giới nhưng kỳ vọng sự ổn định được đảm bảo. Tiền đồng Việt Nam trong năm nay có thể sẽ đối mặt nhiều áp lực hơn giai đoạn trước nhưng nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp ngân hàng nhà nước (NHNN) chủ động trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết, nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo dự báo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016. Mức tăng, nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn hạn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được đảm bảo.

Dồi dào nguồn cung ngoại tệ?

Như nhận định của VCBS, trong năm 2017, áp lực từ phía bên ngoài và thị trường thế giới tiếp tục sẽ là yếu tố lớn nhất gây sức ép tỷ giá và thị trường ngoại hối với tâm điểm là đồng USD mạnh lên đi cùng sự phục hồi của kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm 2016; Nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh.

Theo quan điểm của TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế gia trưởng của Dragon Capital, với nền kinh tế mở và chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt như hiện nay, người dân cũng “nên làm quen với biến động tỷ giá ngắn hạn ở mức 1-2%”.

TS. Trần Du Lịch chia sẻ rằng dù xu hướng đồng USD tăng giá sẽ còn kéo dài trong năm 2017 nhưng rõ ràng với lượng ngoại hối tăng lên suốt thời gian qua, NHNN đã đủ lực để xử lý các biến động nhất thời.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, nhất là từ 2006-2015, Việt Nam đã phát hành rất nhiều trái phiếu trung hạn và đây là thời điểm có nhiều khoản nợ đang đáo hạn. Hiện Bộ Tài chính đang cơ cấu lại nợ trái phiếu. Từ năm 2018 trở đi, các khoản nợ trung hạn sẽ giảm dần, cho nên không có chuyện Việt Nam vỡ nợ, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong bản báo cáo triển vọng 2017, VCBS cho rằng khi thị trường thế giới có nhiều sự kiện và biến động mạnh, tâm lý đầu cơ có thể sẽ nhen nhóm trở lại. Điều này sẽ tạo sức ép nhất định lên thị trường trong ngắn hạn và đòi hỏi NHNN phải có những quyết sách điều hành hợp lý, linh hoạt và sát sao.

Ở chiều ngược lại, giới chuyên gia kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ trong năm 2017 sẽ ở mức dồi dào và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ mạnh cho tỷ giá. Ngoại trừ Mỹ, nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là châu Á, vẫn đang duy trì chính sách nới lỏng khá mạnh mẽ.

Với thế mạnh về sự ổn định kinh tế, chính trị và tương đối gần gũi về mặt địa lý, trong năm 2017, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư.

Hơn thế nữa, năm 2017 sẽ là năm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tại những tổng công ty lớn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Diễn biến này hứa hẹn sẽ đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tổng hợp các yếu tố, tiền đồng Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ chịu nhiều sức ép hơn giai đoạn trước nhưng triển vọng nguồn cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp NHNN có thể chủ động hơn trong điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng.

Lãi suất khó giảm thêm

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính lưu ý, trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Điều này kéo theo việc cạnh tranh huy động vốn. Chưa kể, những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Cho nên lãi suất sẽ khó để giảm thêm.

Nói về vấn đề của ngân hàng, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, khuyến cáo rằng thách thức lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở vấn đề nợ xấu và khu vực các ngân hàng yếu kém.

Ông bày tỏ quan ngại, nếu nhìn vào suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân, Việt Nam thuộc loại thấp gần nhất so với các nước trong khu vực. Điều đó có nghĩa là con số nợ xấu và chất lượng ngân hàng yếu kém ở Việt Nam vẫn là hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ với nhau, còn đang kéo lùi nền kinh tế đi xuống.

Tại phiên họp báo ngày 4/1 ở Hà Nội, lãnh đạo NHNN cho biết nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Từ đầu năm 2016 đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng cường và đổi mới trong năm 2017 nhằm hỗ trợ tích cực cho thực thi chính sách tiền tệ và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Giới chuyên gia cho rằng, trong năm 2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng tác động lên diễn biến thị trường trái phiếu. Với kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ ở mức tốt; rủi ro tỷ giá ở mức chấp nhận được và kết hợp cùng định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tính thanh khoản của hệ thống, loại trừ hiệu ứng mùa vụ, nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức ổn định và dồi dào.

Về phía VCBS, các chuyên gia của công ty chứng khoán này bày tỏ hy vọng lợi suất trái phiếu sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong năm 2017, tuy nhiên mức biến động sẽ phân hóa theo từng kỳ hạn.