Năm 2019, đầu tư cổ phiếu nào?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Cơ hội trên thị trường chứng khoán ngày càng trở nên thu hẹp khi rủi ro vẫn còn với nhiều khu vực của thị trường. Tuy nhiên, khả năng sinh lời trên thị trường này vẫn luôn hiện hữu nếu nhà đầu tư lựa chọn được cổ phiếu, nhóm ngành phù hợp nhất.

Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã quay trở về mặt bằng đầu năm 2018. Nguồn; Internet
Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã quay trở về mặt bằng đầu năm 2018. Nguồn; Internet

Trong một báo cáo mới đây về triển vọng thị trường chứng khoán của CTCK VietinbankSC dự báo, chỉ số Vn-Index trong năm 2019 có thể diễn ra theo ba kịch bản và chiến thuật mua – nắm giữ có thể sẽ không hiệu quả bằng chiến thuật giao dịch mua bán ngắn hạn.

Chiến thuật đầu tư nắm giữ các cổ phiếu cơ bản trong VN30 có thể sẽ tốt hơn nếu điều chỉnh sang đầu tư cổ phiếu ngành tăng trưởng.

Triển vọng thị trường vẫn sáng

Theo báo cáo Triển vọng Chiến lược Toàn cầu năm 2019 (Global Strategy Outlook) của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, chứng khoán tại các thị trường mới nổi vừa trải qua một năm khó khăn, nhưng điều này có thể thay đổi đáng kể trong năm 2019.

Trong năm 2018, nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi các thị trường mới nổi và đầu tư nhiều hơn vào các tài sản tại Mỹ do tỷ suất trái phiếu tăng cũng như đồng USD tăng giá. Trong khi đó, những rắc rối tài chính tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina leo thang, khiến các nhà đầu tư càng có thêm lý do để rút khỏi các thị trường mới nổi.

Do đó, chỉ số Các thị trường mới nổi MSCI đã giảm gần 16% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo kịch bản cơ sở của Morgan Stanley, ngân hàng dự báo chỉ số này sẽ tăng 8% tính tới tháng 12/2019 từ mức hiện tại, vượt qua mức tăng dự báo 4% của cả S&P 500 của Mỹ và MSCI Europe Index của châu Âu.

Là một trong những thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ nằm trong xu hướng chung được Morgan Stanley dự báo.

Xét về kinh tế vĩ mô, GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

Bước sang năm 2019, VietinbankSC cho rằng nền kinh tế trong nước vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt như năm 2018, với cơ cấu đóng góp của các lĩnh vực chủ chốt sẽ không có quá nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP trong năm 2019 có thể giảm nhẹ, dự báo trong khoảng 6,6% – 6,7% do áp lực lạm phát có nguy cơ gia tăng từ việc áp thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách nâng mức lãi suất cơ bản trong bối cảnh rủi ro đến từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn.

Đánh giá khả quan về tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam, mới đây, Tập đoàn đầu tư Ashmore của Anh – nhà quản lý 76,4 tỷ USD – vừa tăng gấp đôi lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục từ cuối quý I.

Theo lãnh đạo quỹ này, cổ phiếu ngành ngân hàng và tiêu dùng rẻ hơn đáng kể, trong khi các cổ phiếu bất động sản có vẻ vẫn đắt và khả năng sụp đổ của lĩnh vực này gây ra rủi ro cho thị trường.

Ngành nào sẽ thành “hoa hậu”?

Tuy nhiên, đại diện Ashmore vẫn đánh giá tích cực về cổ phiếu Việt Nam nói chung bởi GDP tăng mạnh, nội tệ không chịu quá nhiều căng thẳng và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khá tốt.

Hiện có ba ngành chiếm tỷ trọng cao về vốn hóa và lợi nhuận là ngân hàng, bất động sản, dầu khí.

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng của CTCK Bảo Việt (BVSC), năm 2019 tăng trưởng ngành này có thể chậm lại, dự kiến lợi nhuận các ngân hàng niêm yết trong năm tới sẽ tăng 13,5%.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 là đà tăng chậm lại của tín dụng. Theo BVSC, dự báo tín dụng trong khoảng 3-5 năm tới sẽ duy trì mức tăng khoảng 14%/năm, thấp hơn giai đoạn 2015- 2017 (18,1%).

Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã quay trở về mặt bằng đầu năm 2018. P/B vẫn đang cao hơn nhưng tiệm cận gần hơn mức bình quân 5 năm gần đây. So sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn đắt hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, khi so sánh mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, theo dự báo của BVSC, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang bị định giá thấp.

Về nhóm ngành bất động sản, lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng sẽ tạo ra những khó khăn cho ngành này, do đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018.

Lĩnh vực dầu khí năm 2019 dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm 2018 nếu giá dầu tiếp tục neo ở mức cao quanh 70 – 80 USD/thùng. Theo VietinbankSC, khả năng giá dầu sẽ giữ ở mức như hiện nay, thậm chí cao hơn, vì bị tác động bởi các diễn biến của chiến tranh thương mại.

Ngoài ra, gần đây một nhóm ngành khác đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt tạo đà cho năm 2019 đã xuất hiện, đó chính là cổ phiếu nhóm ngành săm lốp.

Trong cơ cấu cổ đông của cả ba doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết hiện nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đều đang giữ tỷ lệ chi phối với 51% vốn cổ phần.

Tuy nhiên, theo đề án tái cấu trúc Vinachem giai đoạn 2017 – 2020, Cao su Đà Nẵng (mã: DRC), Casumina (mã: CSM) và Cao su Sao Vàng (SRC) đều thuộc nhóm Vinachem sẽ nắm giữ dưới 50% vốn. Trước mắt, tỷ lệ sở hữu nhà nước sẽ được giảm về 36% và đến năm 2020 có thể giảm xuống dưới 36%.

Theo các chuyên gia, mức giá thoái vốn có thể sẽ không hấp dẫn so với thị giá nhưng vẫn có thể hưởng lợi khi câu chuyện thoái vốn thường tạo ra diễn biến tích cực cho giá cổ phiếu trên thị trường, với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc, vận hành hiệu quả hơn.