Năm vượt khó của nhiều ngân hàng

Huy Hiếu

(Tài chính) Thêm một năm khó khăn nữa cho hệ thống ngân hàng khi ước tính có tới khoảng 17% tổ chức tín dụng thua lỗ trong năm 2013. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những khó khăn chung thì vẫn có những ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Khó khăn chung

Thông tin tại Hội nghị tổng kết của Ngành Ngân hàng diễn ra vào cuối năm 2013, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết hiệu quả kinh doanh của Ngành thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Lợi nhuận lũy kế 11 tháng đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2012. Nếu so sánh với 2010, 2011, mức lãi này chỉ bằng 53 - 64%. Trong đó, có đến 17% các tổ chức tín dụng (TCTD) thua lỗ trong năm 2013. Cụ thể, hơn 100 đơn vị hoạt động có lãi thì có đến hơn một nửa lợi nhuận giảm so với năm 2012. Hệ số phản ánh hiệu quả kinh doanh ROA, ROE đều giảm so với năm ngoái khi lần lượt 0,53% và 5,6%.

Những con số trên cho thấy, “bức tranh” lợi nhuận ngành Ngân hàng năm 2013 sụt giảm mạnh. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm đó một phần do bị ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, hệ thống doanh nghiệp (DN) hoạt động sa sút, phá sản hàng loạt khiến tín dụng khó tăng, nợ xấu cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Thêm vào đó, việc giảm lãi suất tiền gửi chậm hơn so với việc giảm lãi suất cho vay cũng đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thấp, chỉ còn khoảng 1 – 1,5%/năm (đối với DN) và 2 – 2,5%/năm cho vay cá nhân.

Hiệu quả riêng

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong năm 2013, Ngân hàng thương  mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng. Kết quả kinh doanh năm 2013 tuy không bằng năm 2012 song vẫn dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận và vượt chỉ tiêu đã đề ra trong năm.

Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ông Phạm Huy Hùng cho biết, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong năm 2013 ước đạt 7.700 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 13%, tín dụng tăng 11% so với năm 2012. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 17%, tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 1,6% - 1,7%, trong khi nợ xấu chỉ ở mức 0,9%. Lợi nhuận của Vietcombank có được là nhờ tiết giảm chi phí, chú trọng quản trị rủi ro...

Trong năm 2013, Vietinbank cũng đã vinh dự xếp hạng 6 trong số 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN (TNDN) lớn nhất Việt Nam và là đơn vị đứng đầu ngành Tài chính - Ngân hàng về đóng góp cho ngân sách quốc gia (V1000 do Công ty Vietnam Report, Báo Vietnamnet và Tạp chí Thuế xếp hạng và công bố). Đây là năm thứ 4 liên tiếp Vietinbank nằm trong top 10 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam.

Thêm một năm khó khăn nữa cho hệ thống ngân hàng khi ước tính có tới khoảng 17% tổ chức tín dụng thua lỗ trong năm 2013. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những khó khăn chung thì vẫn có những ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan.

Với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), kết thúc năm 2013, tín dụng tăng trưởng tốt hơn (14,7%) là yếu tố chính để Vietcombank đạt lợi nhuận trên 5.600 tỷ đồng trong năm 2013.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2013 tín dụng của Vietcombank tăng trưởng âm 1,49% và đến cuối tháng 7 vẫn chấp chới - 0,1% nhưng kể từ tháng 8/2013, tín dụng của ngân hàng này liên tục tăng mạnh. Kết quả trên có được một phần do yếu tố thời vụ, tín dụng thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Mặt khác, do Vietcombank đã chủ động hơn trong việc tiếp cận, tìm kiếm các dự án hiệu quả, các khách hàng lớn; Ưu đãi lãi suất; Bán chéo các sản phẩm, dịch vụ; Cung ứng ngoại tệ…

Năm 2013 cũng là năm ghi nhận sự “lột xác” của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Trước khi tái cơ cấu, TPBank rơi vào khó khăn về thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu có thời điểm lên tới 6,4%, chất lượng tín dụng và tài sản giảm sút nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ mất vốn… Mặc dù hoạt động và tự tái cơ cấu trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2013, ước lợi nhuận của TPBank vẫn đạt 358 tỷ đồng, tăng 13% so với chỉ tiêu đặt ra. TPBank đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng; Vốn huy động dân cư tăng trên 160% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng tăng trên 190% so với năm 2012, nợ xấu giảm từ 3,66% xuống xấp xỉ 2%, số lượng khách hàng tăng hơn 3 lần...

Tương tự, trong quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã ưu tiên cho mục tiêu hoạt động an toàn và bền vững lên trên lợi nhuận. Vì vậy, trong năm 2013, ngân hàng này đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu. Tổng số dự phòng đã trích ước tính vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Nợ xấu của SCB đã được kéo về dưới mức 3% trong quý IV/2013 khi ngân hàng này đẩy mạnh bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Năm 2013 là năm thứ hai SCB thực hiện Đề án Tái cơ cấu (3 năm) đã được NHNN phê duyệt, nhưng một số mục tiêu tái cơ cấu đã về đích trước hạn, điển hình như xử lý nợ xấu, nợ liên ngân hàng và tái cơ cấu nguồn vốn…

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng khác cũng đã bước đầu được hé lộ. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân Hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay nếu không phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, thì lợi nhuận trước thuế của OCB năm 2013 sẽ đạt khoảng trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích dự phòng cao, ước cả năm OCB chỉ đạt hơn 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng kế hoạch xây dựng ban đầu. Tăng trưởng tín dụng của OCB năm 2013 ở mức 9%, trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 50%.

Áp lực 2014

Năm 2014, dự báo ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, các DN tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa do cầu nội địa yếu. Trong khi, chi phí xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro năm 2014 dự báo sẽ tăng mạnh (do áp dụng Thông tư số 02 của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro).

Vậy làm thế nào để “cứu” lợi nhuận ngành Ngân hàng sẽ là một thách thức lớn trong hiện tại và tương lai gần? Đây là câu hỏi khó có thể có ngay câu trả lời song nhiều lãnh đạo Ngân hàng cho rằng, đây cũng là một cơ hội thuận lợi để “ép” các ngân hàng phải lành mạnh hóa sổ sách kế toán, quay trở về với tăng trưởng cốt lõi và tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút được khách hàng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013