Nâng cao tính minh bạch trên sàn UPCoM

Theo Khánh Hạ/Tạp chí Chứng khoán 06/2018

Thời gian gần đây UPCoM đang là địa chỉ được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi sự gia tăng nhanh chóng quy mô thị trường với nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn và tính minh bạch của thị trường ngày càng được cải thiện. Qua trao đổi với phóng viên Tạp chí Chứng khoán, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết nhờ có sự hỗ trợ tích cực về mặt chính sách với hàng loạt các quy định pháp lý thúc đẩy doanh nghiệp tham gia UPCoM đã tạo ra cú hích lớn cho sự phát triển của thị trường này. Song song với đó, HNX cũng đã và đang có nhiều giải pháp tăng quy mô, thanh khoản và tính minh bạch trên thị trường UPCoM.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông đánh giá những thành quả mà UPCoM đã đạt được trong thời gian gần đây?

ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Ông Nguyễn Anh Phong: UPCoM chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/6/2009, sau 9 năm hoạt động, UPCoM không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô mà còn có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng hàng hóa và hoạt động của thị trường.

UPCoM không chỉ hoàn thành sứ mệnh thu hẹp thị trường xám như mục tiêu đặt ra ban đầu mà còn khẳng định vai trò là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng và huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào công cuộc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam.

Từ năm 2015 trở lại đây, nhờ có sự hỗ trợ về chính sách giảm thiểu thủ tục và thời gian đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 và chính sách CPH gắn kết với ĐKGD trên thị trường UPCoM tại Thông tư số 115/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016, thị trường đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô vốn hóa và quy mô giao dịch.

Năm 2016, 2017 là 2 năm quy mô vốn hóa tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt là 397% và 123,4%; quy mô giao dịch tuy không theo kịp quy mô vốn hóa song vẫn đạt mức tăng ấn tượng với 121% và 90%.

Chỉ với 10 doanh nghiệp ĐKGD trong buổi đầu khai trương, tính đến hết tháng 5/2018, UPCoM đã có 738 doanh nghiệp ĐKGD, vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX cùng thời điểm.

Thanh khoản trên UPCoM tính trên 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt mức 462 tỷ đồng/phiên, gần bằng 50% giá trị giao dịch trên thị trường niêm yết HNX. Cổ phiếu UPCoM ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà ĐTNN.

Trong 2 năm 2016, 2017, tỷ trọng giao dịch của nhà ĐTNN luôn chiếm khoảng 15,5% - 16,5% giá trị giao dịch UPCoM. Có nhiều thời điểm thị trường biến động, nhà ĐTNN bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết nhưng họ vẫn mua ròng trên UPCoM. 

UPCoM cùng với 2 sàn niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành lựa chọn đầu tư tài chính và huy động vốn hàng đầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngày càng quan tâm giao dịch cổ phiếu UPCoM.

Trên sàn UPCoM có khá nhiều cổ phiếu của các công ty lớn, có tên tuổi, được nhà đầu tư quan tâm, có những cổ phiếu được giao dịch ở mức giá rất cao, có khi bằng hoặc thậm chí cao hơn mức giá của các bluechips trên hai sàn niêm yết, ví dụ như các mã MCH, MPC, SCS, SGN...

Trong 9 năm hoạt động, UPCoM đã hỗ trợ hơn 130 doanh nghiệp, tương đương gần 18% số doanh nghiệp ĐKGD, huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường này.

Chính sách CPH gắn với niêm yết đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng quy mô và chất lượng thị trường, đưa nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng, hoạt động hiệu quả vào giao dịch tại UPCoM.

Ở chiều ngược lại, sự sôi động của UPCoM, tính minh bạch, sự cải thiện về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi gia nhập UPCoM cũng góp phần thúc đẩy hoạt động đấu giá CPH, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các DNNN, giúp ngân sách nhà nước thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Không chỉ như vậy, UPCoM còn khẳng định mình như điểm đến cho các doanh nghiệp muốn tập dượt trước khi niêm yết trên các Sở Giao dịch Chứng khoán và là môi trường cho các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện mình để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường niêm yết. Từ đây đã có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và chuyển lên niêm yết trên HNX, HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán  Tp. Hồ Chí Minh).

Thị trường UPCoM đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn nhưng thanh khoản trên sàn vẫn còn thấp so với tiềm năng của thị trường này. Điều này có phải là do tính minh bạch của UPCoM chưa cao, thưa ông?

Với 738 doanh nghiệp, là thị trường không có tiêu chuẩn sàng lọc ban đầu nên UPCoM rất đa dạng về quy mô vốn hóa cũng như hiệu quả hoạt động.

Có thể bạn cũng biết, theo quy định hiện hành, các công ty đại chúng (CTĐC) lớn với quy mô vốn từ 120 tỷ đồng trở lên phải thực hiện theo các quy định về công bố thông tin (CBTT) giống như đối với các công ty niêm yết (CTNY), các doanh nghiệp quy mô vốn dưới 120 tỷ đồng thì CBTT như CTĐC bình thường theo các quy định CBTT ít khắt khe hơn CTĐC lớn. Theo số liệu thống kê, trên sàn UPCoM hiện có tới 60% doanh nghiệp quy mô vốn dưới 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên sàn còn có nhiều doanh nghiệp mới tham gia, chưa nắm rõ quy định cũng như tuân thủ tốt các quy định về CBTT. Điều này dẫn tới việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp UPCoM bị hạn chế, nhất là các thông tin tài chính quý/bán niên… khiến cho các nhà đầu tư thận trọng hơn khi đầu tư vào các doanh nghiệp này.

Hiệu quả hoạt động cũng là một yếu tố đặt lên hàng đầu khi xem xét đầu tư cổ phiếu của các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cầm chừng, thua lỗ hoặc bị hủy niêm yết… thường ít được nhà đầu tư quan tâm, vì vậy cũng ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Một lý do nữa khiến cho thanh khoản trên UPCoM còn thấp liên quan đến yếu tố nhiều doanh nghiệp trên UPCoM có gốc là các DNNN CPH. Tính riêng năm 2017, trong số 287 doanh nghiệp ĐKGD mới trên UPCoM, có tới gần 60% là DNNN CPH.

Ở các doanh nghiệp này, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước vẫn còn ở mức cao, thông thường từ mức 30% trở lên. Tuy có quy mô vốn hóa lớn nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, khiến thanh khoản của cổ phiếu bị ảnh hưởng. Thậm chí có những doanh nghiệp tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ dưới 10%.

Ông có thể chia sẻ về những giải pháp mà HNX đã và sẽ thực hiện để thúc đẩy thị trường UPCoM phát triển?

Cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính, là cơ quan quản lý, vận hành thị trường, HNX trong suốt những năm qua luôn chú trọng đến công tác tạo hàng cho UPCoM.

Từ nhiều năm nay, chúng tôi tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, Tập đoàn, tổng công ty (TCT) để phối hợp, hỗ trợ trong công tác CPH gắn với đưa cổ phiếu sau CPH lên giao dịch trên thị trường tập trung theo chủ trương của Chính phủ.

Chúng tôi cũng ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các Tập đoàn, TCT  như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, TCT Hàng hải Việt Nam… để có các hỗ trợ tích cực hơn trong các vấn đề này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)… tổ chức các hội nghị tập huấn cho CTĐC mỗi khi có sự thay đổi về chính sách có liên quan đến CPH hay TTCK. Những buổi hội thảo này thường thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia với số lượng đại biểu lên tới 500 - 600 người.

Bên cạnh đó, HNX còn chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ĐKGD.

Đối với các doanh nghiệp CPH, HNX xử lý hồ sơ ĐKGD của doanh nghiệp song song với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để ngay khi doanh nghiệp nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thì cũng có thể được nhận ngay Quyết định chấp thuận ĐKGD trên UPCoM. Nhờ đó, thời gian đưa cổ phiếu đấu giá lên sàn đã được rút ngắn.

Trong những tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp CPH đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM chỉ trong vòng 1 tháng sau đấu giá, ngay cả khi doanh nghiệp còn chưa hoàn tất quá trình chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần như Sanest Khánh Hòa, Hapro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power...

Để nâng cao tinh minh bạch cho thị trường, HNX đã đưa hệ thống quản lý thông tin công ty (CIMS) (được sử dụng cho CTNY) vào sử dụng cho doanh nghiệp UPCoM.

Hệ thống này sử dụng ứng dụng trên nền tảng website, cho phép doanh nghiệp CBTT trực tuyến qua internet 24/7, giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu sai sót trong CBTT của doanh nghiệp. Hiện có gần 55% doanh nghiệp trên UPCoM đang sử dụng hệ thống CIMS.

Ngoài ra, HNX cũng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trên UPCoM tiếp cận các chương trình hội nghị, hội thảo quản trị công ty do HNX phối hợp hoặc chủ trì tổ chức.

Từ thành công của chương trình đánh giá CBTT minh bạch được triển khai đối với CTNY từ năm 2012, năm 2018 HNX bắt đầu triển khai chương trình này cho các doanh nghiệp trên UPCoM để khuyến khích các doanh nghiệp CBTT theo các thông lệ tốt, nâng cao tính minh bạch và thu hút các cá nhân, tổ chức đầu tư. 

Để nâng cao tính thanh khoản của thị trường, HNX đã thực hiện nhiều giải pháp tăng thanh khoản trong những năm qua. Năm 2015, HNX đã nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM từ ±10% lên ±15%.

Năm 2016, HNX thay đổi cách tính UPCoM Index trên cơ sở giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các doanh nghiệp UPCoM nhằm phản ánh chính xác hơn diễn biến giao dịch.

Năm 2017, HNX phân bảng UPCoM theo quy mô vốn nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu. Cũng trong năm 2017, HNX bước đầu đưa vào áp dụng cơ chế tạo lập thị trường nhằm gia tăng thanh khoản cho các cổ phiếu có thanh khoản thấp.

Trong năm nay, HNX sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế này để có thể triển khai các hoạt động tạo lập thị trường. Chúng tôi cho rằng, với tiềm năng của thị trường UPCoM, thanh khoản sẽ dần được cải thiện.

Tuy nhiên, nỗ lực phát triển thị trường không chỉ đến từ cơ quan quản lý, hệ thống thành viên mà hơn hết cần đến nội lực của chính các doanh nghiệp. Hàng hóa tốt vẫn là sức hút lớn nhất để dẫn lối các nhà đầu tư đến với thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!