Nếu room ngoại là 60%...

theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Nhằm kích thích giao dịch trên thị trường chứng khoán, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết đã trình Chính phủ xem xét dự thảo nới room (giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài). Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán cùng các cơ quan liên quan cũng bày tỏ sự đồng thuận với giải pháp này. Nếu đề xuất này được thông qua, thị trường chứng khoán sẽ có những thay đổi gì đáng kể?

Nếu room ngoại là 60%...
Nhà nước hiện sở hữu 95% Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu Khí. Nguồn: internet
Các cơ quan quản lý kỳ vọng việc gia tăng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài ở các công ty niêm yết sẽ giúp gia tăng thanh khoản thị trường. Mục đích quan trọng hơn - thu hút dòng vốn ngoại - cũng sẽ đạt được. Quy định mới sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài nâng room hiện tại từ 49% lên 60% kèm theo nhiều thay đổi lớn với các công ty niêm yết.

Trước tiên là khả năng các doanh nghiệp niêm yết bị thâu tóm. Đối với một số doanh nghiệp có đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài nắm vài chục phần trăm cổ phần, khả năng này càng dễ xảy ra hơn. Chẳng hạn như ở Bibica, đối tác chiến lược nắm hơn 38% cổ phần có thể dễ dàng gia tăng tỉ lệ kiểm soát khi room được nới. Với 10% được tăng thêm, đối tác Hàn Quốc Lotte có thể nâng sở hữu ở Bibica lên mức 48%. Họ chỉ cần mua gom thêm 3% lượng cổ phiếu trôi nổi nữa để đạt mức chi phối.

Với những doanh nghiệp room đã đầy, đối tác muốn thâu tóm cũng dễ dàng thực hiện ý đồ bằng việc mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư tài chính.

Khi thâu tóm thành công, cục diện ở nhiều doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi lớn. Đó là những thay đổi về quyền lực, pháp nhân các ông chủ là người nước ngoài, chiến lược kinh doanh, sự cạnh tranh cũng khác đi.

Hiện nay, có không ít doanh nghiệp Việt có đối tác nước ngoài nắm số lượng lớn cổ phần nhưng kinh doanh kém khả quan. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm được quyền chi phối, họ có thể dễ dàng gia tăng tiềm lực và cải thiện khả năng cạnh tranh. Còn kết quả kinh doanh, theo Giám đốc một công ty tư vấn tài chính doanh nghiệp (không muốn nêu tên), là điều khó có thể nói trước. “Nhiều doanh nghiệp nước ngoài làm ăn khấm khá nhưng luôn báo lỗ. Nghi án chuyển giá là điều không mới và khó tránh khỏi vì chưa có luật để kiểm soát cho chặt chẽ”, vị này nói.

Dù vậy, việc thâu tóm cũng sẽ gặp không ít trở ngại. Theo ông Nguyễn Thành Chung, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Á Âu (AAS), sở hữu 51% chưa phải là yếu tố quyết định. Tỉ lệ này mới chỉ cho phép bên đi mua bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị, có tiếng nói quyết định trong các kế hoạch kinh doanh.

Còn muốn thay đổi các yếu tố mang tính sống còn của doanh nghiệp như tăng giảm vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu hay giải thể, sáp nhập thì cần phải sở hữu đến trên 65% hoặc 75% theo Luật Chứng khoán và điều lệ doanh nghiệp. Nếu có cổ đông lớn khác nắm 25%, bên đi mua sẽ không làm gì được, hoặc sẽ rất nhọc công thương lượng mua lại.

“Đó là chưa kể nếu quy định được thông qua, các doanh nghiệp kinh doanh tốt không thể nào không liên kết với đối tác khác để kiểm soát số 25% này trước khi để người khác thâu tóm”, ông Chung phân tích.

Theo ông Chung, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thâu tóm đều là những doanh nghiệp lớn. Con mồi của họ phải thực sự tốt về kinh doanh và quy mô cũng phải đáng kể. Ông cho rằng số này hiện nay không nhiều. “Nới room chỉ là giải pháp giúp nhà đầu tư nước ngoài gia tăng cơ hội mua thêm cổ phiếu mà thôi”, ông nói.

Các cơ quan quản lý kỳ vọng nới room sẽ kích thích giao dịch và gia tăng thanh khoản thị trường. Điều này sẽ đạt được khi quy định mới được thông qua nhưng có lẽ không nhiều. Ông Hoàng Thạch Lân, người từng tham gia công tác điều hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cho biết ở một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu vượt room. Tức là họ nhờ pháp nhân Việt Nam đứng tên phần dôi ra so với ngưỡng 49%. Khi nới room, họ chỉ việc chuyển tên sở hữu là xong. Vậy nên, trên thực tế, thanh khoản không tăng được bao nhiêu.

Thanh khoản sẽ tăng ở những doanh nghiệp tốt có quy mô lớn. Nhưng room ở những doanh nghiệp như thế hầu như đã đầy như ở Vinamilk, Kinh Đô… Số còn lại như Công ty Cơ Điện Lạnh - REE (nhà đầu tư nước ngoài nắm trên 41%), Masan (trên 31%), Hòa Phát (trên 43%)… là không nhiều.

Theo ông Lân, để kích thích thanh khoản một cách hiệu quả, Việt Nam cần bán thêm cổ phần ở những doanh nghiệp mà Nhà nước còn sở hữu nhiều. Chẳng hạn như ở Đạm Phú Mỹ (DPM), Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu Khí (PVD), Tổng Công ty Khí (GAS)… Đây là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Sở hữu nhà nước ở đây lần lượt trên 61%, 96% và xấp xỉ 51%.

Hiệu quả từ việc bán cổ phần ở những doanh nghiệp này được minh chứng qua việc phát hành thêm của PVD hồi tháng 5.2013. Công ty đã phát hành 38 triệu cổ phiếu tăng vốn, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mua 20 triệu đơn vị. Số còn lại đã được 4 nhà đầu tư nước ngoài mua hết với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với giá chào bán. Nếu tính trên hiệu quả cổ phần hóa, Nhà nước đã thu được thặng dư vốn lớn (35.000 đồng trên mỗi cổ phiếu bán được), đồng thời kích thích thanh khoản tăng mạnh qua dòng tiền thực.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, có thể có quy định riêng như Thái Lan đã áp dụng. Ông Lân cho biết Thái Lan vẫn cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu ở mức 49% tại một số ngân hàng nhỏ. Còn ở một số ngân hàng khác, tỉ lệ này là trên 30%.

Đối với Việt Nam, việc Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPbank) dự kiến bán lượng lớn cổ phần cho nhà đầu tư Singapore United Overseas Bank, nếu thành công, có lẽ sẽ là giải pháp lưỡng toàn cho vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính và huy động vốn nước ngoài trong lúc này.