Ngân hàng bán lẻ đối mặt áp lực từ hội nhập

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Đây là thời cơ tốt cho các ngân hàng rèn luyện sức bền để không bị thị trường đào thải.

Ngân hàng bán lẻ đối mặt áp lực từ hội nhập
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngân hàng nội đang yếu thế?

Sang năm 2015, hàng loạt các hiệp định tự do thương mại và kinh tế có hiệu lực hoặc được ký kết như AEC, Việt Nam - EU, ASEAN + 6, RCEP, TPP, tiếp tục thực hiện theo lộ trình cam kết với WTO... Cùng với đó, các NH nước ngoài, nhất là các NH trong khu vực sẽ tập trung nhiều hơn vào Việt Nam.

Thực tế thời gian qua, khá nhiều chi nhánh NH nước ngoài đã xin NHNN cấp phép hoạt động cũng như bổ sung nghiệp vụ. Gần đây nhất, Thống đốc NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập NHTM TNHH E.SUN - Chi nhánh Đồng Nai và NH BNP Paribas - Chi nhánh Hà Nội. NH lớn thứ hai của Malaysia - CIMB Group Holdings BHD cũng cho biết đang có kế hoạch xin cấp phép để có đại diện tại Việt Nam…

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, động thái các NH nước ngoài mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam trong thời điểm này không đáng lo ngại. Việc các chi nhánh NH nước ngoài được cấp phép nhanh hơn bởi room cho hoạt động tại Việt Nam còn rất nhiều. Đồng thời, mạng lưới hoạt động của các NH Việt Nam đang phải thu hẹp quy mô lại do kinh doanh không hiệu quả.

Mặt khác, NHNN đã có những quy định khắt khe, chặt chẽ với việc mở thêm chi nhánh, nên không phải NH Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng được. Còn các NH nước ngoài có lợi thế về quy mô vốn, năng lực quản trị tốt hơn sẽ dễ dàng được chấp thuận mở rộng sự hiện diện trên thị trường Việt Nam. Trong những buổi làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế, lãnh đạo NHNN luôn khẳng định, NHNN tạo mọi điều kiện cho các NH hoạt động tại Việt Nam.

Vậy phải chăng quy mô, chiến lược kinh doanh bài bản của họ sẽ là một thách thức lớn đối với các NH trong nước ngay trên thị trường nội địa? Ông Hiếu cho rằng, thách thức từ khối NH ngoại là không đáng kể. Vì mức độ tham gia của các NH nước ngoài vào Việt Nam mới chỉ khoảng 10%. Trong số 90 triệu người dân Việt Nam mới có khoảng 20% tiếp cận dịch vụ của NH nội địa, nên các NH nước ngoài cũng chưa mạnh dạn vào thị trường bán lẻ. Một phần cũng vì họ lo ngại rủi ro.

Mặt khác, trong lĩnh vực NH bán lẻ thì tín dụng tiêu dùng cá nhân chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Trong khi các NH nước ngoài có hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân một cách phổ biến, chính xác thì tại Việt Nam, NH chỉ có thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Mà số lượng khách hàng của CIC hiện còn khá khiêm tốn…

Ở góc độ NH, Tổng giám đốc OCB – ông Nguyễn Đình Tùng không lạc quan như ông Hiếu mà cho rằng, thời gian tới dịch vụ NH bán lẻ của các NH Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp, theo nhận định của ông Tùng, nhiều khả năng đến từ những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia… Đây là những thị trường có tính tương đồng cao với Việt Nam và không ít NH của các quốc gia này đã khẳng định vị thế thành công tại các thị trường quốc tế.

Lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đồng tình khi cho rằng, nhiều khả năng các NH đến từ thị trường lân cận Việt Nam chọn đúng phân khúc NH Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển là NH bán lẻ. “Với độ am hiểu thị trường không kém gì các NH Việt Nam, quy mô lớn hơn, kinh nghiệm cạnh tranh và năng lực quản trị điều hành khá hơn thì đó là đối thủ cạnh tranh rất đáng chú ý của các NH Việt Nam”, vị lãnh đạo NH này đưa ra quan điểm.

Ngay như một số NH nước ngoài vì có mặt tại Việt Nam lâu năm nên đã thiết lập mối quan hệ khá tốt với khách hàng nội địa để đẩy mạnh phát triển NH bán lẻ như ANZ, HSBC… Nhóm khách hàng mà các NH này hướng đến chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp có nhu cầu dịch vụ đa dạng, nhất là dịch vụ tư vấn của các NH ngoại rất được khách hàng nội tin tưởng bởi tính tuân thủ chính sách cao, sản phẩm đa dạng, tiện dụng, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.

Thay đổi chiến lược để giữ sân

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, trước áp lực thách thức như vậy, việc đầu tiên trong năm 2015 của OCB là phải xem xét lại chiến lược kinh doanh đối với mảng NH bán lẻ. OCB sẽ đánh giá toàn bộ chiến lược cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Cụ thể, OCB đánh giá lại năng lực của mình và so sánh với NH khác trong khu vực. Để từ đó tìm ra miếng ghép năng lực hay là khoảng trống năng lực so với các NH khác và phải có kế hoạch rất quyết liệt để lấp khoảng trống đó. “Tôi nghĩ mức độ cạnh tranh NH bán lẻ rất khủng khiếp trong thời gian tới, đòi hỏi các NH cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Lãnh đạo một NH khác cũng chia sẻ, trước đây, khi xây dựng chiến lược cạnh tranh, NH thường đánh giá đối thủ hiện hữu phần nhiều là các NH nội. Nhưng thời điểm này, chắc chắn họ phải đưa thêm yếu tố NH ngoại vào tham số trong mô hình chiến lược. Điều quan trọng khi xây dựng, cần xác định phân khúc cốt lõi. Muốn làm được như vậy, phải có những điều tra về chiều sâu để đánh giá đúng nhu cầu khách hàng. Đồng thời, xây dựng hình ảnh của NH gắn kết với phân khúc đó.

Cùng chung nhận định áp lực cạnh tranh rất lớn, nhưng lãnh đạo một NHTM lớn lại cho rằng, khó khăn hay không ở chỗ các NH giải quyết việc này thế nào. Ví dụ, nhìn sang các thị trường mở cửa tự do tối đa như Hong Kong, Singapore… tuy số lượng NH trong nước không nhiều, nhưng những NH đứng đầu thị trường bán lẻ vẫn là NH nội.

Điều đó cho thấy khả năng tồn tại và phát triển NH bán lẻ của các NH nội địa vẫn rất lớn, chứ không đến mức không thể cạnh tranh được. Vấn đề là để tồn tại, phát triển, trước đây bỏ công sức một thì đến thời điểm này chắc chắn phải làm gấp đôi thậm chí gấp ba. Đây là thời cơ tốt cho các NH rèn luyện sức bền để không bị thị trường đào thải.