Ngân hàng bình ổn thị trường cuối năm

Theo thoibaonganhang.vn

Hơn 700 tỷ đồng dư nợ cho vay bình ổn thị trường TP. Hồ Chí Minh của các ngân hàng thương mại đang chia sẻ quan trọng với ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vốn chảy mạnh vào doanh nghiệp sản xuất

Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm 31/8, số vốn 10 ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết cho vay đối với chương trình cho vay phục vụ bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố đã đạt khoảng 1.328 tỷ đồng. Tổng dư nợ đối với chương trình này đạt khoảng 701,5 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn với lãi suất từ 4,7% – 6,5%/năm đối với các công ty ngành hàng sản xuất nước mắm, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, sữa – ngũ cốc và thực phẩm đông lạnh...

Quan sát trên cho thấy, ngoài nguồn vốn cam kết hơn 1.300 tỷ đồng từ chương trình bình ổn thị trường, trong 9 tháng đầu năm nay, dòng vốn rẻ của các tổ chức tín dụng đổ về khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh tăng khá mạnh.

Năm 2016 là năm đầu tiên ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh thực hiện phối hợp giữa chương trình kết nối ngân hàng–doanh nghiệp với các chương trình ưu đãi tín dụng khác của thành phố (bao gồm chương trình bình ổn thị trường). Do sự chủ động kết hợp này, bản thân các hợp đồng vay vốn từ chương trình kết nối ngân hàng–doanh nghiệp đa số cũng hướng vào các doanh nghiệp sản xuất.

Thống kê của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy rằng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016 chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã cho vay đối với 19.200 công ty sản xuất – kinh doanh với số vốn khoảng 180.000 tỷ đồng. Con số này thật sự đã chứng tỏ số lượng DN tiếp cận được vốn vay ưu đãi đang tăng rất mạnh.

Bởi tính chung từ năm 2012 đến nay có khoảng 25.700 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình kết nối thì riêng 9 tháng đầu năm 2016 đã có số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ chương trình này chiếm trên 74,7%. Một số doanh nghiệp có nhiều phương án kinh doanh nên vừa nhận được vốn vay từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa nhận được vốn ưu đãi từ các chương trình khác như chương trình bình ổn thị trường, chương trình kích cầu đầu tư…

Ngoài ra, mặc dù còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hiện nay, hàng loạt các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã chủ động đưa ra các gói tín dụng ưu đãi riêng dành cho các doanh nghiệp kinh doanh dịp cuối năm. Chẳng hạn, SHB triển khai gói 11.000 tỷ đồng phục vụ doanh nghiệp kinh doanh dịp Tết với lãi suất từ 5,5%/năm; MB ưu tiên cho vay doanh nghiệp dệt may với tỷ lệ tài trợ lên đến 100% giá trị đầu vào trong thời gian 6 tháng; HDBank dành khoảng 6.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 7% - 10,5%/năm; TPBank dành 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn lãi suất 6,8%/năm từ 20/10/2016…

Nguồn cung hàng hóa bình ổn tăng mạnh

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhờ có nguồn vốn vay từ các NHTM tính đến thời điểm cuối tháng 9/2016, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh đã phát triển được trên 10.100 điểm bán hàng, tăng 935 điểm bán so với năm ngoái. Chương trình cũng đã hình thành được 16 cửa hàng chuyên phục vụ công nhân, gồm 11 cửa hàng trong các khu công nghiệp – khu chế xuất, 3 cửa hàng tiện lợi tại các xí nghiệp đông công nhân và 2 cửa hàng thanh niên phục vụ công nhân lưu trú.

Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 80 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường thì hầu hết các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán đều đã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ các NHTM.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây cho hay, nhờ vay được vốn từ các NHTM theo chương trình bình ổn, doanh nghiệp đã đầu tư xong dây chuyền hiện đại, khép kín để sản xuất những sản phẩm sạch như mì, phở, bún tươi và bún khô. Hiện doanh nghiệp đã có thể cung ứng ra thị trường khoảng 120 tấn sản phẩm mỗi ngày.

Trong khi đó, khảo sát của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tại các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Ba Huân, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt… đều cho thấy các doanh nghiệp này đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ chương trình bình ổn. Hiện tổng lượng hàng hóa thuộc diện sẽ bán theo giá bình ổn thị trường đã được các doanh nghiệp chuẩn bị khá dồi dào với tổng giá trị đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có mức tăng mạnh từ 30-35% so với năm ngoái. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi để giữ mặt bằng giá chung trong dịp cuối năm 2016 và các tháng đầu 2017 không bị tăng đột biến.

Vốn bình ổn thị trường hiện nay được TP. Hồ Chí Minh kết nối khá tốt giữa NHTM với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thay vì như những năm trước thành phố phải dùng đến ngân sách cấp bù 0% lãi suất cho doanh nghiệp bình ổn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hiện nay cũng phấn đấu tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố để như một sự bảo chứng về uy tín và tiềm năng của mình thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn.

Ngược lại những NHTM hiện cũng mong muốn được tham gia chương trình bình ổn giá để cho vay những doanh nghiệp tốt đã được TP. Hồ Chí Minh lựa chọn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, “Trong các tháng tới đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi và khuyến khích các NHTM đăng ký cho vay đối với các doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đã cam kết cho vay theo chương trình bình ổn”.

Được biết trong tháng 10 vừa qua các NHTM cũng đã chủ động thực hiện ký hợp đồng (theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp) với hàng trăm doanh nghiệp và hộ sản xuất – kinh doanh với số vốn cam kết giải ngân đến cuối năm 2016 đạt khoảng trên 800 tỷ đồng.

Với quy mô tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện nay đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịp cuối năm là hoàn toàn khả thi, bởi mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn duy trì ở mức khá và thanh khoản rất ổn định.