Ngân hàng đang “rót tiền” vào nông nghiệp công nghệ cao

PV.

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao”, đồng thời yêu cầu nâng gói tín dụng cho lĩnh vực này từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này. .

Thủ tướng dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thủ tướng dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để cho vay đối với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và công nghệ rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn với lãi suất phù hợp, cho vay ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường để doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao dễ dàng tiếp cận.

Trước đó, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015 về cho vay ưu đãi với nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, để hỗ trợ thêm, NHNN sẽ kêu gọi các ngân hàng thương mại dành vốn cho vay.

NHNN cũng cho biết: Toàn bộ nguồn vốn này là của các ngân hàng thương mại, không có gói tín dụng nào liên quan đến việc tái cấp vốn hay hỗ trợ từ ngân sách.

Đến nay, Ngân hàng NN&PTNT dành 50.000 tỷ đồng, ngân hàng LienVietPostBank cũng đã công bố sẽ dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất, để tham gia chương trình này.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân… phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao, giúp phát huy thế mạnh của vùng, góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm ổn định an ninh – quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên.

Theo số liệu thống kê của NHNN cho thấy, năm 2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế (huy động vốn toàn nền kinh tế đạt 17,85%).

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn quốc (tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 18,39%).