Ngân hàng đang thiếu “quota” cho vay

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Chi phí vốn của nền kinh tế duy trì ổn định, một số ngân hàng công bố các chương trình ưu đãi với lãi suất “siêu” hấp dẫn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng số liệu tăng trưởng tín dụng cho thấy, để đạt mục tiêu đề ra là không dễ dàng…

Gói tín dụng dãi suất ưu đãi sẽ mang tới những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp
Gói tín dụng dãi suất ưu đãi sẽ mang tới những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp

Từ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng…

Báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng và 9 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS) cho biết, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tháng 8. Đặc biệt, lãi suất qua đêm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,36%/năm vào ngày 16/9, thấp hơn rất nhiều so với mức 5,2-5,6%/năm thời điểm đầu năm.

Nhờ đó, Kho bạc Nhà nước đã sớm hoàn thành kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ cả năm 2016. Tính đến 23/9/2016, tổng giá trị huy động trái phiếu chính phủ đạt 100,13% kế hoạch (tương đương 250.320 tỷ đồng), kỳ hạn trái phiếu chính phủ phát hành bình quân là 7,48 năm, cao hơn mức 6,1 năm của năm 2015.

Trong khi đó, chi phí vốn của nền kinh tế duy trì ổn định. Diễn biến lãi suất huy động và cho vay trong 9 tháng đầu năm cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tăng nhẹ, chủ yếu là do đón đầu quy định về tỷ lệ cho vay trung-dài hạn tại một số ngân hàng thương mại.

Vào đầu tháng 9, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 0,3-05%/năm để cạnh tranh thu hút khách hàng và đạt chỉ tiêu kinh doanh vào cuối quý.

Nhưng kể từ ngày 26/9, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5 điểm phần trăm đối với tiền gửi ngắn hạn, trong khi một số khác giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng ưu tiên cho đến cuối năm  2016.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chẳng hạn, SHB triển khai 2 chương trình “Đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp lớn” và “Lãi suất siêu ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ”, với tổng gói tín dụng lên đến gần 11.000 tỷ đồng, mức lãi suất “siêu” ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm.

Không chỉ đưa ra mức ưu đãi với các khoản vay bằng VND, trước đó, SHB còn hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu thông qua chính sách hưởng ưu đãi lãi suất vay USD ngắn hạn chỉ từ 2,35%/năm trong chương trình “Kết nối cùng doanh nghiệp xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Giải pháp tài chính thông qua gói tín dụng gần 11.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi linh hoạt lần này của SHB chắc chắn sẽ mang tới những tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp.

Trong đó, đối với các doanh nghiệp lớn, sẽ đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho việc sản xuất kinh doanh vào mùa cao điểm cuối năm. Còn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc vay bổ sung vốn lưu động thuộc các danh mục ngành hàng ưu tiên sẽ giúp các doanh nghiệp này dễ dàng quay vòng vốn”.

Hay tại OceanBank, với mong muốn mang đến giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh doanh dịp cuối năm, cũng đã triển khai gói ưu đãi lãi suất, chỉ từ 5,99%/năm dành riêng cho khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh, với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, khách hàng không bị giới hạn số tiền vay, phương thức trả nợ linh hoạt… 

…nhưng kết quả chỉ đạt khoảng 11%

Báo cáo của UBGS cho biết, tín dụng tính đến 31/8/2016 đạt 4.943.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đạt 4.560.000 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp đạt 382.000 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng đạt 10,2% so với cuối năm 2015, nhưng tăng trưởng tín dụng bình quân 8 tháng/2016 đạt 4,7% (cùng kỳ 2015 là 4,1%). Vòng quay vốn tín dụng cải thiện nhẹ: 8 tháng/2016 là 4,42 vòng (cùng kỳ năm 2015 là 4,21 vòng).

Cụ thể hơn, UBGS cho biết, tín dụng VND và tín dụng trung-dài hạn chiếm tỷ trọng chính: tín dụng VND chiếm 91,2% tổng tín dụng, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,9% tổng tín dụng.

Tuy nhiên, tín dụng trung-dài hạn tăng chậm lại, trong 8 tháng/2016 tăng 11,1% (cùng kỳ 2015 tăng 18,7%). Tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 5,3% so với cuối năm 2015, chiếm 8,5% tổng tín dụng (cuối năm 2015 là 8,9%).

Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng tăng 28,7% so với cuối năm 2015, chiếm 11,3% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,7%). Tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,9%); mua đồ dùng, trang thiết bị (26%) và phương tiện đi lại (10,7%).

“Thông thường, vào quý cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh tín dụng để đạt chỉ tiêu cả năm. Đây cũng là một tín hiệu tích cực của việc giảm lãi suất cho vay vào mùa cao điểm tín dụng cuối năm nay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng cho vay và gợi ý rằng, nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại, chứ không nên vào bất động sản.

Nhưng theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, tính đến ngày 22/9/2016, tăng trưởng tín dụng cũng mới chỉ đạt 10,64% so với thời điểm 31/12/2015.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 18-20%, tín dụng cần tăng nhanh hơn trong quý IV/2016”, một lãnh đạo UBGS nói. 

Nhiều ngân hàng xin tăng chỉ tiêu tín dụng

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, thực tế vừa qua, rất nhiều ngân hàng xin NHNN tăng thêm chỉ tiêu tín dụng và cơ quan này cũng mới phê duyệt cho một số ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần có tình trạng tài chính tương đối lành mạnh.

Trong bối cảnh cầu tín dụng trong nền kinh tế tương đối tốt như hiện nay, đặc biệt với các doanh nghiệp có chất lượng tốt, không khó để đạt được mức tăng trưởng tín dụng hơn 2%/tháng trong những tháng còn lại của năm. Hiện tại, nhiều ngân hàng cũng đang không còn đủ “quota” để cho vay.

“Cần phải hiểu rõ đây không hẳn là nới lỏng cho vay, mà NHNN cũng rõ ràng rằng, sẽ nới lỏng rất thận trọng. Bởi, NHNN đã yêu cầu không tập trung cho vay bất động sản, các dự án BOT, BT”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích thêm, thực ra không phải là giảm cho vay bất động sản, mà là yêu cầu tăng trưởng chậm lại.

Các thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng cho vay bất động sản đã có sự điều chỉnh khi tín dụng cho xây dựng tăng chậm lại, tín dụng cho giao thông cũng chậm lại. Hiện tại, tín dụng cho giao thông cũng chưa phải là nhiều, còn tín dụng cho bất động sản thì vẫn chưa thể đo đếm vì chưa có số liệu thống kê chính xác.

Đồng quan điểm về sự thận trọng của NHNN, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Tín dụng tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng GDP danh nghĩa.

Để giải quyết những quan ngại gia tăng về tác động tiêu cực của tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng và chất lượng món vay, NHNN đã áp dụng các biện pháp quản lý lãi suất chặt chẽ hơn, với kỳ vọng giảm nhẹ các rủi ro hệ thống và kìm hãm bớt tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh chất lượng tài sản và rủi ro mất vốn liên quan đến tình trạng này vẫn chưa được giải quyết”.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cũng khẳng định: “Dự kiến trong các tháng cuối năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm ổn định lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18-20%, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro".