Ngân hàng "đau đớn" vì… vàng!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) "Bão vàng" quét qua, hàng loạt ngân hàng "dính líu" tới vàng, gồm cả giữ hộ, cho vay, đầu tư vàng... đã nhận quả đắng vì mất thanh khoản, thua lỗ nặng.

 Ngân hàng "đau đớn" vì… vàng!
Hàng loạt ngân hàng "dính líu" tới vàng đã nhận quả đắng vì mất thanh khoản, thua lỗ nặng. Nguồn: tuoitre.vn

Đến giữa năm 2013, việc tất toán trạng thái vàng của ngân hàng mới được cho là "đã hòm hòm", song con số thua lỗ vì vàng vẫn chưa "tẩy xóa" được hết.

ACB và Eximbank đã phải chịu khoản lỗ không nhỏ từ hoạt động đầu tư, kinh doanh vàng trong giai đoạn trước. Ở thời kỳ thị trường vàng sôi động, 2 ngân hàng này đã thực hiện các giao dịch huy động, cho vay vàng, kinh doanh vàng tài khoản với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Âm thầm "dọn" lỗ

Theo Báo cáo tài chính vừa công bố, trong quý IV/2013, ACB tiếp tục bị thua lỗ từ kinh doanh vàng và ngoại hối với 34 tỷ đồng và lỗ lũy kế cả năm gần 78 tỷ đồng. So với năm 2012 (lỗ 1.863 tỷ đồng), số lỗ này đã giảm tới 96%, cho thấy nỗ lực của ACB trong việc khắc phục và giảm bớt những thiệt hại lớn từ vàng. Nhất là trong tình cảnh sự kiện "bầu Kiên" và cả dàn lãnh đạo chủ chốt ra đi hồi tháng 8/2012 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh trên nhiều mặt của ACB.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, ACB báo lỗ trên mảng kinh doanh vàng và ngoại hối, nên không gây bất ngờ cho cổ đông, nhà đầu tư. Bởi trước đó, từ năm 2011, hoạt động này đã bắt đầu bị lỗ tới 161 tỷ đồng. Đến giữa năm 2012, số lỗ giảm xuống 106 tỷ đồng nhưng hết năm, lỗ tăng vọt lên trên 1.863 tỷ đồng. Theo lý giải của ACB, "tội đồ" gây thua lỗ chính là vàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2011 là thời điểm ACB đẩy mạnh kinh doanh vàng tài khoản, vàng vật chất với quy mô giao dịch lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Báo cáo thường niên năm 2011 của ACB cho thấy, đối tác trong nước kinh doanh vàng đã nợ ACB hơn 3.380 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2010. Khoản phải thu này được đảm bảo bằng tiền gửi ký quỹ, tiền gửi có kỳ hạn và thư bảo lãnh của ngân hàng khác.

Các giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn với đối tác trong nước (thực chất là khoản vay vốn vàng) có khoản ký quỹ lên tới hơn 23.294 tỷ đồng, được bảo đảm bằng tiền gửi của khách hàng và đảm bảo khác. Ở mảng kinh doanh vàng tài khoản, số nợ của khách hàng nước ngoài phải thu hồi hơn 13.179 tỷ đồng. Tính chung, khoản phải thu từ liên quan đến vàng năm 2011 lên tới 41.317 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm trước.

Tuy nhiên, vàng - nguồn kiếm "siêu lợi nhuận", đã gây thất vọng cho các nhà băng. Dù không tách bạch cụ thể, nhưng đến cuối năm 2011, chênh lệch số tiền thực chi/ thu từ hoạt động ngoại tệ, vàng và chứng khoán bị âm hơn 2.215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2010 là dương 531 tỷ đồng. Điệp khúc lỗ vì vàng và ngoại hối tiếp diễn suốt 3 năm qua với những con số không mong muốn.

Nguyên nhân thua lỗ chính là do rủi ro giá vàng biến động mạnh và việc chuyển đổi vốn vàng để phục vụ tất toán trạng thái. Áp lực càng nặng nề hơn khi năm 2012, Ngân hàng Nhà nước siết chặt kinh doanh vàng, buộc ngân hàng thương mại phải đóng ngay tài khoản vàng ở nước ngoài, ngừng huy động - cho vay vàng.

Sau "cuộc chơi" với vàng, những thiệt hại lớn từ "buôn" vàng đã kéo giảm lợi nhuận kinh doanh của ACB. Lợi nhuận 2 năm qua (2012 - 2013) đạt khá thấp, chỉ ở mức trên 1.000 tỷ đồng, khiến nhiều cổ đông thất vọng.

Sợ vàng chưa?

Đại hội cổ đông năm 2013 của Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 3.200 tỷ đồng và lãnh đạo ngân hàng cũng từng tiết lộ sẽ lãi hơn 1.600 tỷ đồng, nhưng kết quả lại thấp hơn nhiều. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013 cho thấy, lợi nhuận trước thuế năm 2013 chỉ ở mức khiêm tốn là 827 tỷ đồng, giảm tới 71% so với năm 2012. Riêng quý IV bị lỗ tới 328 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quý IV/2013, Eximbank bị lỗ tới 229,7 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, chủ yếu là vàng. Lũy kế cả năm, ngân hàng bị lỗ hơn 113 tỷ đồng. Số lỗ đã giảm đáng kể (giảm 62%) so với năm ngoái (lỗ 297 tỷ đồng). Năm 2011, Eximbank bắt đầu bị lỗ hơn 88 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, và chênh lệch thu - chi từ hoạt động này (gồm vàng, chứng khoán, ngoại tệ) bị âm hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài ACB và Eximbank, còn nhiều ngân hàng tham gia kinh doanh vàng, nhưng hiện chưa công bố kết quả năm 2013. Do đó, những số lỗ từ hoạt động liên quan đến vàng có thể sẽ xuất hiện trong báo cáo tài chính của một số nhà băng khác, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận kinh doanh.

Vào thời điểm đấu thầu bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước sôi động, một chuyên gia ngân hàng cho rằng các ngân hàng chính là người "hút" vàng nhiều nhất để bù đắp thâm hụt, mất cân đối thanh khoản vàng. Nhưng suốt thời gian đấu thầu (từ tháng 3/2013), vàng liên tục rớt giá nên ngân hàng mua vàng tất toán trạng thái đã bị lỗ nặng. "Cuộc chiến vàng" - từ mà vị chuyên gia tránh nhắc tới vì "nhạy cảm", được dự cảm sẽ sớm kết thúc khi ngân hàng đã "no nê" vàng, giá càng giảm sâu và nguồn vốn cần phải phục vụ nhu cầu tín dụng thay vì dùng để "buôn" vàng.