Ngân hàng dè dặt điều chỉnh lãi suất huy động

Theo Đầu tư Chứng khoán

Trước dự báo trần lãi suất huy động sẽ giảm thêm 1%/năm trong thời gian tới, nhiều ngân hàng đang hạ lãi suất các kỳ hạn.

Ngân hàng dè dặt điều chỉnh lãi suất huy động
Nhiều ngân hàng lớn giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống 11,5%/năm

Tuy nhiên, ghi nhận tại một số ngân hàng lớn thời điểm này cho thấy, khó có khả năng họ cắt giảm mạnh lãi suất đầu vào, do lo ngại nguồn tiết kiệm sẽ “chảy” sang nhà băng nhỏ.

Các ngân hàng lớn bắt đầu giảm lãi suất huy động, nhưng trước mắt chỉ điều chỉnh nhẹ ở kỳ hạn dài ngày. Cụ thể, từ ngày 13/12, Sacombank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với lãi suất kỳ hạn 13 tháng từ 13%/năm xuống còn 12%/năm; kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 11,5%/năm, trong khi kỳ hạn trên 15 tháng là 11%/năm. Tại Techcombank, hiện lãi suất huy động cao nhất là 11,5%/năm. ACB cũng giảm lãi suất từ mức cao nhất 13%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng xuống còn 12%/năm, kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng là 11,5%/năm.

Tại Eximbank, lãi suất cao nhất áp dụng trước đây là 12,8%/năm, hiện đã giảm về 11,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Các kỳ hạn xa hơn có lãi suất là 11%/năm. Ở Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 10%/năm, thấp hơn 0,5% so với mức lãi suất cũ.

Hiện lãi suất huy động tiền gửi chỉ mới được các ngân hàng điều chỉnh giảm ở kỳ hạn dài ngày. Các nhà băng vẫn dè chừng trong điều chỉnh lãi suất và nghe ngóng tình hình lẫn nhau trước khi cắt giảm chi phí, cho dù thanh khoản đang khá dôi dư.

Phó tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung cho biết, dù đầu ra của tín dụng vẫn khó, nhưng các ngân hàng luôn phải tăng trưởng đầu vào. Tính đến cuối tháng 10/2012, tăng trưởng huy động vốn của HDBank đạt trên 30%, trong khi dư nợ tín dụng đạt khoảng 20% so với đầu năm. Theo ông Trung, để quản trị một ngân hàng tốt, phải luôn tăng cường thanh khoản, hay nói cách khác là luôn đảm bảo tăng trưởng huy động tốt.

Sacombank cho biết, tăng trưởng huy động vốn của Ngân hàng trong 11 tháng qua khá khả quan, trong đó vốn huy động tiền đồng tăng trưởng 30% so với đầu năm. Trong khi đó,  tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng mới đạt khoảng 9% và theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, khả năng cả năm 2012, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng cũng chỉ có thể đạt mức 12%.

Cũng theo ông Khang, hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất tốt, vì vậy, việc hạ lãi suất huy động là một tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, trước mắt, trần lãi suất huy động giảm chỉ có thể giảm được 1%/năm, xuống 8%/năm, chứ không thể kỳ vọng giảm sâu hơn.

Giảm lãi suất đầu vào là điều luôn được các nhà băng kỳ vọng, song trước bối cảnh cạnh tranh về huy động vốn đang ngày một gay gắt, các ngân hàng lớn khó có thể giảm mạnh lãi suất huy động, mà phải duy trì một mức lãi suất hợp lý, hấp dẫn, để giữ chân khách hàng.

Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng được điều chỉnh giảm về mức 11 - 12%/năm, chỉ còn một số ít ngân hàng còn huy động với lãi suất 13%/năm. Nhưng đối với kỳ hạn huy động tiết kiệm ngắn ngày, vẫn còn không ít ngân hàng “xé” trần lãi suất 9%/năm. Thậm chí, một vài nhà băng còn duy trì lãi suất 13 - 14%/năm cho kỳ hạn 1 - 3 tháng, nếu khách hàng gửi các khoản tiền tương đối lớn, từ 2 tỷ đồng trở lên. Khoản chênh lệch về lãi suất được thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng sẽ được chi sau bằng tiền mặt.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, áp lực lãi suất hiện nay vẫn còn rất cao đối với DN. Tuy nhiên, với mục tiêu kỳ vọng lạm phát năm sau ở mức 8%, thì khả năng lãi suất cũng khó có thể giảm sâu và nếu giảm, trước mắt trần lãi suất chỉ có thể giảm thêm 1%/năm, song lãi suất cho vay cần phải giảm thêm.