Ngân hàng dồn vốn cho vay cuối năm

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 18%-20%, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu từ nay đến cuối năm, các ngân hàng thương mại phải tăng cường đẩy vốn ra thị trường để tăng trưởng thêm 7% – 8%.

Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 31/8 đạt 7.565 nghìn tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 31/8 đạt 7.565 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, 9 tháng đầu năm, hệ thống tài chính nhìn chung ổn định, đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 31/8 đạt 7.565 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015, tương đương 180% GDP.

Tín dụng hỗ trợ tăng trưởng

Báo cáo nhấn mạnh, tín dụng ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 65,3% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) chiếm 34,7%.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhận xét rằng thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Trong đó, chính sách tiền tệ vẫn đảm bảo yếu tố thận trọng để kiểm soát lạm phát. Tín dụng tăng trưởng khả quan và thấp hơn tăng trưởng huy động vốn.

Đến ngày 20/9/2016, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,46% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo. Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định. Một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Dù có một ít chênh lệch trong con số thống kê, nhưng về cơ bản, tăng trưởng tín dụng mức hợp lý góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều khả năng tín dụng năm 2016 tăng khoảng 18 – 20% như mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm là kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 không chỉ có tác dụng làm lành mạnh các tổ chức tín dụng mà còn hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường tài chính và đầu tư.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu trình Chính phủ Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 nhằm tiếp tục khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức mới.

Phấn đấu đến năm 2020, phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, triển khai đề án xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường và phát triển thị trường mua bán nợ.

Tín dụng vào mùa

Thời gian này, một số ngân hàng cũng đang chạy đua cho vay. Các ngân hàng từ quy mô lớn, nhỏ cạnh tranh nhau bằng ưu đãi lãi suất. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân áp dụng chương trình “Vay kinh doanh hưởng lãi siêu ưu đãi” với lãi suất chỉ từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu và vay kỳ hạn trên 18 tháng.

Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”. Chương trình được áp dụng kể từ ngày 01/11/2016 tới các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn.

Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt giảm lãi suất huy động để tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Vietibank cũng cam kết khách hàng vay với lãi suất cạnh tranh

Giới chuyên gia bình luận đây là thời điểm tốt để ngân hàng cung ứng vốn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hệ thống ngân hàng cũng tham gia hội nhập, đồng hành với doanh nghiệp, nhờ đó, kỹ năng về quản trị của ngân hàng sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn, bởi khi tốc độ chu chuyển về thương mại và đầu tư nhanh với quy mô lớn hơn thì rõ ràng sự liên thông của thị trường trong nước và quốc tế ngày càng lớn hơn. Như vậy, cần theo dõi sát sao những diễn biến hoạt động của hệ thống ngân hàng để có phản ứng về mặt chính sách nhanh nhạy, kịp thời.

Các tổ chức tín dụng là địa chỉ cung cấp dịch vụ tài chính. Khi doanh nghiệp và người dân mở rộng hoạt động thương mại, đầu tư thì tổ chức tín dụng sẽ đồng hành, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ.

Đây cũng là cơ hội để các tổ chức tín dụng có những khách hàng thân thiết hơn và cũng là cơ hội để thu các khoản dịch vụ từ khách hàng.