Ngân hàng: Kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Hết quý I/2017, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 6,2% so với cuối năm 2016. Với tỷ lệ chiếm 59,8% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính, khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguyên nhân chính của biến động lãi suất trong quý I/2017 là do các ngân hàng nhỏ chủ động cơ cấu lại nguồn vốn chuẩn bị nguồn đầu năm và cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn phù hợp với quy định của Thông tư 06.

Giảm 1% lãi suất, tiết kiệm 55.000 tỷ

Trong quý I/2017, thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng nhẹ tại một vài thời điểm, chủ yếu do thiếu thanh khoản cục bộ tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ. Song, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời điều tiết thanh khoản của hệ thống qua OMO. Cụ thể, NHNN đã bơm ròng mạnh trong tháng Một, hút về lượng tiền lớn trong tháng Hai và tiếp tục hỗ trợ hệ thống trong tháng Ba. Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/3, NHNN đã bơm ròng khoảng 12.000 tỷ đồng.

Tại báo cáo tình hình kinh tế quý I/2017 và dự báo cả năm 2017, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, trong quý I, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ kể từ tháng Ba. Tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động được một số ngân hàng tăng thêm 0,1 – 0,5%.

Các NHTM tăng phát hành giấy tờ có giá (tăng 0,7% so với mức âm 7,7% cùng kỳ năm ngoái) khiến lãi suất ở các kỳ hạn dài (5 năm, 7 năm) lên mức cao 9,2%. Trong khi đó, có một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động. “Hiện tượng trên chủ yếu mang tính cục bộ và tính mùa vụ”, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định.

Theo cơ quan này, dù thanh khoản của toàn hệ thống kém dồi dào hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động, song thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn.

Số liệu NHNN cho thấy, ước tính đến hết quý I/2017, tín dụng tăng khoảng 3,2% (cùng kỳ năm 2016 là 3,04%), mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây và cao hơn tốc độ tăng của huy động vốn (khoảng 3%). Do đó, chỉ số LDR (tín dụng/huy động) toàn hệ thống quý I/2017 vẫn ở mức khoảng 87%, tương đương với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, thanh khoản hệ thống luôn có sự phân hóa giữa các nhóm NHTM cổ phần nhỏ và NHTM cổ phần lớn nên diễn ra hiện tượng một số ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn bằng nâng lãi suất huy động. Hiện tại, chênh lệch lãi suất huy động giữa hai nhóm ngân hàng này vào khoảng 0,5%.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn đến động thái tăng lãi suất trên chủ yếu là do các ngân hàng nhỏ chủ động cơ cấu lại nguồn vốn chuẩn bị nguồn đầu năm và cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn phù hợp với quy định của Thông tư 06.

Tính đến cuối tháng Ba, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng tín dụng và tăng khoảng 2,75%. Thống kê một số ngân hàng tăng lãi suất trong quý I/2017 cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bình quân khoảng 45,35%, cao hơn mức trần quy định 40% sẽ được áp dụng vào năm 2018.

Động thái này cũng xuất phát từ kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm và giá hàng hóa cơ bản dự báo tăng trở lại, các ngân hàng nhỏ chủ động huy động nguồn vốn trung và dài hạn giá rẻ để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng cho cả năm 2017.

Vì vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Ba, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường xử lý nợ xấu để giảm lãi suất cho vay. Thủ tướng nêu rõ, nếu không giảm lãi suất, cũng không được tăng bởi với tổng dư nợ hơn 55 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng, nếu giảm 1% lãi suất, nền kinh tế tiết kiệm được 55.000 tỷ đồng chi phí tài chính.

Cung ngoại tệ kém thuận lợi

Theo ghi nhận của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2017, việc Fed tăng lãi suất chưa gây áp lực đối với tỷ giá do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND.

Tuy nhiên, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016 do cán cân thương mại có khả năng đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, nguyên nhân chính của biến động của tỷ giá trong năm 2017 chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh. Tính chung ba tháng đầu năm 2017, nhập siêu ước khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm khoảng 4,4% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.

Trong tháng 1/2017, tỷ giá VND/USD tại các NHTM có xu hướng giảm, nhưng sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng Hai cho tới nay và luôn tiệm cận sát với mức trần NHNN công bố. Tính đến ngày 20/03/2017, tỷ giá NHTM quanh mức 22.820 đồng/USD, tăng khoảng 0,13% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, tỷ giá thị trường tự do trong nửa đầu tháng Hai cũng có mức tăng đột biến, có những thời điểm vượt mức 23.000 VND/USD nhưng ngay sau đó đã hạ nhiệt và hiện tại bám khá sát với tỷ giá của các NHTM. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm tính đến ngày 20/3/2017 đã điều chỉnh 0,47%.

Một điểm quan trọng khác, về dài hạn, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chính là biến động của đồng NDT. “Việc mất giá mạnh của đồng NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc”, báo cáo nêu.