Ngân hàng kiếm tiền từ phân phối bảo hiểm

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Các ngân hàng những năm gần đây đã bắt đầu đưa bảo hiểm vào danh mục các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của mình và xem bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) là một yếu tố cấu thành thu nhập phí thuần từ các dịch vụ thu phí.

Trong năm 2018, các kênh phi truyền thống của nhà bảo hiểm này sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Nguồn: Internet
Trong năm 2018, các kênh phi truyền thống của nhà bảo hiểm này sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Nguồn: Internet
Theo nhà cung cấp các giải pháp và công nghệ dữ liệu toàn cầu cho nghiên cứu điều tra người tiêu dùng và doanh nghiệp SSI Research, tại Việt Nam, doanh thu từ hoạt động bancasurance đã tăng từ 1% trong năm 2013 lên tới mức khoảng 10 – 12% trong năm 2017.
Chiến lược mới của ngân hàng

Thị trường bancassurance đang chứng kiến một sự chuyển đổi lớn trong 2 năm gần đây, hàng loạt cái “bắt tay” giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đã được thực hiện và trở thành kênh phân phối bảo hiểm lớn thứ hai sau kênh truyền thống. 

Nhiều ngân hàng đã xem đây là một mảng dịch vụ quan trọng đóng góp lớn vào phần lợi nhuận của mình. 

Nhận định của SSI Research cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2017, ước tính 3,2 tỷ USD phí bảo hiểm gốc, tương đương 7% tổng phí bảo hiểm của ngành bảo hiểm được bán qua kênh bancassurance, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2017, mức tăng ước tính khoảng 10 – 12%/tổng doanh thu phí khai thác mới của toàn thị trường.

So với thị trường châu Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hồng Kông, đóng góp của bancassurance dao động 30 – 50% tổng doanh thu ngành bảo hiểm, thì doanh thu tại thị trường Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp. Tuy nhiên, mức tăng lại đáng ghi nhận, bởi cách đây 4 năm, vào năm 2013, con số này mới chỉ dừng lại ở mức 1%.

Ghi nhận trên thị trường trong năm 2017 có thể thấy nhiều cái “bắt tay” hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và bảo hiểm. Đơn cử, vào cuối năm 2017, Techcombank đã ký kết độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm của công ty bảo hiểm Manulife kéo dài 15 năm, hướng đến mục tiêu đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng phí bảo hiểm trong 5 năm tới.

Hay công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam và SHB đã ký kết hợp tác chiến lược dài hạn 15 năm; SCB hiện phân phối sản phẩm bảo hiểm của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long và Bảo Việt Sài Gòn; Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng trở thành đối tác của OCB…

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, với sự suy giảm của thu nhập lãi thuần (NII), các ngân hàng buộc phải nhìn vào cơ hội để nâng cao thu nhập từ phí, trong đó lựa chọn bancassurance đang là một chiến lược đối với các ngân hàng.

SSI Research nhận định việc bán bảo hiểm sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thu nhập từ dịch vụ của các nhà băng. 

Hiện, 5 ngân hàng hàng đầu trong phân khúc này là Techcombank (23,1%), VietinBank (10%), BIDV (8,8%), Maritime Bank (6,1%) và CitiBank (5,6%).

Tiềm năng còn rất lớn
Ông Jude Gomes, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ bảo hiểm qua kênh hợp tác ngân hàng của Manulife Việt Nam, nhìn nhận mặc dù còn tương đối mới, nhưng hình thức phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam đang lớn mạnh trong những năm qua và điều này cho thấy một tiềm năng rất lớn. 

“Trong 2 năm tới, việc bán bảo hiểm qua kênh bancassurance sẽ phát triển nhanh hơn và được dự báo sẽ tăng trưởng gấp đôi so với con số doanh thu khai thác mới của năm 2017”, ông Jude Gomes đánh giá.

Hiện nay, hai doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới từ kênh bancassurance đứng cao nhất tại thị trường Việt Nam là Manulife Việt Nam, chiếm 20% và Dai-ichi Life Việt Nam chiếm khoảng hơn 10%.

Ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life International khu vực châu Á-Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam, cho biết trong năm 2017, doanh thu đến từ bancassurance của Dai-ichi Life Việt Nam vẫn còn thấp so với tiềm năng thị trường. 

Dự kiến, trong năm 2018, các kênh phi truyền thống của nhà bảo hiểm này sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Con số này sẽ tăng lên 20% trong 5 năm tới và đạt tỷ trọng 25 – 30% trong khoảng thời gian từ 7 – 10 năm.

Thực tế, các ngân hàng đang đầu tư mạnh nguồn nhân lực vào dịch vụ khai thác bảo hiểm. Cùng với những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi, độ “chín” của thị trường, hỗ trợ của cơ quan quản lý và đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm, các chuyên gia nhận định trong vài năm tới, tỷ lệ đóng góp của kênh này sẽ tương đương với các nước láng giềng và ước tính nằm trong khoảng 40% tổng doanh thu ngành bảo hiểm.

“Cơ hội bán chéo các sản phẩm trong nội bộ khách hàng của các ngân hàng là rất rộng mở…”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Bancassurance không chỉ đơn giản là một sản phẩm ngắn hạn, mà là một xu hướng phát triển lâu dài cho sự chín muồi của thị trường ngân hàng. Hiện, kênh dịch vụ này đang dần đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của các nhà băng.