Ngân hàng lại 'đua' huy động vàng

Theo Infonet

Nhiều ngân hàng tiếp tục huy động vàng trở lại, sau 1 thời gian dài đưa lãi suất về quanh 1%/năm. Lãi suất chứng chỉ ngắn hạn 1 tháng đang phổ biến 1,4-2,5%/năm.

Vài nhà băng trong số 5 ngân hàng cùng Công ty SJC tham gia bình ổn thị trường vàng là ACB, Đông Á, Sacombank, Techcombank và Eximbank đưa thông báo tiếp tục huy động vàng.

Tại Eximbank, từ ngày 27/9, lãi suất huy động vàng niêm yết cho khách gửi là 1,4%/năm đối với dưới 10 lượng, 1,6%/năm cho 10 lượng trở lên. Đây là lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi trong 1 tháng, không rút trước hạn. Với người gửi rút trước hạn, lãi suất vàng tại nhà băng này là 0,5%/năm.

Một nhân viên Eximbank chi nhánh Cầu Giấy cho hay, hiện nhà băng này chỉ nhận gửi vàng một tháng một. Nếu hết hạn khách không tới đáo hạn, ngân hàng sẽ tự động chuyển sang giữ hộ vàng, khách không được hưởng lãi suất. “Lãi suất trên 1%/năm như hiện nay là cao rồi, vừa mới tăng lên chứ trước đó chỉ 0,6-0,8% thôi”, nhân viên nói trên tiết lộ.

Ngân hàng Á Châu đang thưởng lãi suất cho khách gửi vàng từ 10 lượng trở lên với mức 0,2%. Còn lãi suất gửi vàng cao nhất tại đây là 1,4%/năm, cho các kỳ hạn 1-2 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Với khoản gửi trên 10 lượng, lãi suất áp dụng là 2,5%/năm.

Nhân viên ACB tại Hà Nội thông tin, hiện nhà băng này chỉ nhận gửi 1 tháng, sau đó phải chờ hướng dẫn từ hội sở vì sau 25/11, các ngân hàng phải chấm dứt huy động vàng. Mức lãi suất nói trên, theo lời chị này là khá cao so với mặt bằng chung, và tăng mạnh so với mức 0,8%/năm niêm yết trước đó.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự đoán, việc một số ngân hàng huy động vàng trở lại và đẩy lãi suất lên 1,4-2,5% như trên trong kỳ hạn ngắn (1 tháng) có thể do muốn cố gắng tìm thêm chênh lệch lợi nhuận nhờ vàng.

Đến 25/11, khi quy định ngừng huy động vàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành chính thức có hiệu lực, dù muốn hay không, các nhà băng vẫn phải chấm dứt nhận gửi vàng, trả lại số vàng người dân nếu khách không có nhu cầu giữ hộ.

Do đó, theo ông Nguyễn Đức Thành, nhiều khả năng, các ngân hàng nhìn thấy xu hướng giảm của vàng thế giới trong ngắn hạn, từ nay đến tháng 11, nên rốt ráo huy động của dân để trả các khoản đến hạn, cân bằng thanh khoản vàng. Sau đó, số vàng nhập về sẽ được ngân hàng mua vào và dùng để bù đắp vào số đã chi ra nếu chính sách ngừng huy động vàng vẫn có hiệu lực từ ngày 25/11 tới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các nhà băng đang bị "âm" trạng thái vàng, vì sắp tới thời điểm không được huy động và phải chi trả các khoản gửi của người dân trước đó.

Ông Hiếu không đồng tình với quan điểm cho rằng nên gia hạn thêm thời gian huy động vàng cho các ngân hàng. Vì trước đó, từ hạn chót ngừng huy động vàng ban đầu là 1/5/2012, các nhà băng được nới thêm 7 tháng, tới 25/11/2012. Chuyên gia này lo ngại, nếu tiếp tục "nới" huy động vàng, các nhà băng có thể lặp lại kịch bản cũ, khiến cho mục tiêu bình ổn, tái cấu trúc thị trường vàng khó thực hiện.

Cách đây 1 năm, thời điểm Ngân hàng Nhà nước cho phép 5 nhà băng nói trên cùng với SJC được bán vàng bình ổn, nhiều chuyên gia trong giới ngân hàng nhìn nhận, đây là giải pháp căn cơ trong bối cảnh giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch nhau quá lớn. Thời điểm đó, chênh lệch giá vàng nội- ngoại khoảng 1,4-1,8 triệu đồng với mức kỷ lục của giá trong nước là 48,45 triệu đồng/lượng bán ra hôm 23/8/2011.

Đến hiện tại, “mùa” sốt giá vàng bắt đầu, đã có lúc giá vàng trong nước vọt lên 48,4 triệu đồng/lượng bán ra - xấp xỉ mức kỷ lục hôm 23/8/2011, còn chênh lệch nội - ngoại lên tới trên 3 triệu đồng/lượng, thì vai trò bình ổn giá vàng của cả SJC và 5 nhà băng nói trên cũng gần như không còn được nhắc tới. Như hôm qua (8/10), với mức giá bán ra trong nước tính đến cuối phiên là 47,84 triệu đồng/lượng, quy đổi theo tỷ giá đôla ngân hàng khoảng 20.960 đồng/USD và giá thế giới 1.767 USD/ounce, giá vàng trong nước đang cao hơn quốc tế hơn 3,2 triệu đồng/lượng.