Ngân hàng lên sàn để minh bạch thông tin

Theo voh.com.vn

(Tài chính) Năm 2013 được đánh giá là một năm khá thành công của thị trường cổ phiếu niêm yết, với mức tăng khoảng 22% của chỉ số VN-Index và hơn 18% của chỉ số HNX-Index. Riêng với cổ phiếu ngành ngân hàng, thì 2013 lại là một năm không thực sự thuận lợi. Tính chung cả năm 2013, nhóm cổ phiếu này chỉ tăng chưa đến 1%, với xu hướng chính là giằng co, đi ngang với biên độ dao động khá hẹp. Một trong các yếu tố khiến tốc độ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng chậm lại, bắt nguồn từ số liệu nợ xấu trong các nhà băng.

 Ngân hàng lên sàn để minh bạch thông tin
Một trong các yếu tố khiến tốc độ tăng giá của cổ phiếu ngân hàng chậm lại, bắt nguồn từ số liệu nợ xấu trong các nhà băng. Nguồn: internet

Trên cả hai sàn chứng khoán, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hiện có 9 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán gồm Vietcombank, Vietinbank, Quân đội, Sacombank, Eximbank, Á Châu, SHB, Navibank và BIDV, chiếm khoảng ¼ số ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam với giá trị giao dịch từ 7.000 đồng đến 20.000 đồng/cổ phiếu. Một trong những trở ngại khiến các ngân hàng ngại lên sàn là thị trường chứng khoán chưa thực sự thuận lợi cho việc thu hút vốn, trong khi yêu cầu công bố thông tin lại nghiêm ngặt.

Để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển thêm nữa, Ủy ban chứng khoán đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và thống nhất quan điểm, sẽ khuyến khích các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn. Nếu các ngân hàng cổ phần khác cũng buộc phải lên niêm yết thì sẽ có khoảng gần 30 mã cổ phiếu ngân hàng lên sàn. Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ đóng góp không nhỏ vào sự biến động của các chỉ số chính như VN-Index và HNX-Index. Điều này không chỉ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mà còn cho cả nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ đạo rằng, các ngân hàng cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế, khắc phục sở hữu chéo: “Thứ nhất, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, số ngân hàng lành mạnh thì phải mạnh hơn, theo chuẩn mực quốc tế, cả quản trị cả hoạt động. Thứ hai là những ngân hàng đang còn yếu kém, còn khó khăn, nếu chúng ta không làm kiên quyết tái cơ cấu thì sẽ dẫn đến khó khăn: nợ xấu cao, quản trị không minh bạch, sở hữu chéo, sân sau…Đây là trách nhiệm trước hết của mình đối với ngân hàng nhưng cũng là trách nhiệm đối với xã hội, với nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, niêm yết sẽ mang l
ại nhiều giá trị tích cực cho các ngân hàng nói riêng và cho công tác quản lý nói chung, xuất phát từ áp lực minh bạch thông tin theo quy định pháp lý. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khẳng định: “Đối với việc bắt buộc các ngân hàng phải lên niêm yết thì trong luật chứng khoán chúng tôi sửa luật 62 và Nghị định 58, buộc các ngân hàng phải lên sàn. Tất nhiên quy định như vậy thì ngân hàng buộc phải công bố thông tin, đặc biệt chúng tôi phải có soát xét báo cáo tài chính 6 tháng. Đây cũng là tiêu chuẩn quy định tân tiến hơn nhiều nước. Chúng tôi áp dụng điều này để làm sao minh bạch hơn”.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng phải lên niêm yết không chỉ thu hút dòng vốn trong nước mà còn thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại lo ngại, việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lên 30% trong trường hợp đặc biệt để thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, và do Thủ tướng quyết định theo Nghị định 01 của Chính phủ, là không nhiều, chưa tạo ra được hiệu ứng cao trên thị trường ngân hàng.

Đặc biệt khi ngân hàng bị buộc lên sàn niêm yết trong khi tỷ lệ sở hữu đã đầy, chỉ còn nâng được thêm 10% (từ 20% lên 30%) thì hiệu quả thu hút được vốn ngoại để tái cơ cấu hoạt động của ngân hàng là không cao. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: “Nếu các nhà đầu tư nước ngoài với một tỷ lệ là 30% thì họ chưa có khả năng, quyền lực đủ để có thể đóng góp hữu hiệu vào việc quản trị một ngân hàng. Với những ngân hàng yếu kém cần được cải tổ, thì việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào với tư thế đóng góp không những về tiền, về năng lực để thay đổi ngân hàng, họ chỉ có thể làm được điều này nếu cổ phần của họ được tăng lên”.

Theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2014 tất cả các ngân hàng buộc phải niêm yết. Đây là tín hiệu tốt vì thị trường có thêm nhiều hàng hóa để chọn lựa. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ khó thực hiện trong năm nay. Vì trong số gần 30 ngân hàng nói trên, có những ngân hàng đang nằm vào diện tái cơ cấu, cần phải hoàn thiện quá trình này và lành mạnh tình hình tài chính, sau đó mới tính chuyện niêm yết. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn niêm yết của Ủy ban chứng khoán, đồng thời phải chuẩn bị hàng hóa thật chất lượng trước khi lên sàn.

Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng: “Thực tế 2014 thì cũng dự kiến là các ngân hàng chuẩn bị về những quy chế mới về quản lý rủi ro, quản lý nội bộ phải hoàn tất hết theo đúng mẫu mã quy định của Ủy ban Chứng khoán, các quy định mới của Bộ Tài chính thì các ngân hàng phải tuân thủ”.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2014 nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đều có tiềm năng khởi sắc rất lớn và hấp dẫn. Bởi, những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô từ năm 2012, năm 2013 vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Hy vọng với lực đẩy từ cổ phiếu của các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên sôi động hơn, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.