Ngân hàng ngoại tràn ra thị trường

Theo thoibaonganhang.vn

Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đang tiếp cận doanh nghiệp qua các dịch vụ tín dụng, bảo lãnh, thanh toán xuất nhập khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liên tục đề nghị tăng hạn mức tín dụng

Giữa tháng 2/2017 Ngân hàng Nhật Bản Mizuho chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã gửi văn bản số 829 đệ trình ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề nghị được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 và các năm sau đó. Theo đó, trong tháng 4/2017 NHNN đã cho phép chi nhánh ngân hàng này được mở rộng tín dụng với mức tổng dư nợ đến cuối năm 2017 không quá 60 triệu USD.

Theo quy định hiện hành một ngân hàng ngoại được cho vay gấp hai lần số vốn hiện có và phải đảm bảo các quy định an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, một tổ chức tín dụng (TCTD) được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng ở thời điểm giữa năm phải dựa trên năng lực tài chính, nguồn vốn và nhu cầu thị trường cho vay của TCTD đó.

Hiện nay NHNN đang phải thực hiện điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đảm bảo các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, an toàn hệ thống ngân hàng...

Theo đó, hàng năm NHNN chia ra làm 2 hình thức cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các TCTD và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm: “Thứ nhất, quản lý theo dư nợ bình quân tính đến thời điểm cuối năm của mỗi TCTD, chứ không tính các tháng, các quý trong năm. Thứ hai, quản lý hạn mức tín dụng “thả lỏng”, hình thức này có thể cấp phép hạn mức tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với những ngân hàng đảm bảo các chỉ tiêu an toàn của hệ thống – mà cái này ngân hàng nước ngoài làm tốt hơn” – Phó Thống đốc Thanh thông tin.

Trong một diễn biến mới nhất, Ngân hàng Hàn Quốc Shinhan tại Việt Nam vừa mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ (Australia và New Zealand) tại Việt Nam. ANZ thời điểm năm 2005 đã từng sở hữu 10% cổ phần Sacombank tương đương với 27 triệu USD và hiện nay ANZ đang muốn đưa dịch vụ chất lượng quốc tế vào Việt Nam sâu hơn thông qua mua lại cổ phần các ngân hàng thương mại trong nước.

Một cái tên khác Ngân hàng Anh quốc Standard Charted chi nhánh TP. Hồ Chí Minh năm 2017 cũng dành ra 15 triệu USD cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, tiểu thương... thông qua hình thức lấy doanh số bán hàng có hiệu quả 1 năm liền kề để xác lập khoản vay. Ngân hàng Standard Charted từ năm ngoái đã đến NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đăng ký tham gia cho vay vốn ưu đãi theo các chương trình tín dụng của địa phương...

Thực ra, một số ngân hàng ngoại có nhu cầu tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ngay trong quý I/2017 do tỷ lệ tiền gửi của một số ngân hàng đang có xu hướng tăng lên. Năm 2017 cũng là năm Việt Nam thực hiện một loạt các cam kết về tài chính trong các Hiệp định thương mại đã ký nhiều năm trước đây, nên nhiều ngân hàng ngoại hiện nay đã được huy động vốn trực tiếp bằng VND, tiếp cận doanh nghiệp cho vay và bán dịch vụ tài chính.

Cùng với đó, các quy định pháp lý Việt Nam hiện đã cho phép người có đủ 16 tuổi (không bị giới hạn năng lực hành vi) trở lên được phép sở hữu thẻ tín dụng. Theo đó, thời gian qua các ngân hàng ngoại cho vay bằng hình thức cấp thẻ tín dụng rất mạnh, đặc biệt đánh vào tâm lý giới trẻ Việt Nam thích xài hàng hóa trước, trả tiền sau theo hình thức 45 ngày đầu không tính lãi suất.

Không thể phủ nhận phí thẻ tín dụng ngân hàng ngoại cao hơn nội, nhưng các loại thẻ quốc tế này lại có nhiều chương trình khuyến mãi trực tiếp bằng tiền, nên chủ thẻ cân đối sử dụng trong 12 tháng vẫn hiệu quả hơn thẻ tín dụng của các ngân hàng nội.

Mở dịch vụ trước cho vay sau

Ngân hàng Trung Quốc Bank of China tại Việt Nam đề xuất NHNN cho phép triển khai dịch vụ forfaiting để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại Việt Nam. Thực chất forfaiting là dịch vụ mà 1 công ty tài chính trực thuộc ngân hàng mua lại toàn bộ công cụ nợ là thương phiếu được doanh nghiệp xuất khẩu giao dịch có giá trị lớn, rủi ro cao với thời hạn tài trợ trung dài hạn.

Dịch vụ này đã được áp dụng nhiều trong thương mại quốc tế, theo nguyên tắc truy đòi nên ngân hàng làm forfaiting sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải có được hợp đồng bảo lãnh vô điều kiện để các ngân hàng quốc tế tự do chuyển đổi. Trên lý thuyết thì rủi ro lớn nhất của dịch vụ forfaiting là ngân hàng triển khai dịch vụ này cho doanh nghiệp xuất khẩu mà không biết rõ phía nhà nhập khẩu có thanh toán được nợ hay không.

Hiện nay, Việt Nam mới có quy định pháp lý cho bao thanh toán và NHNN đang hoàn tất dự thảo thông tư mới về thanh toán xuất nhập khẩu hứa hẹn sẽ sớm ra đời để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Song, dịch vụ forfaiting có thể sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa, do quan điểm của các nhà soạn thảo chính sách còn đang cân nhắc dịch vụ tiềm ẩn rủi ro cho an toàn hệ thống ngân hàng. Bởi theo thống kê từ NHNN hơn 10 ngân hàng có làm về bao thanh toán và kể cả forfaiting của chi nhánh ngân hàng ngoại ở Việt Nam hiện mới có tổng dư nợ khoảng 30 triệu USD (một con số được cho là nhỏ).

Một số ngân hàng nước ngoài còn muốn làm dịch vụ bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng sẽ không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó những ngân hàng này còn muốn cho phép doanh nghiệp xuất khẩu toàn quyền sử dụng tiền chiết khấu trong việc thanh toán trả nợ trước và trả nợ ở ngân hàng khác. Bởi họ cho rằng tiền chiết khấu của nhà xuất khẩu thực chất doanh nghiệp sẽ được nhận trong tương lai khi ngân hàng chiết khấu theo tỷ lệ hợp đồng thư tín dụng (L/C).

Trong khi hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện khái niệm tín dụng bao gồm: bảo lãnh, chiết khấu và tái chiết khấu bộ chứng từ... Theo đó, dịch vụ bảo lãnh ngân hàng cũng là một loại hình cấp tín dụng, trong đó có rủi ro bảo lãnh thường xảy ra khi ngân hàng ứng trước một khoản tiền cho doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cho vay, sau khi doanh nghiệp thu tiền hàng xuất khẩu về bán ngoại tệ ra xong thì tính toán phần lãi bù trừ trả nợ cho ngân hàng phần tiền đã ứng trước.

Theo đó, có thể hiểu khoản tiền ứng trước của ngân hàng cho doanh nghiệp trong nghiệp vụ bảo lãnh cũng phải được tính là dư nợ bình quân trong năm để làm sao không ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành Ngân hàng.