Ngân hàng Nhà nước: 07 giải pháp trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

PV.

Trong những tháng cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước: 07 giải pháp trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn: Internet
Ngân hàng Nhà nước: 07 giải pháp trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn: Internet
Ngay từ đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiên định trong công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%.
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong những tháng cuối của năm 2017, NHNN có kế hoạch thực hiện 7 giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cụ thể:
Một là, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, hoạt động của hệ thống các TCTD, NHNN điều hành linh hoạt lượng cung tiền, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, xem xét điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung, dài hạn phù hợp, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và giảm áp lực thanh khoản, hỗ trợ các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất huy động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Hai là, tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ba là, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán và phù hợp với mục tiêu CSTT.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động, linh hoạt điều hành các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm là, thực hiện các giải pháp và định hướng điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 372/TB-VPCP ngày 17/8/2017, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực (cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP;...)

Sáu là, trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, theo đó tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, còn có các giải pháp hỗ trợ khác, trong đó có việc Thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với thành phần theo hướng: Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó Trưởng Ban thường trực, Thống đốc NHNN làm Phó Trưởng Ban và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan làm thành viên.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với các thành phần theo hướng như trên. Để tham mưu Thống đốc NHNN thực hiện nhiệm vụ của Phó Trưởng Ban, các nội dung liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN.

Bảy là, để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán thẻ, thời gian tới cần triển khai 6 giải pháp cơ bản sau:

(i) Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, đáp ứng được yêu cầu của ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thanh toán và hội nhập kinh tế quốc tế;

(ii) Tiếp tục xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng, công nghệ thanh toán theo hướng sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện, an toàn và hiệu quả;

(iii) Nâng cao chất lượng, đa dạng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng nhằm phục vụ tốt nhất cho người sử dụng; không ngừng đổi mới và áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán thẻ như: áp dụng công nghệ thẻ phi tiếp xúc, thẻ đa năng, QR code, Tokenization;

(iv) Tăng cường hoạt động giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và tin cậy đối với các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; giám sát đối với các hệ thống thanh toán điện tử theo các nguyên tắc giám sát quốc tế, đảm bảo các hệ thống thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả;

 (v) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ;

(vi) Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.