Ngân hàng Nhà nước chỉ thị về thực hiện chính sách tiền tệ năm 2014

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014.

 Ngân hàng Nhà nước chỉ thị về thực hiện chính sách tiền tệ năm 2014
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả. Nguồn: internet

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tín dụng tăng khoảng 12-14%

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2014, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 12-14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện thể chế, thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo Chỉ thị, các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước cần bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Cụ thể, cần điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng, lãi suất hợp lý, phù hợp với tình hình vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, lãi suất thị trường liên ngân hàng và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý đối với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ việc giải quyết nợ xấu và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Điều hành lãi suất, tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam.

Kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu

Trong 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng và thực hiện các giải pháp tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng 12-14%, phù hợp với khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tác động chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn vay đối với lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý kiên quyết, đồng bộ bằng các biện pháp tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng được ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh việc mua bán nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của công ty này trong xử lý nợ xấu; tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hoạt động an toàn, hiệu quả.

Quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp quản lý ngoại hối nhằm quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá, chuyển dần quan hệ huy động-cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP để tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; duy trì, đảm bảo quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng các phương án huy động nguồn lực vàng trong nước để phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thị trường vàng đã hoạt động ổn định; giám sát các tổ chức tín dụng và áp dụng các biện pháp cần thiết để đẩy mạnh tất toán số dư cho vay vốn bằng vàng, thực hiện các quy định về cung ứng dịch vụ bảo quản vàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hòa linh hoạt lượng tiền mặt lưu thông đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cả về cơ cấu mệnh giá, giá trị và đảm bảo tốt dự trữ tiền mặt phát hành; tăng cường các biện pháp phòng chống tiền giả, công tác thông tin, tuyên truyền, công tác phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam.

Giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí, giảm tối đa các chi phí quản lý, quảng cáo, khuyến mại và chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định tại Thông tư 05/2011/TT-NHNN. Áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản được thu theo quy định của pháp luật nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay; niêm yết công khai các loại phí và mức phí được thu theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.