Ngân hàng Nhà nước coi P2P là “tín dụng đen”?

Theo Đình Vũ/cafeland.vn

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, khi được hỏi về hình thức cho vay online nở rộ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gián tiếp khẳng định, đây là hình thức tín dụng đen và không nằm trong phạm vi quản lý của NHNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong phiên họp, phóng viên đặt câu hỏi rằng thời gian gần đây, việc cho vay trực tuyến nở rộ với nhiều hình thức biến tướng, thậm chí cho vay với lãi suất cao. NHNN có biện pháp gì để chấn chỉnh, quản lý hoạt động này?

Đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, thời gian qua NHNN liên tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thực hiện theo Thông tư số 39, và có ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính.

Việc phát triển và mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty này sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn tín dụng đen.

Chính vì thế, NHNN cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của ngân hàng chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa.

Trong điều hành hằng năm, NHNN luôn có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng. Với cách thức, giải pháp như thế này cũng sẽ góp phần hạn chế được tín dụng đen. 

Trong quy định của pháp luật, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng như hoạt động của các ngân hàng khác đối với các tổ chức tín dụng. Còn đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN mà liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật.

Do đó, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và cũng đã có báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan.

P2P nên quản hay cấm?

P2P là một hình thức cho vay trực tuyến mà người cho vay và người đi vay không cần gặp mặt vẫn có thể phê duyệt các khoản vay, tiền chuyển tới tài khoản. Người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính. Các công ty P2P đã xuất hiện được 2 năm trở lại đây và các loại gói vay cũng khá đa dạng từ cho vay tín chấp, thế chấp đến mua trả góp.

Chẳng hạn như vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chưa có một hành lang pháp lý cho hình thức P2P. Đa số các chuyên gia tài chính tỏ ra lo ngại về rủi ro mà hình thức này có thể mang tới cho cả người cho vay và người đi vay khi họ không được pháp luật bảo vệ.

Đứng trước thực tế phát triển nở rộ của P2P, đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn đang “nghiên cứu” và lựa chọn phương cách ứng xử với loại hình kinh doanh mới này.

Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) cho rằng, rủi ro lớn nhất của mô hình P2P là lãi suất cao và nếu không trả nợ đúng hạn khách hàng sẽ chịu “sức ép lớn” khi bị đòi nợ.

Cùng với đó, “nếu các công ty P2P chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay, thì khi rắc rối xảy ra, trách nhiệm hoàn toàn do hai bên tự giải quyết. Nhưng nếu công ty P2P tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng”, ông Đức lưu ý.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng mới được huy động và cho vay vốn. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật.

Trong thời gian gần đây, ở Trung Quốc hàng loạt các công ty P2P đã phá sản, vỡ nợ, ông chủ ôm tiền bỏ chạy. Các công ty P2P ở Trung Quốc hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình lừa đảo kim tự tháp, người cho vay vì ham lãi suất cao mà hiện tiền mất tật mang.