Ngân hàng Nhà nước đủ lực bình ổn thị trường vàng?

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

NHNN vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định về việc mua bán vàng miếng trên thị trường. Theo đó, căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ, NHNN mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường; được sử dụng tiền cung ứng để mua vàng miếng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước; giá mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước do Thống đốc NHNN quyết định. Liệu NHNN có đủ nguồn lực để thực hiện việc này? Xin giới thiệu ý kiến một số chuyên gia xoay quanh vấn đề này.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank:

Ngân hàng Nhà nước đủ lực bình ổn thị trường vàng? - Ảnh 1
Ông Trương Văn Phước
Can thiệp theo giá thị trường

Trong dự trữ ngoại hối quốc gia của NHNN cũng có dự trữ bằng vàng. Chức năng mua bán ngoại tệ, vàng của NHNN được coi là công cụ, phương tiện để điều hòa, điều phối giá của thị trường. Thời gian gần đây dư luận quan tâm đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới.

Thí dụ, vấn đề liên thông giá vàng vẫn còn nhiều tranh luận như muốn bán vàng can thiệp để triệt tiêu sự chênh lệch phải tốn ngoại tệ nhập vàng…

Tất nhiên, với vai trò của mình, NHNN phải can thiệp làm cho thị trường vàng tốt hơn chứ không phải để thị trường xấu đi. Tức can thiệp để ai muốn bán vàng có người mua, ai muốn mua vàng có người bán, giúp không để chênh lệch giá vàng quá cao như thời gian vừa qua.

Chẳng hạn, thị trường vàng thời điểm đó người bán ít, người mua nhiều, NHNN sử dụng lượng vàng dự trữ đưa ra thị trường bán hoặc ngược lại.

Định hướng như thế cũng đúng. Nhưng việc can thiệp hiệu quả đến đâu vẫn còn phải chờ xem. Do vậy bài toán đặt ra cho NHNN là phải cân đối sử dụng tiền để can thiệp như thế nào vì liên quan đến việc cung ứng tiền ra thị trường, hút tiền vào…

Thực tế hiện nay vàng trên thị trường Việt Nam không ai ấn định giá, mà hình thành trên quy luật cung cầu.

Thí dụ, tại một thời điểm người dân đổ xô mua vàng nhưng người bán lại hạn chế bán ra và đẩy giá lên, tức người mua phải mua giá cao. Ngược lại, với giá đó không ai mua, người bán phải tính toán hạ giá xuống. Vì vậy, nói NHNN ấn định giá mua, giá bán vàng cũng là một cách nói, nhưng về bản chất NHNN phải cân nhắc theo giá thị trường, trong đó tham chiếu giá tương quan của thế giới ở thời điểm đó với biên độ nhất định.

Ông Trần Thanh Hải, TGĐ Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB):

Ngân hàng Nhà nước đủ lực bình ổn thị trường vàng? - Ảnh 2
Ông Trần Thanh Hải
Lường trước tình huống giá một chiều

NHNN có 2 mục tiêu quản lý thị trường vàng. Thứ nhất, quản lý để biến động giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá USD. Về vấn đề này, thời gian qua NHNN đã làm tốt khi kiểm soát chặt việc gia công vàng miếng SJC.
Thực tế với công suất của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) gia công 50.000 lượng/ngày, trong khi độ vênh giá vàng trong và thế giới lúc cao nhất là 5 triệu đồng/lượng, nếu NHNN không kiểm soát chặt việc gia công vàng SJC, có thể sẽ xảy ra hiện tượng “chảy máu ngoại tệ” do nhập lậu vàng, tỷ giá sẽ biến động lớn chứ không ổn định như hiện nay.

Thứ hai, chống vàng hóa và giảm bớt việc dân mua vàng. Mục tiêu này cần phải cân nhắc, nghiên cứu giải pháp cho phù hợp.

Theo đó, việc NHNN ấn định giá mua bán vàng, tham gia kinh doanh (thông qua các TCTD cung ứng…) nên xem lại. Hiện nay NHNN đã độc quyền sản xuất, kinh doanh, gia công vàng, nên muốn cung thì có cung vì đang nắm quyền cho phép mạng lưới phân phối.

Nay ấn định luôn giá, tức NHNN đã trở thành một đơn vị kinh doanh vàng chuyên nghiệp, trong khi việc này nên dành cho nền kinh tế thị trường.

Thực tế, các NHTƯ trên thế giới không thực hiện chức năng này. Hơn nữa, kinh nghiệm trước đây trên sàn vàng cho thấy không thể lúc nào cũng có người mua, người bán cân bằng.
Giả sử giá vàng có biến động, thị trường vàng sẽ đi theo một chiều mua hoặc bán. Trong trường hợp đó NHNN xử lý làm sao? Nếu tất cả đều mua vàng, NHNN với nhiệm vụ tham gia để giữ giá buộc phải nhập vàng về, tức sẽ tốn ngoại tệ.

Còn nếu tất cả đều bán vàng, NHNN phải tung tiền ra mua vào. Nếu cung ứng một lượng tiền mặt hàng ngàn tỷ đồng ra thị trường để mua vàng, khi giá biến động nhanh sẽ tạo nguy cơ tăng lạm phát. Vì vậy, NHNN phải lường trước tình huống giá một chiều để có giải pháp can thiệp phù hợp.

Theo tôi, thay vì can thiệp trực tiếp vào giá của thị trường vàng, NHNN nên thành lập sàn vàng quốc gia, giảm bớt nhu cầu của người dân đầu tư vàng vật chất, giúp liên thông giá vàng trong nước với thế giới, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ.

Thực tế, khi đầu tư không ai muốn giữ vàng vật chất. Giả sử khi người dân mua bán vàng trên sàn quốc gia, NHNN nên nâng tỷ lệ ký quỹ lên cao, không phải 7% mà có thể 50-80%, tác hại tiêu cực của đòn bẩy tài chính sẽ bị triệt tiêu. NHNN nên giao cho các TCTD được phép kinh doanh tài khoản có hệ số quản trị rủi ro.

 Khi đó các TCTD mở tài khoản chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, NHNN sẽ giám sát được. Bên cạnh đó, NHNN giao cho các NHTM thực hiện việc mua bán vàng qua sàn vàng quốc gia, NHNN giám sát và đánh thuế. Giải pháp này thực hiện theo Nghị quyết 24 của Chính phủ là tiết kiệm ngoại tệ vì không phải nhập vàng vật chất về bán cho dân.
 
Theo lộ trình tính toán nếu làm tốt, khoảng 3-5 năm nữa người dân sẽ không mua vàng vật chất mà mua vàng trên sàn qua chứng chỉ. Nếu mất chứng chỉ, người dân có thể mang CMND đến NH để xác nhận, vừa an toàn vừa thu hút tiền nhàn rỗi vào NH, tránh lãng phí nguồn lực vàng trong dân. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia NH:

Ngân hàng Nhà nước đủ lực bình ổn thị trường vàng? - Ảnh 3
TS. Lê Xuân Nghĩa
Can thiệp khi chênh lệch quá lớn

NHNN tham gia mua bán can thiệp thị trường vàng giống như đang thực hiện với thị trường ngoại hối. Điều này tùy thuộc vào chính sách tiền tệ của NHNN và tình hình thị trường vàng. Tất nhiên NHNN chỉ can thiệp trong trường hợp có chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Theo đó, chênh lệch âm quá lớn NHNN mua vào, chênh lệch dương quá lớn bán ra. NHNN không nên can thiệp thị trường vàng hàng ngày. Có ý kiến cho rằng nếu NHNN can thiệp, thị trường vàng sẽ chịu rủi ro. Nhưng giống như thị trường ngoại tệ, việc can thiệp của NHNN sẽ có tác dụng ổn định, chống đầu cơ, buôn lậu, gây rối thị trường vàng.

Tuy nhiên, nếu NHNN vẫn duy trì việc huy động vàng sẽ dẫn đến tình trạng vàng hóa, làm rủi ro huy động và tín dụng vàng của các NHTM tăng lên. Vì thế, NHNN cần can thiệp bằng cơ chế mua bán, như mua bán trực tiếp hay qua đấu thầu.

Thí dụ, khi chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước lớn, NHNN có thể thực hiện mua lô lớn qua đấu thầu giúp giá cạnh tranh và đảm bảo cho việc mua bán công bằng, minh bạch. Khi đủ điều kiện cần thiết, NHNN sẽ tổ chức mua bán trực tiếp qua thị trường liên NH, trong đó các doanh nghiệp và NHTM đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng được tham gia.
 
Không chỉ vàng mà ngoại tệ cũng nên theo định hướng của thị trường, tức không huy động USD mà chỉ mua bán ngoại tệ để can thiệp thị trường.