Ngân hàng Nhà nước hút tiền: Hỗ trợ thanh khoản, giảm lãi suất

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Thông qua việc phát hành tín phiếu vài tuần gần đây, lượng tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút bớt về đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Động thái này của NHNN được các chuyên gia nhận định nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản trên toàn hệ thống và hướng tới mục tiêu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh cuối năm cho các doanh nghiệp.

Việc ngân hàng phát hành mạnh tín phiếu sẽ giúp thanh khoản của toàn hệ thống tiếp tục được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh cuối năm thanh khoản tăng cao. Nguồn: Internet
Việc ngân hàng phát hành mạnh tín phiếu sẽ giúp thanh khoản của toàn hệ thống tiếp tục được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh cuối năm thanh khoản tăng cao. Nguồn: Internet

Thị trường ghi nhận hoạt động phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về của NHNN có quy mô khác biệt. Liên tiếp trong 3 tuần gần đây, NHNN nâng quy mô phát hành tín phiếu lên mức 9.000 tỷ đồng, để đẩy mạnh hút bớt tiền về.

Tính đến ngày 27/11, hầu hết được các tổ chức tín dụng hấp thụ hết, tổng lượng vốn nhà điều hành hút bớt về qua số dư lưu hành tín phiếu đã lên mức 45.400 tỷ đồng – quy mô khá lớn xét từ đầu năm đến nay.

Hỗ trợ thanh khoản

Cụ thể, trong tuần vừa qua, NHNN đã phát hành 1.900 tỷ tín phiếu thông qua nghiệp vụ outright, song có tới 15.705 tỷ đồng tín phiếu nghiệp vụ outright đáo hạn, nghiệp vụ Repos phát sinh, tuy nhiên khối lượng không đáng kể ở mức 42 tỷ đồng, lãi suất vẫn ở mức thấp 0,5-0,6%. 

Trong khi đó, tuần qua, lãi suất liên ngân hàng bật tăng trở lại. Tính đến 17/11/2017, lãi suất O/N ở mức 1,5%, lãi suất 1 tuần là 1,5%, lãi suất 1 tháng là 1,7%, tăng 0,3 – 0,5 điểm % các kỳ hạn so với tuần trước. 

Tuy nhiên, sau ba tuần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 0,6 - 0,7 điểm % các kỳ hạn. Diễn biến lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh trở lại. Phiên ngày 27/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên cuối tuần trước; lãi suất qua đêm chỉ còn 1,10%/năm, 1 tuần xuống 1,33%/năm, 2 tuần 1,58%.

Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN lại phát hành tín phiếu vào thời điểm hiện tại. Và động thái này của NHNN sẽ tác động như thế nào đến diễn biến của thị trường trong thời gian tới?

Động thái phát hành lượng lớn tín phiếu của NHNN vừa qua được các chuyên gia tài chính – ngân hàng lý giải là do thời gian qua, nhiều ngân hàng đã mua được một khối lượng lớn nguồn vốn bằng ngoại tệ từ khách hàng trong thời gian qua nhưng lại không chịu bán lại cho NHNN.

Cùng với đó, việc phát hành tín phiếu sẽ góp phần đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng lên. Vì thế, chi phí nắm giữ ngoại tệ sẽ tăng. Do đó, việc các ngân hàng buộc phải bán lại ngoại tệ cho NHNN sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Việc NHNN phải trả lãi cho các ngân hàng nắm giữ tín phiếu không chỉ dừng lại ở mục đích nhằm mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, mà đồng thời còn nhằm hướng tới mục tiêu tăng cung tiền cho nền kinh tế. Theo đó, một khối lượng tiền đồng tương ứng sẽ được bơm ra hệ thống ngân hàng.

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay

Trước đó, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Cụ thể, BIDV và ViettinBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tăng từ 0,2 - 0,5 điểm% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, đẩy mặt bằng lãi suất các kỳ hạn 3 tháng lên 5,2%; 6 – 9 tháng là 5,8%; từ 9-12 tháng là 6,8%. 

Lãi suất huy động tăng cùng với việc NHNN bơm ròng ba tuần liên tiếp và lãi suất tín phiếu trên thị trường 2 có mức tăng đáng kể cho thấy nhu cầu tín dụng đang tăng cao. Dự báo trong quý IV, nhu cầu tín dụng sẽ còn tiếp tục tăng do tính mùa vụ. 

Do đó, việc ngân hàng phát hành mạnh tín phiếu sẽ giúp thanh khoản của toàn hệ thống tiếp tục được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh cuối năm thanh khoản tăng cao.

Thanh khoản dồi dào sẽ góp phần hỗ trợ cho các ngân hàng có dư địa để hạ thấp mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 như định hướng điều hành xuyên suốt của NHNN trong thời gian vừa qua.

Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định sẽ phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy GDP tăng trưởng.

Theo NHNN, hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. 

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.