Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và sẽ xử lý tình trạng phân biệt đối xử vàng SJC

Hà An

(Tài chính) Trong mấy ngày gần đây, thị trường vàng xôn xao trước thông tin vàng SJC một chữ cái bị phân biệt đối xử. Cụ thể, khi người dân mang những miếng vàng SJC có số sêri một ký tự chữ cái (ký tự chữ nằm trước dãy số sêri) đi bán, bị một số điểm kinh doanh trừ 40.000 -100.000 đồng/lượng. Trong khi cũng vàng miếng SJC, nhưng loại có số sêri hai ký tự chữ cái vẫn bán được theo đúng giá thị trường.

Chỉ vàng miếng SJC 2 chữ cái mới được các doanh nghiệp mua đúng giá thị trường.
Chỉ vàng miếng SJC 2 chữ cái mới được các doanh nghiệp mua đúng giá thị trường.

Đáng chú ý hơn, nhiều độc giả tại TP.Hồ Chí Minh còn cho biết chính công ty SJC có thông báo chính thức: kể từ ngày 1-4, đối với những miếng vàng SJC có số sêri một ký tự chữ, khi mua công ty sẽ trừ 40.000 đồng/lượng. Thông báo này cũng nói lý do trừ tiền là nhằm bù đắp chi phí vốn cao, rủi ro do biến động giá vàng trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép gia công lại.

Thông tin trên báo chí, lãnh đạo Công ty SJC thừa nhận thực tế có hiện tượng phân biệt đối xử này. Vị này cũng cho biết số vàng miếng một chữ là số vàng được sản xuất thời điểm trước đây, về chất lượng không khác biệt gì so với miếng vàng hai chữ. Tuy nhiên không biết vì lý do gì thị trường “chê” miếng vàng SJC loại một chữ. Người dân đến công ty bán, công ty SJC vẫn mua, nhưng công ty bán ra tiệm vàng không mua, người dân cũng không mua. Tình trạng này kéo dài cả năm qua khiến số vàng miếng loại một chữ bị tồn trong kho rất lớn, làm mất cân đối vốn, dẫn đến rủi ro cho công ty vì giá vàng biến động rất mạnh, nên việc ra thông báo trừ phí với loại vàng này là chuyện chẳng đặng đừng, và mức trừ 40.000 đồng/lượng là để bù đắp chi phí vốn, rủi ro do biến động giá và phí gia công.

Thực ra, câu chuyện phân biệt đối xử giữa các thương hiệu vàng đã trở thành “tất lẽ dĩ ngẫu” khi mà thương hiệu vàng SJC được NHNN công nhận và trở thành vàng quốc gia. Theo đó, các thương hiệu vàng còn lại đều bị “mất giá” theo đúng giá trên thị trường thế giới, chỉ riêng SJC “một mình một chợ” và được bán cao hơn các thương hiệu khác, có thời điểm mức chênh lệch lên tới 6 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, thương hiệu vàng SJC trước đây cũng đã gây xôn xao thị trường khi những miếng vàng SJC cũ mang đến bán bị nhiều cửa hàng trừ tới 200 nghìn đồng/lượng, với lý do trừ cho chi phí ép vỉ bảo quản. Điều này dù cũng gây nhiều luồng dư luận, nhưng nó được chấp nhận vì công nghệ ép vỉ mới được đánh giá là cách thức chống vàng giả tân tiến. Tuy nhiên, chỉ thiếu mất chữ cái trên miếng vàng, dù chất lượng, trọng lượng, và cả thương hiệu không hề thay đổi, mà mất từ 40.000-100.000 đồng  là điều khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi nghi vấn. Nhiều ý kiến cho rằng có thể là do vàng miếng 1 chữ số trước dãy số bị gia công lậu, nên nhiều người dân và cửa hàng vàng không mua lại, khiến cho SJC phải dập lại, phát sinh chi phí. Tuy nhiên, với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng lại rất bất ngờ trước sự thực này.

“Quan điểm của tôi, đã là vàng SJC thì không được phân biệt đối xử vừa giá mua bán. Nó chỉ được phân biệt nếu như vàng giả, vàng nhái. Nếu nói vàng 1 chữ cái là trước khi NHNN quốc hữu hóa SJC cũng không được, bởi khi đưa SJC về, công nhận là thương hiệu vàng quốc gia, NHNN đã công bố chấp nhận thương hiệu SJC tồn tại từ trước đó, không hề nói đến việc sẽ phân biệt đối xử giữa vàng 1 chữ cái hay 2 chữ cái. Vì vậy, nếu trên thị trường có hiện tượng phân biệt đối xử như báo chí đưa, rõ ràng là “có vấn đề”, ông Bảng khẳng định.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chiều 31-3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN). Ông Cảnh cho biết thực ra, giá cả là do thị trường quyết định, NHNN chỉ quản lý về sản xuất. Hiện, NHNN cũng đã có thông tin về việc mua bán chênh lệch hai loại vàng, nên cơ quan này đang cho kiểm tra, nắm bắt thông tin chính xác đầy đủ và sẽ có chỉ đạo về vấn đề này. “Thực ra, việc mua bán vàng là quyết định của người dân, nhưng trong thời điểm giá vàng trong nước đang chênh cao hơn với giá thế giới, thì việc bán ra sẽ có lợi nhiều hơn cho người dân. Còn quan điểm của NHNN vẫn là không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, mà mục tiêu là huy động lượng vàng trong dân để phục vụ nền kinh tế”, ông Cảnh cho biết.