Ngân hàng Nhà nước vẫn nên điều hành thị trường vàng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngoài đấu thầu, chuẩn bị thành lập sàn vàng quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên lưu ý đến giải pháp huy động vàng của dân trong tương lai. Vì số vàng chôn trong sân nhà, gầm giường của người dân còn rất lớn, kéo số vàng này đi ra phục vụ phát triển kinh tế có ý nghĩa quan trọng. Một trong những phương thức có thể làm được là NHNN đứng ra huy động vàng của dân chúng và không để ngân hàng thương mại (NHTM) làm việc đó.

Phóng viên: Thời điểm này có phù hợp để thị trường tự điều tiết cung, cầu vàng miếng, thưa ông?

Ngân hàng Nhà nước vẫn nên điều hành thị trường vàng - Ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng, ngay lúc này nếu trả vàng cho thị trường và NHNN rút vai trò là người mua bán vàng cuối cùng, ngưng các phiên đấu thầu vàng, sẽ xảy ra một số vấn đề lớn.

Thứ nhất, nếu NHNN không tổ chức đấu thầu, thì khó có thành phần kinh tế nào có thể cung cấp một lượng vàng nhiều đến như vậy để đáp ứng nhu cầu của thị trường vàng. Thứ hai, nếu NHNN không còn giữ vai trò là người mua bán cuối cùng nữa thì có thể gây ra những biến động giá cả lớn, nhất là khi cung - cầu mất cân đối.

Chính vì thế, một khi đã tiến hành đấu thầu và là người mua bán cuối cùng thì NHNN phải giữ vai trò này cho đến khi trật tự trên thị trường vàng thật sự được thiết lập. Bởi thị trường vàng mới đang đi vào sự ổn định, chứ chưa phải có sự ổn định. Vội vã rút khỏi vai trò nhà kinh doanh cuối cùng có thể đi đến sự triệt tiêu kết quả quản lý thị trường vàng mà NHNN đạt được trong thời gian vừa qua.

Theo ông, có cần tăng số lượng vàng miếng qua các phiên đấu thầu từ nay đến cuối năm?

Cho đến bây giờ, NHNN đã cung ra thị trường hơn 60 tấn vàng. Từ nay đến cuối năm còn hơn 2 tháng nữa. Theo tôi, NHNN có thể tung vào khoảng 20 tấn vàng qua các phiên đấu thầu để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cũng sẽ có nhiều người lo lắng tiền đâu để mua vàng và việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá. Vì chắc chắn, NHNN sẽ phải sử dụng một lượng ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối mua vàng. Nhưng hiện dự trữ ngoại hối Việt Nam đang ở mức ổn định và được bổ sung qua việc NHNN đang tiếp tục mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng. Và từ nay đến cuối năm, nếu mua vào khoảng 20 tấn vàng cũng sẽ không hao hụt nhiều đến dự trữ.

Về tỷ giá, từ nay đến cuối năm sẽ có biến động nhưng yếu tố gây biến động không nằm nhiều ở thị trường vàng. Vì giá vàng và tỷ giá chỉ có sự tương quan tương đối. Theo tôi, áp lực tỷ giá đến từ nhu cầu ngoại tệ tăng lên do Chính phủ trả nợ, thanh toán các khoản chi phí cuối năm, doanh nghiệp nhập hàng hóa phục vụ dịp lễ tết…

Theo ông, mức chênh lệch giữa giá vàng nội và ngoại ở mức nào là phù hợp?

Tôi cho rằng, mức chênh tối ưu là giá nhập nguyên vật liệu cộng thêm các chi phí hợp lý là phù hợp. Tất nhiên ngay lập tức chưa thể có “khoảng cách” lý tưởng như vậy mà phải mất một thời gian nữa. Nhưng giai đoạn này, tôi đồng tình với NHNN là cần ổn định lại trật tự thị trường vàng trước, bằng những cơ chế, giao dịch vàng thông thoáng, đấu thầu vàng để ổn định cung cầu thị trường. Còn ổn định về giá và mức chênh lệch trước sau gì cũng phải đến nhưng chưa cần đặt ra ngay lúc này.

Từ nay đến cuối năm 2013, ông cho rằng NHNN cần có chính sách gì đối với thị trường vàng nữa hay không?

Ngoài đấu thầu, chuẩn bị thành lập sàn vàng quốc gia, NHNN nên lưu ý đến giải pháp huy động vàng của dân trong tương lai. Vì số vàng chôn trong sân nhà, gầm giường của người dân còn rất lớn, kéo số vàng này đi ra phục vụ phát triển kinh tế có ý nghĩa quan trọng. Một trong những phương thức có thể làm được là NHNN đứng ra huy động vàng của dân chúng và không để NHTM làm việc đó.

Thời gian qua, NHNN đã kiên quyết xóa bỏ hiện tượng vàng hóa qua việc yêu cầu các NHTM chấm dứt huy động và cho vay vàng. Do đó, chỉ NHNN đứng ra huy động vàng và không cho phép bất cứ NHTM làm việc này. NHNN huy động bằng cách phát hành chứng chỉ vàng và trả mức lãi nào đó khuyến khích người dân gửi vàng.

Tôi lưu ý, NHNN cũng chỉ huy động và không cho vay ngoài thị trường. Nhưng, NHNN nên chuyển số vàng cho Chính phủ vay để phục vụ cho các chương trình dự án làm lợi cho nền kinh tế. Khi đó, Chính phủ phải trả NHNN mức lãi suất nào đấy để trả lại cho người dân gửi vàng. Theo tôi, đây là vấn đề không chỉ NHNN mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác để lên chương trình huy động, sử dụng số vàng của dân chúng một cách hiệu quả nhất.

Ông có thể nói rõ hơn đề xuất thành lập sàn vàng quốc gia để hỗ trợ NHNN kiểm soát thị trường vàng. Và ai sẽ là người cầm chịch sàn vàng này?

Khi thị trường vàng đi vào trật tự ổn định rồi, việc thành lập sàn vàng quốc gia là rất quan trọng. Đó là sân chơi cho tất cả thành phần kinh tế. Khi đó, giá vàng biến động từng giây từng phút, những người giao dịch đều thể hiện trên sàn vàng. Tất cả các thành phần kinh tế nhìn vào hoạt động của sàn vàng có thể nắm bắt tình hình thực tế thị trường vàng để có thể đưa ra những dự đoán chính xác trong tương lai.

Tôi cho rằng, không cần phải đợi đến khi NHNN rút chân ra khỏi thị trường vàng mà nên thành lập càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ chế, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin… tạo điều kiện cho sàn vàng giao dịch tốt nhất. Nhưng có thể nói, qua những phiên đấu thầu giúp NHNN rút ra những kinh nghiệm quý báu thực tế vấn đề giao dịch vàng; những quy định thị trường, giao dịch vàng, dù chưa hoàn thiện nhưng cũng có thể áp dụng cho hoạt động của sàn vàng…

Vì NHNN là người nắm được vấn đề thị trường khá rõ, đồng thời cũng là cơ quan quản lý, nên NHNN phải là người cầm chịch trong việc xây dựng sàn vàng quốc gia ngay từ ban đầu.

Xin cảm ơn ông!