Ngân hàng Nhà nước với việc mua – bán vàng miếng

Nguyên Minh Cường

Để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, trong tuần qua, dự thảo “Quyết định về việc mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước của ngân hàng Nhà nước” đã được công bố. Hai mục tiêu quan trọng nhất trong dự thảo này là bình ổn được giá vàng trong nước và tăng dự trữ ngoại hối quốc gia bằng vàng. Dù dự thảo đã được đưa ra nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục duy trì mức rất cao, trên 3,5 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước với việc mua – bán vàng miếng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những cách thức can thiệp

Với tình trạng giá vàng trong nước đang cao hơn so với giá vàng thế giới thì trong thời gian tới, ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chỉ có thể can thiệp bằng cách mở tài khoản ở nước ngoài để nhập khẩu vàng về và bán lại ra thị trường qua việc đấu thầu hoặc qua thị trường liên ngân hàng. Còn nếu giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, NHNN sẽ có thể mua vào bằng tiền VND để tăng thêm dự trữ ngoại hối bằng vàng hoặc xuất khẩu để thu về ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.

Mặc dù các hoạt động này của NHNN sẽ làm tăng sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới lại với nhau nhưng độ trễ về thời gian trong quá trình giao dịch rất lớn. Điều đó sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách can thiệp bình ổn thị trường. Do vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ khó giảm nhiều như kỳ vọng.

Nếu NHNN nhập vàng về và bán qua hình thức đấu thầu, chỉ có một vài doanh nghiệp có thể trúng thầu nếu đặt mức giá cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp trúng thầu sau đó lại có thể mất thêm nhiều thời gian để bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh khác chưa trúng thầu và phân phối đến các điểm bán vàng trên cả nước. Qua càng nhiều khâu trung gian, các chi phí càng tăng và chưa chắc NHNN đã có thể điều tiết được giá vàng về đúng với mức giá mong muốn.

Còn nếu mua bán qua thị trường liên ngân hàng, giá vàng trong nước cũng vẫn sẽ rất khó giảm nhanh được do đây là các giao dịch vàng vật chất, chỉ có thể thực hiện trực tiếp chứ không thể chuyển khoản, hạch toán qua các bút toán của vàng tài khoản, ngoại tệ. Các ngân hàng thương mại không có sẵn nguồn vàng do không được huy động vàng, nguồn giữ hộ lại phải lưu trong kho kín và phong toả lại, không thể sử dụng được nên sẽ không thể bán ngay một lượng vàng lớn khi mua từ NHNN được. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường vàng liên ngân hàng. Chi phí vận chuyển tăng lên, thời gian giao dịch sẽ kéo dài hơn làm tăng các chi phí, rủi ro.

Rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh mục tiêu bình ổn giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, NHNN còn có một mục tiêu nữa là phải tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng. Nhưng dù thực hiện mục tiêu nào, NHNN cũng đều đối mặt với rủi ro thua lỗ khi giá vàng biến động mạnh.

Trong trường hợp NHNN nhập khẩu vàng để bán lại cho các doanh nghiệp trong nước, thời gian nhập về thường mất một vài ngày. Giá vàng tại những thời điểm này thường biến động mạnh. Nếu NHNN chốt giá nhập về đến nơi, giá vàng lại giảm thấp hơn thì NHNN sẽ khó có thể bán lại cho các doanh nghiệp. Rủi ro này có thể giảm thiểu từ việc NHNN đưa vàng vào dự trữ ngoại hối hoặc yêu cầu các doanh nghiệp mua vàng phải ký quỹ một lượng tiền nhất định. Còn trong trường hợp NHNN mua lại vàng trong nước khi giá vàng trong nước thấp hơn thế giới, NHNN vẫn sẽ có thể bị lỗ nếu như giá trong nước và thế giới biến động và giảm thấp hơn cả giá mua của NHNN. Tuy nhiên, với tổng thể cách thức giao dịch trên, rủi ro thua lỗ của NHNN là rất ít. Thay vào đó, các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế sẽ phải gánh chịu các rủi ro này khi giá vàng biến động mạnh. Việc thua lỗ khi giao dịch vàng của toàn bộ nền kinh tế sẽ được quyết định hoàn toàn bởi NHNN, do đây là cơ quan duy nhất quyết định thời điểm xuất nhập khẩu vàng.

Không chỉ có việc kinh doanh vàng miếng chịu rủi ro lớn mà việc kinh doanh vàng trang sức cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Chỉ có NHNN mới thực hiện được nhập khẩu nên qua nhiều khâu trung gian, giá vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức sẽ cao hơn so với mức giá các doanh nghiệp này tự nhập khẩu. Liệu các doanh nghiệp này có phải mua chính vàng SJC để nấu chảy làm vàng trang sức hay không? Nếu giá vàng nguyên liệu quá cao, tình trạng mua vàng nhập lậu từ nước ngoài về sẽ diễn ra và NHNN sẽ khó lòng có thể kiểm soát được lượng vàng này cũng như những biến động tỷ giá trên thị trường tự do. Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu vàng đối với vàng trang sức có hàm lượng trên 80% đang ở mức 10%, cao hơn so với nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới ở mức 0%. Điều này sẽ càng khiến cho các doanh nghiệp này khó khăn và làm giảm sức cạnh tranh ngành kinh doanh vàng trang sức của Việt Nam.

Một rủi ro tiềm ẩn nữa trong việc bình ổn chênh lệch giá vàng là sự biến động của tỷ giá. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, NHNN nhập khẩu vàng sẽ có thể khiến cho tỷ giá tăng mạnh và ngược lại. Điều này sẽ lại khiến cho NHNN phải giải quyết hai bài toán khó khi vừa phải bình ổn tỷ giá mà cũng đồng thời lại phải bình ổn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Vì vậy, nếu việc điều tiết quản lý hoạt động kinh doanh vàng của NHNN không đúng thời điểm, không đúng lúc và không được thực hiện liên tục, cả nền kinh tế sẽ chịu những rủi ro thua lỗ lớn. Điều này đòi hỏi NHNN phải có một đội ngũ các chuyên gia phân tích và giao dịch vàng tốt nhằm hạn chế được những rủi ro trên.