Ngân hàng: Nhìn khỏe mà không khỏe

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Các chỉ số cơ bản về sức khỏe ngành ngân hàng tính tới ngày 31/3/2014 được Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thoạt nhìn đều có sự cải thiện, với tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ toàn hệ thống đều tăng. Nhưng thật ra, tình hình không hẳn đang tốt như vậy.

Kết quả kinh doanh quý I/2014 của các ngân hàng không mấy lạc quan. Nguồn: internet
Kết quả kinh doanh quý I/2014 của các ngân hàng không mấy lạc quan. Nguồn: internet

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, qua ba tháng đầu năm tính đến 31/3/2014, tổng tài sản toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng gần 1%, vốn chủ sở hữu tăng 0,64%, vốn điều lệ tăng gần 1%.

Riêng khối công ty tài chính, cho thuê tài chính đã không được tính chỉ tiêu ROE (lợi nhuận trên vốn) do tổng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu đều có giá trị âm.

Nhưng các chỉ số quan trọng khác đã có sự điều chỉnh không tích cực. Tỷ lệ an toàn vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng (CAR) sau một năm đã giảm từ 13,37% (31-3-2013)  xuống còn 13,24% (cùng ngày 2014). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 16,51% tăng lên 18,03% sau một năm. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động trên thị trường một (thị trường huy động từ dân cư) giảm từ 86,22% xuống 83,64% (Xem thêm bảng dưới).

Tuần qua, các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với các con số không mấy lạc quan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 1.949 tỉ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.545 tỉ đồng, tăng 34,8%. Đây có thể nói là ngân hàng có kết quả kinh doanh quý I tích cực hơn cả.

Nhưng đáng lưu ý, hai ngân hàng gốc quốc doanh có điều kiện tương tự, Vietcombank và Vietinbank, chưa công bố kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng mẹ.

Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 250 tỉ đồng, giảm tới 18,6% so cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank đạt 673 tỉ đồng trong quý 1, tăng tới 69% so với cùng kỳ 2013. Số lợi nhuận này không cao so với quy mô của Techcombank tuy đã có cải thiện đáng kể so với 2013 và năm trước kết quả kinh doanh của ngân hàng khá xấu. Cả năm 2013, Techcombank chỉ đạt lợi nhuận 878 tỉ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của VIB quý vừa qua đạt 52 tỉ đồng (chưa tính danh mục trái phiếu Chính phủ đang nắm giữ như hầu hết các ngân hàng khác. Tính thêm trái phiếu, lợi nhuận sẽ cao hơn).

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chưa đầy 88 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro ở mức 889 tỉ đồng, giảm 19,2% so với gần 1.100 tỉ so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có lợi nhuận trước thuế ước tính được công bố tại đại hội đồng cổ đông cũng chỉ là 441 tỉ đồng sau 3 tháng đầu năm.

Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đạt lợi nhuận trước thuế 51,3 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (Ngân hàng TMCP Nam Việt cũ) đạt lợi nhuận trước thuế quý 1 chỉ có 3,15 tỉ đồng, so với con số 21,83 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, có nhiều ngân hàng tổng tài sản tăng đều qua các năm và các quý nhưng thực chất tình hình sức khỏe xấu đi, có khi đứng trên bờ sáp nhập, hợp nhất. Điều này chứng tỏ chỉ số tổng tài sản được sử dụng ngày càng bị ‘biến báo’ quá nhiều và không còn phản ánh trung thực về tình trạng các ngân hàng.

Ngân hàng: Nhìn khỏe mà không khỏe - Ảnh 1