Ngân hàng số - Lướt di động mua vàng

Theo laodong.com.vn

Các dịch vụ gửi tiền tiết kiệm online, thanh toán tiền điện, nước trực tuyến, mua vàng SJC trên di động… ngày càng được ưa chuộng. Khách hàng giờ đây thậm chí chẳng cần đến quầy giao dịch tại ngân hàng (NH) mà chỉ cần vài thao tác lướt smartphone. NH số không cần nhiều nhân viên, giao dịch với khách hàng thông qua video call. NH tiết kiệm chi phí quản lý, bộ máy nhân viên tinh giảm. Xu hướng này cũng phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đầu tư ngân hàng số tốn kém nhưng vẫn rẻ hơn ngân hàng truyền thống

Bản thân các NH cũng hiểu, nếu không đầu tư cho công nghệ số sẽ bị tụt hậu. Khách hàng ngày nay có thể chủ động thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi, qua máy tính hoặc smartphone với đủ loại hình sản phẩm, dịch vụ như một chi nhánh truyền thống. Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần (NHTMCP) từng chia sẻ “Dù một dự án NH số có thể ngốn vài triệu USD nhưng về dài hạn, chi phí này vẫn rẻ hơn việc đeo đuổi mục tiêu mở rộng mạng lưới chi nhánh.

Để xây dựng 1 chi nhánh, một năm mất khoảng 5-7 tỉ đồng. Để có lượng khách hàng ổn định, mỗi năm phải mở thêm khoảng 10 chi nhánh, phòng giao dịch, tính ra đã tốn khoảng vài triệu USD. Chưa kể, các quy định pháp luật hiện nay không cho phép mở nhiều chi nhánh một năm”.

Trong “cuộc chiến” NH số đầy tốn kém, TPBank đang nổi lên là một trong những NH dẫn đầu liên tục ra mắt các ứng dụng công nghệ mới. NH này vừa cho ra mắt mô hình NH trực tuyến 24/7 TPBank LiveBank đầu tiên tại Việt Nam, phục vụ khách hàng không ngừng nghỉ cả ngoài giờ hành chính.

Điểm đặc biệt so với mô hình NH truyền thống, tại quầy LiveBank sẽ không có một nhân viên nào, khách hàng sẽ làm việc với nhân viên NH chỉ thông qua video call. Khách hàng có thể thực hiện các giao dịch từ mở tài khoản, nộp tiền mặt vào tài khoản, mở sổ tiết kiệm với lãi suất cao hơn lãi suất tại quầy, đăng ký Internet banking…

Dịch vụ gửi tiền tiết kiệm online đã được các NH triển khai từ năm 2009 và ngày càng được các NH đẩy mạnh bởi những lợi ích mang lại so với mô hình NH truyền thống. Lãnh đạo một NHTMCP cho biết: “Về phía khách hàng, ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, người gửi tiền online còn được hưởng lãi suất cao hơn mức thông thường khi gửi tại quầy là 0,1-0,3%. NH cũng tiết kiệm được các chi phí nhân sự, thuê mặt bằng, tối đa hóa hiệu quả hạ tầng công nghệ hiện đại đã đầu tư. Đây cũng là lý do vì sao gửi tiết kiệm trực tuyến khách hàng lại được tặng thêm lãi suất. Đây đúng là cách giải bài toán mà khách hàng và NH, đôi bên cùng có lợi.”

Ngân hàng số - Cơ hội để tăng trưởng lợi nhuận

Nhanh hơn, thuận tiện hơn và an toàn hơn trong giao dịch thanh toán điện tử là những tiêu chí mà các NH thương mại  (NHTM) đang chạy đua. Số hóa tạo cho NH những cơ hội - thách thức để phát triển và tăng trưởng lợi nhuận.

Để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ Internet và Mobile banking, các NH đang liên tiếp tung ra nhiều chương trình khuyến mãi. LienVietPostBank tặng 30%* giá trị giao dịch cho khách hàng thanh toán hóa đơn truyền hình hoặc tặng ngay 20.000 đồng cho khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước qua app Ví Việt. Techcombank thời gian qua triển khai rầm rộ chương trình khuyến mại “0 đồng E-banking”. Theo đó, tất cả giao dịch trực tuyến, cả nội mạng và liên NH qua F@st i-Bank và F@st Mobile của khách hàng cá nhân đều được miễn phí.

Mới đây TPBank ra mắt tính năng thanh toán mua vàng qua ứng dụng NH số eBank. Thay vì phải “ôm” cả cục tiền đến tiệm vàng rồi xếp hàng dài chờ mua, giờ đây khách hàng chỉ cần đặt mua vàng qua điện thoại. Ưu điểm là khách hàng có thể chốt giá tốt ngay tại thời điểm muốn mua, thanh toán tiền online, tránh được rủi ro khi phải mang số tiền lớn bên người, sau đó đến tận quầy giao dịch để nhận vàng. Một số NH còn ứng dụng QR code vào in sổ tiết kiệm, in thư bảo lãnh… giúp tiện tra cứu và đẩy nhanh tốc độ xử lý cho khách hàng.

Xu hướng này cũng phù hợp với Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ. Theo đó, đến năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ, phấn đấu đến năm 2020 toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt và khối lượng giao dịch đạt 200 triệu giao dịch/năm.

100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Đặc biệt là quy định các giao dịch mua bán BĐS và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền,…) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.