Ngân hàng tăng cường tìm lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Các ngân hàng lớn đang tăng cường tìm kiếm lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), loại tài sản vẫn đang đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, gánh nặng kiểm soát rủi ro cho ngân hàng cũng tăng lên theo.

Tăng tỷ trọng TPDN
Trong báo cáo bán niên soát xét mà Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố cuối tuần trước, ngân hàng này báo cáo đã đầu tư gần 15.300 tỷ đồng vào TPDN (tính đến 30/6), tăng thêm khoảng 3.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Con số này tương ứng với tỷ trọng đầu tư vào TPDN trên tổng tài sản của BIDV gần 3%, tăng đáng kể so với mức xấp xỉ 2,4% đầu năm 2013.

Chỉ 3.700 tỷ đồng tăng thêm vào TPDN này cộng với 15.400 tỷ tăng thêm vào trái phiếu chính phủ (TPCP) đã đem lại khoản thu nhập 1.900 tỷ đồng cho BIDV trong vòng nửa năm. Trong khi đó, lãi suất TPCP trong thời gian này đã giảm mạnh từ 8 - 9%/năm xuống chỉ còn quanh 7%/năm trong nửa đầu năm nay.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã tăng tỷ trọng tài sản đầu tư vào TPDN lên 3,1% vào thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm, so với 2,6% thời điểm đầu năm. Xét về giá trị tuyệt đối, Ngân hàng đã đầu tư thêm 700 tỷ đồng vào kênh này.

Trong khi đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã đầu tư 5,2% tổng tài sản vào TPDN, tính đến 30/6 - mặc dù giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm, nhưng về số tuyệt đối, Ngân hàng vẫn đầu tư ròng 1.800 tỷ đồng vào loại tài sản này. Thu nhập từ trái phiếu của Vietinbank lên đến 4.500 tỷ đồng, cao gấp đôi Vietcombank và BIDV.

Xu hướng tăng đầu tư vào TPDN đã nổi rõ ở nhóm các ngân hàng lớn trong nửa đầu năm nay. Trong khi các ngân hàng này vẫn dư rất nhiều tiền, tín dụng vẫn tắc nghẽn và TPCP ngày càng giảm lợi suất.

Giám đốc đầu tư của một ngân hàng quốc doanh cho biết, từ đầu năm tới nay, ngân hàng ông đã giải ngân trên 5.000 tỷ đồng vào TPDN. Trừ đi con số chốt lời một số khoản đầu tư TPDN cũ, ngân hàng ông vẫn tăng ròng đầu tư vào kênh này.

“Trong khi đó, TPDN vẫn giữ lợi suất 12 - 13%/năm, thậm chí là 14%/năm từ đầu năm tới nay, hơn hẳn lãi suất cho vay các doanh nghiệp lớn - đã xuống đến 11%/năm hoặc thấp hơn”, ông này nói.

Những con số này có thể còn tăng lên nữa khi các đợt phát hành lớn về cuối năm càng được thực hiện nhiều. Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang chuẩn bị cho đợt phát hành quy mô ước tính 5.000 tỷ đồng trong khi Tập đoàn Điện lực (EVN) chuẩn bị cho đợt phát hành 10.000 tỷ đồng.

Gần đây nhất, “đại gia” ngành hàng tiêu dùng Masan Group cũng vừa hoàn tất một đợt phát hành quy mô 2.000 tỷ đồng, theo một nguồn tin thân cận với thương vụ.

Nặng trách nhiệm kiểm soát rủi ro

Các chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu, cho rằng, trong một số trường hợp, các con số trên báo cáo tài chính không thể hiện toàn bộ số tiền đầu tư thực vào TPDN của các ngân hàng, do ngân hàng đó có thể gửi mua trái phiếu qua các tổ chức khác.

Việc tăng đầu tư vào TPDN đi đôi với việc các Ban kinh doanh vốn của ngân hàng càng phải nặng gánh trách nhiệm kiểm soát rủi ro cho các khoản đầu tư của mình, bởi bản thân tổ chức phát hành cũng đang vật lộn để ổn định dòng tiền và kinh doanh có lãi.

Lãnh đạo đầu tư một ngân hàng quốc doanh chia sẻ, ông đã tìm hiểu gần chục vụ phát hành trong nửa đầu năm, nhưng chỉ chốt được một vài vụ an toàn để đầu tư. “Thời điểm này muốn kiếm lợi nhuận cao về cho ngân hàng thì phải chấp nhận rủi ro cao hơn thôi. Vấn đề là nhóm thực hiện thương vụ đó phải tự chắc chắn khả năng kiểm soát rủi ro của chính mình”.

Chỉ riêng đến hết quý II, con số phát hành TPDN đã là 15.000 tỷ đồng, bằng 9/10 so với tổng phát hành cả năm ngoái, theo số liệu từ Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Kinh doanh vốn & tiền tệ của BIDV. Trong con số này, có đến 2/3 là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - ngân hàng có truyền thống đầu tư mạnh tay vào TPDN - trong khi đó lại đang thể hiện một vài vấn đề nhất định. Đến 30/6/2013, Ngân hàng đã đầu tư khoảng 20% tổng tài sản của mình vào TPDN, giảm nhẹ so với tỷ trọng gần 22% thời điểm đầu năm nay nhưng vẫn vượt xa bất kỳ ngân hàng lớn nào. Cùng thời gian này, Ngân hàng báo cáo nợ xấu lên đến trên 5% so với con số 2,9% cùng kỳ năm ngoái.