Ngân hàng tập trung vốn cho nông nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dành toàn bộ Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu để giải trình những gì ngành đã làm cho nông nghiệp, nông thôn. Báo cáo đã được gửi tới tay các ĐBQH đầu tuần này.

Ngân hàng tập trung vốn cho nông nghiệp
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Nguồn: internet

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Lãi suất giảm, tín dụng tăng

Báo cáo của NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đến cuối năm 2013 đã giảm mạnh và ở mức thấp, chỉ bằng 50% lãi suất năm 2011. Bước sang năm 2014, trên cơ sở xu hướng giảm vững chắc của lạm phát, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm đồng bộ các loại lãi suất. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm, hiện phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác khoảng 2 - 3%/năm.

Tính đến 31/12/2013, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 671.986 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tăng 19,67% so với 31/12/2012 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 12,51% của nền kinh tế cùng thời điểm), tăng 2,29 lần so với cuối năm 2009 (trước khi có Nghị định 41/2010/NĐ-CP).

Để đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, NHNN cũng đã có các chính sách hỗ trợ các TCTD tập trung cho vay lĩnh vực này; đồng thời chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo đó, NHNN hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tín dụng ở nông thôn. NHNN cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm cho vay với các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao...

Nhiều chương trình tín dụng nông nghiệp đặc thù

Không chỉ có các chính sách hỗ trợ tín dụng chung, thời gian qua, NHNN còn triển khai 5 chương trình tín dụng nông nghiệp đặc thù.

Đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, NHNN đã yêu cầu 5 ngân hàng thương mại Nhà nước giãn nợ, cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất đối với các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá tra, tôm xuất khẩu. Tính đến cuối tháng 4.2014, doanh số cho vay của chương trình này đạt 166.361 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt khoảng 55.178 tỷ đồng, tăng 0,64% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ được gia hạn  là 4.678 tỷ đồng. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm và cá tra, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Các khoản nợ của người nuôi tôm và cá tra sẽ được cơ cấu lại. TCTD cũng tiếp tục xem xét cho vay mới để nông dân khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đến cuối tháng 4/2014, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đạt 1.340 tỷ đồng.

Đối với ngành lúa, gạo, NHNN đang triển khai 2 chính sách: cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo và cho vay thu mua tạm trữ thóc gạo. NHNN đã có Thông tư quy định chi tiết về tín dụng kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Theo nhận định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các ngân hàng trong việc bố trí nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất hợp lý. Đến 30/4/2014, dư nợ cho vay đối với sản phẩm lúa gạo toàn quốc đạt khoảng 33.460 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2013, trong đó dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm khoảng 42%. Chương trình cho vay tạm trữ thóc gạo được triển khai đều đặn. Doanh số cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2013 – 2014 đạt 8.256,49 tỷ đồng, đạt gần 98% kế hoạch tạm trữ.

Ngoài ra, NHNN đang tích cực triển khai chính sách tái canh cây cà phê và chính sách hỗ trợ ngư dân. Dư nợ cho vay cà phê đến 30/4/2014 đạt khoảng 33.509 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2013, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 80% tổng dư nợ, cho vay trung, dài hạn chiếm gần 20%. Ngành ngân hàng cam kết sẽ triển khai gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng, tập trung vào đóng tàu công suất lớn, cải hoán đánh bắt xa bờ; tàu hậu cần cho nghề cá; nuôi trồng thủy sản...