Ngân hàng thay phiên tìm vốn ngoại tệ

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thay phiên nhau tìm kiếm các nguồn vốn ngoại tệ từ các tổ chức, ngân hàng nước ngoài, với nhiều thương vụ được ký kết nhanh chóng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hàng loạt thương vụ nhanh gọn

Ngày 28/8, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD, kỳ hạn 3 năm với JPMorgan Chase Bank, N.A., chi nhánh Singapore.

Theo Tổng giám đốc LienVietPostBank thì "khoản vay vốn 50 triệu USD từ JPMorgan Chase đã giúp LienVietPostBank hội nhập sâu hơn với thị trường tài chính quốc tế".

Trước đó, hồi tháng 5/2017, LienVietPostBank cũng vay hợp vốn trị giá 50 triệu USD kỳ hạn 3 năm với 8 ngân hàng Đài Loan, trong đó đầu mối thu xếp là Ngân hàng Cathay United Bank (Đài Loan).

Chiều ngày 6/9 tại thành phố Sochi, SHB và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) Nga đã trao thỏa thuận hợp tác, theo đó IIB sẽ cung cấp cho SHB một khoản vay trị giá 20 triệu USD với kỳ hạn 5 năm.

Cùng ngày, SHB và Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) của Nga cũng hoàn tất việc ký thỏa thuận hợp tác, với việc IBEC sẽ cấp khoản vay cho SHB với hạn mức ban đầu là 20 triệu EUR để thực hiện các giao dịch trong thanh toán quốc tế, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC, hoạt động ngoại hối và bảo lãnh đối với các dự án 2 bên cùng quan tâm.

Gần đây hơn vào ngày 10/9, Công ty tài chính quốc tế (IFC) cho biết sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), với kỳ hạn 3 năm bao gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ Chương trình Danh mục Đầu tư Đồng Cấp vốn Được Quản lý (Managed Co-Lending Portfolio Program - MCPP) tập hợp các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý.

Hồi đầu năm nay, IFC cũng đã cung cấp một khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho TPBank, sau khi đã rót 405 tỷ đồng vào TPBank để sở hữu 5% vốn của ngân hàng này từ năm 2016.

Trước đó trong năm 2017 cũng đã chứng kiến hàng loạt thương vụ vay vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước. Đơn cử như VPBank vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho FE Credit, nhận 122 triệu USD từ IFC, 41 triệu USD từ Credit Suisse.

Hay ABBank nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC cuối năm 2017 và VIB nhận gói tài trợ 185 triệu USD từ IFC và 3 ngân hàng ngoại với kỳ hạn 5 năm.

Một ngân hàng lớn khác là Vietinbank cũng liên tiếp vay hợp vốn trong những năm qua, như cuối tháng 6/2017 ký hợp đồng vay hợp vốn 100 triệu USD với 8 định chế tài chính nước ngoài, trước đó vào tháng 3/2016 vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với 18 ngân hàng quốc tế.

Lợi ích tìm vốn ngoại

Mục tiêu đầu tiên của việc tìm vốn ngoại là giúp các ngân hàng trong nước tăng nguồn vốn trung dài hạn, khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống 40% kể từ đầu năm 2019.

Thực tế thời gian qua nhiều ngân hàng đã chủ động tăng cường nguồn vốn trung dài hạn bằng cách tăng vốn điều lệ, vốn tự có qua con đường giữ lại lợi nhuận, phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn..., song việc đẩy mạnh vay vốn ngoại tệ từ các tổ chức nước ngoài cũng là một trong những giải pháp được triển khai phổ biến gần đây. 

Đặc biệt đối với những ngân hàng phát triển mạnh về cho vay bán lẻ, tiêu dùng trả góp trung dài hạn, như LienVietPostBank có tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm đến 50% tổng dư nợ, thì nhu cầu vốn trung dài hạn luôn cấp thiết.

Thứ hai là để đáp ứng các tỷ lệ an toàn, khả năng chi trả đối với ngoại tệ theo quy định, cũng như giúp cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động và tối ưu chi phí vốn. Do trần lãi suất USD đã về 0% từ cuối năm 2015, nên tiền gửi USD của khách hàng tại các ngân hàng liên tiếp sụt giảm kể từ đó đến nay. Hoặc khách hàng nếu có gửi ngoại tệ thì cũng chỉ gửi không kỳ hạn, trong trường hợp gửi có kỳ hạn thì cũng sẵn sàng rút ra trước hạn bất kỳ lúc nào vì lãi suất vẫn chỉ 0%.

Điều này khiến các tỷ lệ chi trả theo ngoại tệ của ngân hàng gặp nhiều thách thức, cũng như ngân hàng không thể chủ động được nguồn vốn ổn định, bền vững để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, nhất là khi dư nợ ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong 2 năm qua.

Đối với những ngân hàng đã đáp ứng tốt được các tỷ lệ trên theo quy định, thì việc vay vốn ngoại tệ còn có thể phục vụ cho hoạt động phát triển kinh doanh.

Cụ thể với nguồn vốn vay ngoại tệ lãi suất thấp từ quốc tế, ngân hàng có thể sử dụng để cho các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu vay ngoại tệ vay với lãi suất đang khá cao như hiện nay, hoặc thậm chí chuyển sang tiền đồng cho vay để có được biên độ lãi suất cao hơn, dĩ nhiên đã chuẩn bị sẵn những giải pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Trong tình hình xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nói chung và các ngân hàng nói riêng gần đây liên tiếp được các tổ chức xếp hạng đánh giá tăng lên thì con đường vay ngoại tệ từ quốc tế sẽ có điều kiện thuận lợi hơn và chi phí cũng có thể tối ưu hơn giai đoạn trước đây.

Việc được các định chế tài chính nước ngoài cung cấp, dàn xếp các khoản vay, cho vay hợp vốn, tài trợ thương mại cũng góp phần giúp các ngân hàng nâng cao được thương hiệu, hình ảnh, vị thế không chỉ trong nước mà còn trên tầm quốc tế.

Cụ thể hồi giữa tháng 8, Tổ chức xếp hạng quốc tế Moodys vừa công bố xếp hạng đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam. Trong đó LienVietPostBank được nâng xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn từ B1 lên B2, triển vọng từ tích cực sang ổn định. Cùng được nâng hạng với LienVietPostBank ở các chỉ số này còn có Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ABBank, TPBank, VIB và VPBank.