Ngân hàng Thế giới: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra chính sách vĩ mô đúng hướng


WB dự báo dù các chính sách bình ổn sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nếu thành công, Việt Nam sẽ giành lại được vị thế trước khủng hoảng trong trung hạn.

 Ngày 21/03/2011, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo có tựa đề “Securing the Present. Shaping the Future” trong đó có đưa ra một số nhận định và dự báo về kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục nhanh từ khủng hoảng toàn cầu. Sau khi tăng trưởng 5,3% trong năm 2009, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2010 và ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm.

Kinh tế phục hồi nhanh nhờ nhu cầu nội địa tăng trưởng tốt, đầu tư cao và xuất khẩu phục hồi. FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh và kiều hối tăng trưởng tốt.

Xuất khẩu hiện đang tăng trưởng 25,5%; xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu mỏ khá tốt, ghi nhận mức tăng trưởng 31,5% trong năm 2010. Cán cân thương mại cải thiện và kiều hối giúp giảm thâm hụt tài khoản vãng lai từ 8% vào năm 2009 xuống 4% vào năm 2010.

Việc trì hoãn rút đi chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ bất chấp kinh tế phục hồi mạnh đã khiến Việt Nam đương đầu với khá nhiều khó khăn. Đến quý 3/2010, lạm phát bắt đầu tăng nóng, vấn đề tỷ giá và tình hình tại Vinashin thu hút sự quan tâm của thị trường trong và ngoài nước.

Ngân hàng Thế giới: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra chính sách vĩ mô đúng hướng - Ảnh 1
Dự báo của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng GDP năm 2011, năm 2012 của một số nền kinh tế tại châu Á (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)

Giá cả các loại hàng hóa tiếp tục tăng nóng trong quý 4/2010 do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng nóng và chịu tác động từ việc giá hàng hóa toàn thế giới tăng cao cũng như nguồn cung nội địa chịu áp lực từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh. Thị trường quốc tế khá bi quan với Việt Nam sau vụ việc Vinashin.

Đến Tết Nguyên đán năm 2011, lạm phát lên 12,2%, cao nhất trong 2 năm, tiền đồng chịu khá nhiều áp lực. Dù thâm hụt tài khoản vãng lai giảm và thặng dư tài khoản vốn tăng, dự trữ ngoại hối vẫn giảm trong suốt năm 2010. Phần lớn thặng dư trong cán cân thanh toán nằm ngoài hệ thống ngân hàng dưới dạng lỗi hay bị bỏ qua, thặng dư này vượt 10 tỷ USD đến năm thứ 2 liên tiếp.

Vấn đề vĩ mô qua thời gian đã tác động đến niềm tin. Một số người Việt Nam mất niềm tin đã chuyển sang mua mạnh USD và vàng do lo ngại về rủi ro lạm phát lên cao và thiếu rõ ràng về hướng chính sách.

Đến đầu tháng 2/2011, chính phủ đã đồng thuận về việc đưa ra biện pháp mạnh để khôi phục sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Chính phủ chấp nhận tăng trưởng chậm trong ngắn hạn nhưng giải quyết được các vấn đề bất ổn. Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11 bao gồm nhiều cải cách về chính sách tài khóa, tiền tệ, cơ cấu để làm dịu nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

Chính sách đúng hướng

Theo Ngân hàng Thế giới, thông báo về chính sách gần đây đánh dấu bước đi đúng hướng quan trọng để phá vỡ chu kỳ tăng trưởng quá nóng và sau đó tăng trưởng chậm sang việc khôi phục được hình ảnh của một đất nước được coi như điểm đến hấp dẫn nhát của dòng vốn FDI trong khu vực.

Thị trường tài chính quốc tế đã phản ứng tích cực sau động thái chính sách mới đây của Việt Nam, rủi ro trái phiếu ngoại tệ của Việt Nam giảm nhẹ trong vài ngày gần đây. Chính phủ Việt Nam sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để thực thi chính sách thành công.

Ngân hàng Thế giới: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra chính sách vĩ mô đúng hướng - Ảnh 2

 

WB nhận định sự chuyển hướng chính sách gần đây của Việt Nam đã làm giảm đi một số rủi ro đối với kinh tế Việt Nam.

Giá điện, năng lượng tăng, giá hàng hóa toàn cầu và áp lực lên tiền đồng sẽ có thể khiến lạm phát tăng trong ngắn hạn.

Thế nhưng lạm phát cơ bản (không tính thực phẩm và năng lượng) sẽ giảm bởi chính sách tiền tệ và tài khóa bị thắt chặt.

Thông qua kế hoạch ngân sách năm 2011 và nghị quyết gần đây của chính phủ, có thể thấy các nhà hoạch định chính sách thể hiện rõ quyết tâm củng cố tình hình tài khóa và giảm thâm hụt tài khóa về mức trước khủng hoảng.

Ngân hàng Thế giới: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra chính sách vĩ mô đúng hướng - Ảnh 3
Tình hình nợ công của Việt Nam sẽ ổn định nếu quá trình phục hồi kinh tế hiện tại tiếp tục và thâm hụt tài khóa đi theo xu thế giảm.

WB dự báo dù các chính sách bình ổn sẽ làm chậm tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nếu thành công, Việt Nam sẽ giành lại được vị thế trước khủng hoảng trong trung hạn.

Ngọc Diệp - Quỳnh Nguyễn(Cafef)
Theo Ngân hàng Thế giới