Ngân hàng Việt không chú trọng cho vay khách hàng

Đàm Nhân Đức - Giám đốc Trung tâm Phân tích và quản trị chiến lược, Hội sở Techcombank

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhà nước tập trung phát triển cho vay khách hàng, thì các NHTMCP tư nhân tốp đầu tập trung vào cho vay liên ngân hàng, trong khi tốp sau lại luôn tập trung vào đầu tư.

Ngân hàng Việt không chú trọng cho vay khách hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng tài sản của 8/9 ngân hàng mà người viết nghiên cứu đều giảm trong 9 tháng đầu năm 2012 và mục giảm mạnh nhất là các khoản cho vay các tổ chức tín dụng khác. Năm 2012 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổng tài sản của các NHTMCP trong tốp đầu, kể cả NHTMCP nhà nước lẫn tư nhân, nhất là các ngân hàng tốp đầu như Vietinbank, ACB, EIB.

Ngày 18/6/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 21/2012 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các khoản cho vay các  tổ chức tín dụng (TCTD) khác phải trích lập dự phòng như các khoản cho vay khách hàng (cá nhân và tổ chức kinh tế) và do đó làm tăng chi phí dự phòng trong cơ cấu thu nhập chi phí của các ngân hàng, vì vậy tình trạng thổi phồng tài sản bằng cách vay và cho vay giữa các ngân hàng, nhóm ngân hàng có xu hướng giảm.

Xét trên yếu tố cung cầu, tăng trưởng tín dụng chậm nên nhu cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng thấp và thị trường xấu, nên các ngân hàng cũng hạn chế giải ngân trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh các yếu tố trên, thì sự sụt giảm mạnh của ACB với tỷ lệ trên 24% so với cuối năm 2011 còn do ngân hàng này vướng vào vụ “bầu Kiên”.

Bảng 1 - Tổng tài sản các ngân hàng 2006 - 2012 (cuối tháng 9)

Đơn vị: tỷ đồng

Ngân hàng

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012 (T9)

Vietcombank

166.952

195.390

220.524

255.068

306.931

368.522

416.217

BIDV

161.223

204.510

246.520

296.432

363.703

406.919

456.442

Vietinbank

135.363

166.113

193.590

242.667

367.068

460.317

442.724

ACB

44.645

85.392

105.343

167.724

202.454

278.856

211.673

Sacombank

24.776

63.364

67.469

98.474

141.799

140.137

143.072

Eximbank

18.327

33.710

48.248

65.448

131.105

183.680

160.879

MB

13.529

29.624

42.009

65.091

104.344

134.699

145.337

VIB

16.527

39.305

34.719

56.635

93.827

97.092

63.783

VPBank

10.159

18.137

18.648

27.543

59.807

82.437

84.808

Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng

Giảm mạnh cho vay các TCTD khác

Ngoại trừ Sacombank với chiến lược tập trung vào thị trường 1 và ít chú trọng đến kinh doanh trên thị trường 2, tỷ trọng cho vay các TCTD khác/tổng tài sản của tất cả các ngân hàng được nghiên cứu còn lại đều có xu hướng giảm. Giảm mạnh nhất là ACB khi tỉ lệ cho vay các TCTD khác tại thời điểm cuối năm 2011 chiếm tới gần 30%/tổng tài sản đã giảm xuống còn 16,7% vào cuối tháng 9 năm 2012. Đây là chiến lược hợp lý trong thời điểm thị trường biến động và xảy ra nhiều sự kiện bất lợi như thời gian qua. Các ngân hàng đều đã và đang cơ cấu lại Bảng cân đối kế toán khi thu hẹp hoạt động cho vay liên ngân hàng.

Cụ thể, tỷ lệ cho vay các TCTD khác (cho vay liên ngân hàng) của 9 ngân hàng so sánh giảm từ mức đỉnh 24,1% vào cuối năm 2011 xuống còn 18% vào cuối tháng 9 năm 2012 (xem Bảng 2). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực. Đơn cử, tỷ lệ cho vay các TCTD khác/tổng tài sản của các NHTMCP lớn của Thái Lan trung bình vào khoảng 7% và của Singapore như OCBC và DBS vào khoảng 8-10%.

Bảng 2 - Tỷ trọng cho vay các TCTD khác trong cơ cấu tổng tài sản

Đơn vị: % (phần trăm trên tổng tài sản)

Ngân hàng

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012 (T9)

Vietcombank

31,3

21,5

13,8

18,7

25,7

28,6

24,8

Vietinbank

14,1

12,7

12,0

13,6

16,2

14,5

9,7

BIDV

19,4

7,7

9,4

9,8

14,0

14,4

9,2

ACB

36,7

34,2

22,9

21,8

16,9

29,3

16,7

Sacombank

8,2

6,8

9,9

14,5

11,5

6,9

9,0

Eximbank

13,8

14,1

19,7

10,7

24,5

35,1

32,4

MB

42,3

44,6

36,0

36,1

32,2

30,5

28,2

VIB

19,7

32,7

21,5

30,8

27,0

29,6

8,2

VP

11,2

3,8

8,3

26,8

19,4

27,7

23,6

Trung bình

21,8

19,8

17,1

20,3

20,8

24,1

18,0

Nguồn: Tính toán từ  báo cáo tài chính các ngân hàng

NHTMCP quốc doanh vẫn tập trung đẩy mạnh cho vay khách hàng

Nhóm các NHTMCP quốc doanh vẫn duy trì truyền thống và phát huy lợi thế cạnh tranh vốn có tập trung cho vay khách hàng với tỷ lệ cho vay khách hàng/tổng tài sản của cả 3 ngân hàng nghiên cứu liên tục tăng lên qua các năm. Đến hết tháng 9/2012, BIDV đang có tỷ lệ cho vay khách hàng/tổng tài sản cao nhất, trên 71%.

Nếu không xét đến năm 2012 khi tất cả các NHTM đều cơ cấu lại Bảng cấn đối kế toán để tối ưu hóa cơ cấu tài sản theo quy định mới của NHNN, thì giai đoạn 2006 - 2011 diễn ra 2 xu hướng trái ngược, thể hiện chiến lược của từng ngân hàng. Trong khi các NHTMCP quốc doanh tập trung vào phát triển cho vay khách hàng, thì các NHTMCP tư nhân tốp trên luôn duy trì một tỷ lệ cho vay khách hàng/tổng tài sản thấp hơn nhiều và giành phần vốn huy động được tập trung vào các hoạt động khác như hoạt động đầu tư và cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2011, ACB có tỷ lệ cho vay khách hàng thấp nhất, chỉ 36%/tổng tài sản.

Nếu so với các NHTMCP trong khu vực, tỷ lệ cho vay khách hàng/tổng tài sản của các NHTMCP Việt Nam ở mức thấp, đặc biệt là các ngân hàng trong tốp sau. Tỷ lệ trung bình của một số ngân hàng Singapore năm 2011 là 53%, của Đài Loan là 62% và của Thái Lan khoảng 67%.

Bảng 3 - Tỷ trọng cho vay khách hàng trong cơ cấu tổng tài sản

Đơn vị: % (phần trăm trên tổng tài sản)

Ngân hàng

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012 (T9)

Vietcombank

39,7

48,4

48,7

53,3

55,4

55,0

52,7

Vietinbank

59,2

60,5

61,3

66,3

62,7

62,8

66,4

BIDV

60,3

63,1

63,6

67,8

67,4

70,3

71,3

ACB

38,0

37,1

32,4

36,7

42,4

36,2

47,4

Sacombank

57,8

53,9

49,5

55,6

54,0

55,4

57,3

Eximbank

55,5

54,5

43,2

58,1

47,1

40,3

40,1

MB

42,4

38,7

35,2

41,0

43,2

42,7

43,7

VIB

54,8

42,3

56,4

47,9

44,0

44,2

49,3

VP

49,2

73,3

69,2

56,9

42,0

34,9

37,0

Trung bình

50,8

52,4

51,1

53,7

50,9

49,1

51,7

Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính các ngân hàng

Các NHTMCP tư nhân chú trọng hơn đến hoạt động đầu tư

Sau giai đoạn tập trung vào hoạt động đầu tư trong giai đoạn 2006-2008, hầu hết các NHTMCP trong tốp đầu (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB) đã nhanh chóng giảm trong giai đoạn 2009 - 2011, nhưng tỷ lệ này của các NHTMCP trong tốp sau (VIB, VPBank) lại tăng lên. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2012, xu hướng này lại có xu hướng nhích lên ở một số ngân hàng. Lý do là các ngân hàng vẫn giữ nguyên (hoặc giảm đôi chút) tổng mức chứng khoán đầu tư, nhưng do tỷ lệ tổng tài sản giảm, nên tỷ lệ này tăng lên. Một lý do khác có thể là các ngân hàng đã sử dụng kênh này để lách tăng trưởng tín dụng khi NHNN chưa quy định tính hạn mức tăng trưởng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Bảng 4 -  Tỷ trọng chứng khoán đầu tư trong cơ cấu tổng tài sản

Đơn vị: % (phần trăm trên tổng tài sản)

Ngân hàng

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012 (T9)

Vietcombank

19,2

21,0

20,1

14,5

12,5

9,2

12,4

Vietinbank

13,8

23,4

22,1

17,0

17,5

15,6

16,8

BIDV

9,9

15,1

14,7

12,0

9,9

9,0

11,4

ACB

11,9

12,2

24,8

20,7

25,3

10,9

12,9

Sacombank

12,5

24,0

17,7

12,9

16,9

19,4

15,0

Eximbank

9,2

20,1

17,3

14,2

16,8

15,1

10,0

MB

9,3

12,5

22,8

17,0

16,7

15,8

17,9

VIB

15,8

17,5

14,5

16,1

20,5

21,3

28,4

VP

21,4

10,3

10,8

8,7

22,9

25,4

22,2

Trung bình

13,7

17,3

18,3

14,8

17,7

15,7

16,3

Nguồn: Tính toán từ báo cáo tài chính các ngân hàng

Điểm qua cơ cấu tổng tài sản của các ngân hàng, có thể thấy rõ các ngân hàng áp dụng những hướng đi rất khác nhau và đặc trưng của riêng mình. Trừ một số trường hợp cá biệt thì các NHTMCP nhà nước đều tập trung phát triển cho vay khách hàng, các NHTMCP tư nhân tốp đầu như ACB hay Eximbank tập trung vào cho vay trên thị trường liên ngân hàng trong khi các NHTMCP tư nhân tốp sau lại luôn duy trì một tỷ lệ chứng khoán đầu tư/tổng tài sản khá cao.

Nếu so sánh tỷ lệ với các ngân hàng khu vực của một số nước phát triển như Singapore và Đài Loan thì nhiệm vụ quan trọng trong ngắn hạn (2013) là các ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu lại cơ cấu tài sản của mình theo hướng tăng cường an toàn và tối ưu khả năng sinh lời và sẽ cần một lộ trình dài hạn để hướng tới một cơ cấu tổng tài sản như các ngân hàng tầm cỡ khu vực của các nước phát triển.