Ngành Dầu khí Việt Nam: Tiềm năng lớn, tăng trưởng cao

Phòng Phân tích CTCP Chứng khoán An Bình (ABS)

TCTC Online - Là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, trong những năm qua, ngành Dầu khí đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù cũng phải đối mặt với một số khó khăn, nhưng ngành Dầu khí đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là ngành kinh tế then chốt, phát triển trong tương lai…

Đặc trưng ngành dầu khí

Dầu khí không chỉ mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho quốc gia mà còn là nguồn năng lượng quan trọng nhất hiện nay cho sự phát triển kinh tế.

Dầu khí là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu, 36% năng lượng còn lại là gỗ, sức nước, sức gió, địa nhiệt, ánh sáng mặt trời, than đá, và nhiên liệu hạt nhân.

Dầu khí tập trung chủ yếu ở Trung Đông, chiếm 2/3 trữ lượng dầu khí thế giới, nhưng phần lớn nằm sâu trong lòng đất, lòng biển nên rất khó khăn trong việc thăm dò, khai thác.

Bên cạnh đó, dầu thô phải qua chế biến mới sử dụng được nên đòi hỏi công nghệ lọc dầu cao. Mặc dù trữ lượng dầu còn rất lớn nhưng đây là nguồn năng lượng có giới hạn và không thể tái tạo. Chính vì vậy, mỗi quốc gia đều phải có kế hoạch khai thác, kinh doanh và sử dụng hợp lý.

Vai trò ngành dầu khí đối với kinh tế Việt Nam

Ngành dầu khí đóng góp phần lớn ngoại tệ cho quốc gia với các sản phẩm phục vụ nền kinh tế là điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp và năng lượng sạch. Trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã cung cấp gần 35 tỷ m3 khí khô cho sản xuất, 40% sản lượng điện của toàn quốc, 35-40% nhu cầu ure và cung cấp 70% nhu cầu khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh.

 Ngành Dầu khí Việt Nam: Tiềm năng lớn, tăng trưởng cao - Ảnh 1

Xuất khẩu dầu thô có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu cả nước, đặc biệt là giai đoạn trước đây, bình quân khoảng 15%. Hiện nay, tỷ trọng này đã giảm và chỉ còn chiếm khoảng 7,5%.

Trong 8 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,5 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ, chiếm 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đồng thời đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 70,8 tỷ đồng, chiếm 16,9%.

Ngành Dầu khí Việt Nam: Tiềm năng lớn, tăng trưởng cao - Ảnh 2 

Trong những năm trước đây, ngành luôn dẫn đầu về mức đóng góp vào ngân sách nhà nước. Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu đang giảm dần song ngành dầu khí Việt Nam vẫn là đơn vị duy trì mức đóng góp khoảng 18-22% tổng GDP cả nước. 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu của PVN đạt 380,6 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách 81,2 nghìn tỷ đồng.

Thực trạng và triển vọng phát triển ngành dầu khí Việt Nam

Ngành dầu khí Việt Nam hiện nay khá non trẻ với nguồn nhân lực còn hạn chế nên năng lực cung cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Nước ta chủ yếu xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu dầu tinh phục vụ cho nhu cầu nội địa. Một số nhà máy lọc dầu đã đi vào hoạt động như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn… nhưng mới chỉ cung cấp được khoảng 35% nhu cầu trong nước.  Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều… Theo OPEC, nhu cầu sử dụng nguồn nhiên liệu dầu khí ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, và đến năm 2025, nguồn cung sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu.

Sản lượng dầu khí khai thác hàng năm ở mức thấp, bình quân khoảng 24 triệu tấn. 5 tháng đầu năm 2012, PVN chỉ khai thác được 10,86 triệu tấn dầu khí. Trong khi đó, trữ lượng khai thác ở Việt Nam đang đứng thứ 4 về dầu mỏ và thứ 7 về khí đốt trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Theo BP, 2010), đồng thời đứng thứ 25 và 30 trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam có hệ số trữ lượng/sản xuất (R/P) rất cao, trong đó R/P dầu thô là 32,6 lần (đứng đầu khu vực Châu Á-TBD và thứ 10 thế giới) và R/P khí đốt là 66 lần (đứng đầu Châu Á - TBD và thứ 6 thế giới). Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển của ngành trong tương lai còn rất lớn.

Ngành dầu khí trong nước đang từng bước phát triển vững chắc. Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành mở rộng quy mô nâng công suất lên 9,5 triệu tấn/năm và ứng dụng công nghệ hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước. Khả năng khai thác được nâng cấp, kể từ năm 2010, PVN đã có những mỏ được khai thác ở mức sâu hơn 200m so với mực nước biển. Ngoài ra, Việt Nam còn liên doanh khai thác dầu khí ở các quốc gia khác như Cuba, Indonesia, Iran, Tuynidi, Myanmar, Lào, Campuchia, Công gô, Madagasca, Nga, Venezuela, Algeria và Malaysia.

Phân tích SWOT ngành

ĐIỂM MẠNH

ĐIỂM YẾU

- Thị phần dầu khí trong nước chiếm 35% nhờ kế hoạch phát triển và mở rộng hợp lý.

- Hoạt động trong ngành dầu khí đã được đồng bộ từ thăm dò và khai thác, phân phối, đến các dịch vụ liên quan đến dầu khí.

- Phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu thế giới.

- Do Nhà nước quản lí nên khả năng linh động thấp, tính ỷ lại cao.

- Nhân lực cũng như công nghệ chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của ngành.

CƠ HỘI

THÁCH THỨC

- Tiếp tục được sự bảo trợ của Nhà nước nên được hưởng nhiều ưu đãi.

- Thị trường tiêu thụ và tiềm năng khai thác còn rất lớn trong khoảng 60 năm tới.

- Chưa có nguồn năng lượng thay thế hoàn toàn do các nguồn năng lượng khác đòi hỏi đầu tư cao trong khi hiệu quả thấp; nguồn năng lượng hạt nhân bị phản đối vì hậu quả độc hại của chất thải phóng xạ.

- Trữ lượng dầu mỏ đang giảm do tốc độ khai thác cao hơn so với tốc độ thăm dò.

- Việc mở rộng thăm dò khai thác ra vùng biển sâu sẽ rất tốn kém, rủi ro.

- Việc mở rộng sang các lĩnh vực khác chịu sự cạnh tranh lớn do đối thủ cạnh tranh đã có kinh nghiệm lâu năm hơn.

- Kế hoạch tái cấu trúc PVN có ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp trong ngành.