Ngành nào có khả năng bứt phá trong năm 2014?

Theo ndh.vn

(Tài chính) "Nhiều khả năng sự bứt phá và nổi trội sẽ đến từ ngành Xây dựng cơ sở hạ tầng, Xuất khẩu và một số ngành phụ trợ cho hai ngành trên, do những ngành này được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng cho sự phục hồi tốt hơn của nền kinh tế trong năm 2014".

Ngành nào có khả năng bứt phá trong năm 2014?  - Ảnh 1
Ông Trần Minh Hoàng
Đó là nhận định của ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Thị trường - Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) khi trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu năm mới.

Phóng viên: Theo ông điều gì đã làm nên thành công của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2013?

Năm 2013, cả hai chỉ số đều có mức tăng khá mạnh, VN-Index tăng gần 22% trong khi HNX-Index cũng cộng thêm gần 19%. Bước nhảy vọt này trước hết đến từ những cải thiện tích cực của chính nền kinh tế vĩ mô trong nước. Sự ổn định đã được duy trì và đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá chỉ tăng 1%, lãi suất giảm mạnh. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách tích cực để giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản và các biện pháp giúp doanh nghiệp bớt khó khăn. GDP cả năm 2013 tăng 5,42% với điểm sáng đến từ lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong Quý IV.

Ngoài yếu tố từ phía nền kinh tế trong nước, những diễn biến thuận lợi hơn trên thế giới cũng đã có tác động tích cực lên TTCK trong nước. Trong năm 2013, nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Nhật, đưa ra các gói kích thích kinh tế. Theo đó dòng tiền đã tìm đến các thị trường biên và mới nổi hứa hẹn tỷ suất sinh lời cao. TTCK Việt Nam, trong bối cảnh có những dấu hiệu ổn định và tốt lên của nền kinh tế, đã thu hút được sự quan tâm của dòng vốn ngoại, thể hiện qua nhiều phiên mua ròng mạnh liên tiếp, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, tập trung nhiều ở các blue-chips và từ đó tạo sức nâng mạnh cho thị trường.

Ông dự báo như thế nào về xu hướng chính của TTCK Việt Nam trong năm 2014? Thị trường sẽ có những cơ hội đầu tư nào trong năm nay?

TTCK sẽ tiếp tục phản ánh những diễn biến của nền kinh tế trong năm 2014. Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và có sự phục hồi tốt hơn năm 2013, tôi cho rằng có đủ cơ sở để dự báo xu hướng tăng điểm là chủ đạo trong năm 2014.

TTCK cũng được kỳ vọng sẽ đón nhận một số thông tin tích cực quan trọng, nhiều khả năng sẽ tạo "cú hích" mạnh như nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài, việc ký kết hiệp định TPP.

Bên cạnh đó, với mặt bằng giá hiện vẫn đang ở mức thấp nhất và khá hấp dẫn nếu so với các nước khác trong khu vực, tôi cho rằng năm 2014, TTCK sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng vốn ngoại.

Như vậy, thời điểm hiện tại là hoàn toàn phù hợp cho việc giải ngân với mục tiêu đầu tư trung và dài hạn ở những nhóm ngành và cổ phiếu có triển vọng tốt.

Bên cạnh các nhóm ngành phòng thủ hoặc mang tính đặc thù như Hàng tiêu dùng và Dầu khí có thể sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả tốt, thì nhiều khả năng sự bứt phá và nổi trội sẽ đến từ ngành Xây dựng cơ sở hạ tầng, Xuất khẩu và một số ngành phụ trợ cho hai ngành này. Do những ngành này được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng cho sự phục hồi tốt hơn của nền kinh tế trong năm 2014.

Tuy nhiên, thị trường luôn tồn tại những rủi ro nhất định và trong quá trình đi lên của mình, thị trường chắc chắn sẽ có những biến động mạnh. Do đó việc tuân thủ kỷ luật cũng như lựa chọn thời điểm mua bán cần được cân nhắc kỹ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư ngắn hạn.

Năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam có là "điểm đến" hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài hay không?

Trong năm 2014, có một số lo ngại về việc dòng vốn ngoại sẽ rút khỏi các thị trường biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam, do ảnh hưởng từ việc FED thu hẹp dần quy mô gói QE3. Tuy nhiên tôi cho rằng, khả năng xảy ra điều này là thấp. Do FED đồng thời cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp hơn và nhiều khả năng sẽ đến hết 2014. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Nhật và châu Âu, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế. Như vậy, việc hiệu ứng dòng vốn “rẻ” sẽ tiếp tục tìm đến các thị trường biên và mới nổi trong năm 2014 là vẫn có cơ sở.

Tôi đánh giá TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại trong năm 2014. Sự hấp dẫn này trước hết đến từ sự ổn định của nền kinh tế trong Việt Nam trong năm 2014, đặc biệt là vấn đề lạm phát và tỷ giá. Thêm vào đó, nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp nói riêng cũng đang hứa hẹn một năm thành công hơn so với năm 2013 vừa qua.

Về yếu tố mặt bằng giá, chỉ số P/E của sàn HOSE vào cuối năm 2013 chỉ vào khoảng 12,5, vẫn đang thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. Với nhận định như vậy, tôi cho rằng một kịch bản tương tự như sau Tết dương lịch 2013 có thể sẽ lặp lại. Động thái mua ròng mạnh của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tập trung nhiều tại cổ phiếu vốn hóa lớn có cơ bản tốt và từ đó tiếp tục là một trong những động lực quan trọng cho đà tăng điểm của thị trường.

Thị trường hiện đang khá trông chờ vào việc thông qua chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, nếu được thông qua chính sách này sẽ có ảnh hưởng như thế nào?

Tôi kỳ vọng việc nới room dành cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thông qua ngay trong Quý 1/2014, tốt nhất là ngay trong tháng 1, do chu kỳ giải ngân của khối ngoại thường diễn ra vào đầu năm và SCIC đã lên kế hoạch thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán bắt đầu từ 2014. Khi đó, thị trường sẽ thêm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc dòng vốn ngoại được kích thích chảy vào thị trường sẽ góp phần giúp thị trường thêm động lực để đi lên trong cả ngắn và dài hạn.

Ông có thể đưa ra những dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2014?

Tôi kỳ vọng trong năm 2014 nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định. Tỷ lệ lạm phát cả năm 2014 được dự báo vào khoảng 6,5% trên cơ sở 3 yếu tố. Thứ nhất là sức cầu trong nước còn yếu, dù được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2014 nhưng sẽ khó có đột phá. Thứ hai là cung tiền được điều tiết tốt. Cuối cùng là diễn biến của lạm phát sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như giá điện, xăng dầu, gas, y tế, giáo dục… Nhưng việc tăng giá này được kỳ vọng sẽ diễn ra theo lộ trình, phù hợp với tình hình kinh tế trong nước để tránh gây sốc, theo đó khả năng đột biến mạnh là thấp.

Tỷ giá nhiều khả năng cũng sẽ được điều chỉnh tăng nhưng không quá 2%. Chúng tôi kỳ vọng, khi sự ổn định của nền kinh tế được duy trì tốt, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp (FDI và FII) sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Đồng thời việc thúc đẩy xử lý nợ xấu và kiểm soát tốt lạm phát giúp ổn định mặt bằng lãi suất sẽ là điểm tựa cho sự phục hồi tốt hơn của đầu tư tư nhân, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2014. Tăng trưởng GDP cả năm 2014 được dự báo vào khoảng 5,6%-5,7%.

Các doanh nghiệp sẽ phải đón nhận những thuận lợi và khó khăn gì?

Từ góc độ doanh nghiệp, năm 2014 vẫn sẽ là một năm khó khăn và thử thách do nền kinh tế cũng chỉ mới trong giai đoạn đầu của sự phục hồi và nhất là sức cầu trong nước còn khá yếu. Tuy nhiên, với một số tín hiệu phục hồi tích cực trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này nhiều khả năng sẽ nhận được những tác động tích cực.

Bên cạnh đó, với việc mặt bằng lãi suất hiện tại đã ở mức khá thấp, tương đương với thời kỳ năm 2005-2006 và khó có dư địa để giảm thêm, việc hưởng lợi từ giảm mạnh chi phí lãi vay sẽ không còn. Trong năm 2014, tôi cho rằng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính là tốc độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và những yếu tố cơ bản của chính bản thân doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp đã vượt qua thử thách trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, có thị phần và cơ sở khách hàng tốt cũng như chiến lược kinh doanh tốt sẽ tiếp tục là những doanh nghiệp nổi trội, mở rộng được sản xuất, tăng tính cạnh tranh và chiếm lĩnh thêm thị phần.

Theo ông, nếu hiệp định TPP được hoàn tất trong năm 2014, thì những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?

Tôi cho rằng những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi Việt Nam gia nhập TPP với ưu đãi về thuế suất ở mức rất thấp hoặc bằng 0 với các ngành chủ lực như thủy sản, may mặc, da giày và đồ gỗ nội thất. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này thì các doanh nghiệp kể trên cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ, đặc biệt là về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, độ an toàn, quy trình sản xuất, lao động, nguồn nguyên liệu đầu vào, tỷ lệ nội địa hóa…

Bên cạnh đó, do các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phần lớn có giá rẻ nên không ít mặt hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị áp các loại thuế phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá làm cho thuế suất ưu đãi của TPP không còn ý nghĩa.

Nhân dịp Tết đến, ông có lời chúc gì đến độc giả và những nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam?

Nhận dịp Tết đến Xuân về, tôi xin chúc các nhà đầu tư một năm mới sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng và luôn có những quyết định đúng đắn tại mọi thời điểm.

Xin cảm ơn ông!