Ngành ngân hàng cần cải cách hệ thống để lấy lại niềm tin


(Tài chính) Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và đã đạt được những thành quả nhất định.

Ngành ngân hàng cần vực dậy niềm tin trong dân chúng. Nguồn: internet
Ngành ngân hàng cần vực dậy niềm tin trong dân chúng. Nguồn: internet

Phóng viên: Ông bình luận gì về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2013?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể nói, năm 2013, NHNN đã rất linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và đã đạt được những thành quả nhất định:

Thứ nhất, NHNN đã rất thành công trong việc kiềm chế lạm phát ở mức rất thấp và giữ được sự ổn định tiền đồng.

Năm nay, lạm phát đạt mức 6,04%. Đây là điều được giới tài chính ngân hàng đánh giá cao nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN bởi nó được coi là mức lạm phát thấp nhất từ trước đến nay mà ít ai ngờ tới, khi chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam có thể đạt được.

Việc giữ ổn định đồng Việt Nam của NHNN được thể hiện qua 2 công cụ: lãi suất và vấn đề cung tiền. NHNN đã kéo được lãi suất quy đổi xuống, chẳng hạn kỳ hạn 6 tháng là 7% (trong khi năm 2011 lên tới 20%), đồng thời giữ được sự ổn định tiền đồng. Đây là vấn đề rất khó khăn, bởi nếu muốn giữ ổn định tiền đồng thì phải tăng lãi suất, trong khi NHNN đạt được mục đích là ổn định tiền đồng nhưng vẫn kéo được lãi suất giảm xuống. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là “điểm sáng” lớn nhất được ghi nhận trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2013.

Bên cạnh đó, trong vấn đề cung tiền, NHNN đã sử dụng công cụ OMO (Open Market Operation: dịch vụ thị trường mở), đó là thị trường mà phần lớn sản phẩm trong đó là trái phiếu của Chính phủ mua vào, bán ra. Khi NHNN muốn đẩy một lượng tiền vào lưu thông thì họ sẽ mua trái phiếu từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế. Ngược lại, nếu NHNN muốn hút tiền từ lưu thông vào thì họ bán trái phiếu ra để thu về tiền mặt. Qua công cụ OMO, NHNN đã rất nhịp nhàng trong việc sử dụng tiền tệ. Vì thế, năm qua lượng tiền đổ vào lưu thông nhiều nhất chính là từ thị trường mở.

Thứ hai, giảm lãi suất vừa là để ổn định tiền đồng vừa đảm bảo về mặt bằng lãi suất mà các doanh nghiệp phải trả cho các ngân hàng. Nếu như trước đây, lãi suất cho vay là 18 – 20%/năm thì nay xuống mức 9 – 11%/năm. Đây cũng là một thành quả trong điều hành tiền tệ của NHNN.

Thứ ba, NHNN đã thành công trong việc giảm dần và tiến tới loại bỏ hiện tượng “vàng hóa, đô la hóa” trong nền kinh tế.

Thứ tư, xử lý các ngân hàng yếu kém. Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã xử lý được 8/9 ngân hàng yếu kém. Cùng với đó việc thành lập VAMC cũng là một thành công đáng kể.

Sự ra đời của VAMC được ông xem là một thành công. Nhưng chỉ mình VAMC liệu có đủ sức để giải quyết bài toán nợ xấu hay không, thưa ông?

Có thể khẳng định, một mình VAMC không thể giải quyết hết bài toán nợ xấu. Bản thân VAMC cũng khẳng định: “Chúng tôi không phải là cây đũa thần”. Thực tế, lượng nợ xấu hiện tại vẫn còn là một ẩn số. Theo NHNN, nợ xấu chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ (hơn 3 triệu tỷ đồng), tức khoảng 150.000 tỷ đồng. Theo VAMC, họ có thể xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu chứ không phải toàn bộ. Ngoài VAMC, các ngân hàng phải tự xử lý bằng cách đã trích lập dự phòng rủi ro.

Trong tương lai, họ sẽ trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn nữa khi Thông tư số 02/2013/TT-NHNN của NHNN đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta không thể kì vọng 2014 là năm có thể giải quyết được tất cả những khoản nợ xấu. Thế nhưng, nếu VAMC vận hành tốt, các ngân hàng cũng tự xử lý nợ, thì tôi hi vọng, năm 2014 chúng ta sẽ xử lý nợ xấu một cách đáng kể.

Vấn đề đặt ra là VAMC phải vận hành như thế nào để xử lý nợ xấu. Hiện tại, VAMC mới chỉ có động thái là mang nợ xấu ra khỏi cơ thể ngân hàng rồi trao cho ngân hàng một lượng trái phiếu đặc biệt. Nhưng khoản nợ xấu mua về đó sẽ giải quyết ra sao là câu hỏi lớn đặt ra. Tôi cho rằng, để xử lý được vấn đề này trong những năm tới, chúng ta cần phải có một thị trường mua bán nợ.

Ở Mỹ, thị trường mua bán nợ không chỉ có nợ xấu, mà ngay cả nợ tốt cũng được chào bán. Chẳng hạn, một ngân hàng có nợ tốt nhưng vì vượt quá vốn pháp định được luật pháp cho phép nên họ vẫn phải bán nợ tốt đó đi; hay trường hợp các ngân hàng thay đổi chiến lược, không còn muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông dân thì họ sẽ bán nợ, mặc dù đó là nợ tốt. Bên cạnh đó, có những ngân hàng rất mặn mà trong việc mua nợ vì họ kinh doanh không tốt thì cách hay nhất là mua nợ tốt từ nhiều nơi khác để đẩy tài sản lên.

Vì thế, theo tôi, Việt Nam phải có thị trường mua bán nợ, kể cả nợ xấu và nợ tốt. Bởi khi có thị trường, các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể tham gia vào quá trình này. Thường các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua nợ xấu với 2 mục đích: một mặt họ mong có thể phục hồi con nợ để bán cho một nhà đầu tư khác kiếm lời; mặt khác, nếu nợ xấu khó phục hồi, họ vẫn có trong tay tài sản bảo đảm với một giá hời, rồi sau đó tìm cách thanh lý để kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra thuận lợi, luật pháp của chúng ta về tài sản, thanh lý tài sản, bất động sản, điều kiện người nước ngoài sở hữu tài sản của Việt Nam… cần phải được điều chỉnh thì các nhà đầu tư ngoại mới mạnh dạn bước chân vào thị trường xử lý nợ xấu.

Vấn đề sở hữu chéo hiện đang được các chuyên gia đánh giá như một ma trận. Là một người có kinh nghiệm công tác lâu năm trong ngành ngân hàng, ông có phương án xử lý nào cho vấn đề này?

Sở hữu chéo là trường hợp các thành phần kinh tế sở hữu lẫn nhau. Đây là hiện tượng bình thường ở tất cả mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngành ngân hàng, vấn đề sở hữu chéo trở nên hết sức nghiêm trọng. Sở hữu chéo dẫn đến tình trạng một thành phần kinh tế sở hữu nhiều ngân hàng và nó tạo ra tính độc quyền (về quyền lực tài chính cho cá nhân hoặc tổ chức). Và khi có độc quyền, người ta dễ lợi dụng ngân hàng để làm lợi cho bản thân.

Để ngăn ảnh hưởng của sở hữu chéo, để nền ngân hàng trở thành hệ thống tài chính lành mạnh, chúng ta phải rà soát lại các ngân hàng theo đúng quy định của NHNN. Chẳng hạn, NHNN cho phép ngân hàng A mua cổ phần của ngân hàng B với tỉ lệ nào đó nhưng không cho phép ngân hàng B sở hữu ngược lại ngân hàng A. Một cá nhân có thể sở hữu nhiều ngân hàng nhưng với một tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, những chồng chéo trong sở hữu hoàn toàn có thể loại bỏ được khi có sự giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Song song với đó, chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt trong thực hiện bởi tâm lý thường e dè khi “đụng” tới ngân hàng - những thế lực tài chính rất mạnh.

Hàng loạt các vụ tiêu cực diễn ra trong ngành ngân hàng thời gian vừa qua đã phần nào giảm sút niềm tin trong dân chúng, trong khi đây là một vấn đề quan trọng đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực này. Theo ông, hệ thống ngân hàng phải làm gì để lấy lại niềm tin cho người dân?

Rõ ràng thời gian qua, rất nhiều vụ tiêu cực diễn ra đã làm giảm uy tín của ngành ngân hàng. Hàng loạt vấn đề về sở hữu chéo, nợ xấu, bảo lãnh khống, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản… đã làm suy giảm lòng tin trong dân chúng với hệ thống ngân hàng. Thật ra những việc này đã xảy ra từ lâu, nhưng với sự suy thoái kinh tế thời gian qua, các sai phạm này càng nảy sinh nhiều hơn và cũng dễ nhận biết hơn.

Ngành ngân hàng muốn vực dậy niềm tin trong dân chúng là điều không hề đơn giản bởi nó cần rất nhiều thời gian. Tuy vậy, tôi cho rằng, dự án tái cấu trúc ngành ngân hàng cũng sẽ là đóng góp rất lớn cho vấn đề này.

Theo tôi, những vấn đề sau đây là khâu quan trọng để tạo lại niềm tin cho dân chúng:

Thứ nhất, cần nhanh chóng giải quyết bài toán nợ xấu bởi đây không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của các ngân hàng mà còn là mối quan tâm của người dân và toàn xã hội khi gửi tiền vào đó. Bên cạnh công cụ VAMC, các ngân hàng phải chấn chỉnh để tự xử lý nợ xấu qua trích lập dự phòng rủi ro, thanh lý tài sản thế chấp… Thế nhưng, vấn đề quan trọng đặt ra là các ngân hàng phải có những biện pháp ngăn ngừa để hạn chế tối đa tình trạng nợ xấu mới phát sinh.

Thứ hai, mặc dù một số ngân hàng đã thực hiện các quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhưng vẫn còn mang tính hình thức. Các quy tắc đó phải được thực hiện với sự giám sát chặt chẽ để làm sao cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng luôn biết đặt quyền lợi của ngân hàng và của khách hàng lên trên tất cả. Đó mới là điều quan trọng.

Thứ ba, các dịch vụ ngân hàng phải được cải tiến mạnh mẽ, chẳng hạn dịch vụ ATM luôn phải cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống, đồng thời để dân chúng dù biết phải trả thêm phí dịch vụ nhưng bù lại họ được hưởng nhiều tiện ích.

Thứ tư, cách thức phục vụ của nhân viên ngân hàng phải mang tính chuyên nghiệp, phải biết đặt quyền lợi và sự quan tâm của khách hàng lên hàng đầu; trong xử thế, cần có sự nhã nhặn, tận tâm đối với khách hàng.

Nói chung hệ thống ngân hàng cần lấy lại niềm tin qua việc cơ cấu lại hệ thống và sự cải cách của mỗi ngân hàng cũng như từng cán bộ, nhân viên. Chỉ có một sự hợp tác của tất cả các đối tượng như thế mới mong lấy lại niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng.

Ông dự đoán gì về xu hướng hoạt động của hệ thống tài chính, tiền tệ trong năm 2014?

Hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm 2014 có hai nhiệm vụ:

Thứ nhất, cần duy trì những kết quả đạt được trong năm 2013 như ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá, lãi suất…  

Thứ hai, phải có bước phát triển mạnh mẽ hơn thông qua việc cung cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, tái tổ chức ngành ngân hàng…

Vì thế trong năm 2014, trách nhiệm của ngành ngân hàng có lẽ còn nặng nề hơn năm 2013 bởi vừa duy trì những điều đạt được trong năm 2013 đồng thời phải có những bước đột phá.

Tôi cho rằng, năm 2014, chính sách tiền tệ nên đặt trọng tâm vào vấn đề tăng trưởng, phát triển. Chúng ta vẫn đặt nhiệm vụ giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng cũng đã đến lúc nên thúc đẩy tăng trưởng thông qua giảm lãi suất và đẩy mạnh tín dụng. Năm 2014, theo tôi nên thả nổi vấn đề lãi suất, hãy để cung cầu trên thị trường tự vận hành cho đến khi đạt được mức lãi suất quân bình.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 2 - 2014