Ngành ngân hàng sẽ phát triển đột phá

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

"Sự trải nghiệm của khách hàng" sẽ được lựa chọn làm kim chỉ nam cho việc phát triển; Tính minh bạch và năng lực quản trị ngân hàng ngày càng cao; Chất lượng tài sản tăng, đặc biệt có ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Chiến lược phát triển của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới. Nguồn: Internet
Chiến lược phát triển của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới. Nguồn: Internet

Đó là nhận định của một số chuyên gia ngành ngân hàng về Chiến lược phát triển của ngành ngân hàng trong giai đoạn tới. Theo đó, ngành ngân hàng đang chuyển dần trọng tâm từ "tái cơ cấu" sang nâng cao "sức khỏe" hội nhập quốc tế.

Kỳ vọng tươi sáng

Hầu hết các chuyên gia tài chính-ngân hàng đều thừa nhận, ngành ngân hàng đang có những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện. Những thay đổi đó không chỉ đến từ nhu cầu tái cơ cấu hệ thống, mà còn là thay đổi để đáp ứng sự phát triển hội nhập của nền kinh tế, những quy định quốc tế. Hơn nữa, thay đổi đó còn nhằm mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của chính bản thân mỗi ngân hàng.

Ông Nirukt Sapru, Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định sau một thời gian tái cơ cấu, hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên gọn gàng hơn, những yếu tố nền tảng cơ bản của các ngân hàng đã được cải thiện.

Theo ông Nirukt Sapru, thời gian tới, chất lượng tài sản sẽ được cải thiện hơn nhờ sự tăng cường giám sát của các cơ quan quản lý, đặc biệt là nhờ các chính sách mới được ban hành lên ngang tầm các nền kinh tế đang phát triển khác.

"Đến năm 2020 sẽ có sự tiến bộ đáng kể trong việc tuân thủ các nguyên tắc của Basel II và Basel III. Điều này giúp cải thiện tính minh bạch và năng lực quản trị trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam", ông Nirukt Sapru kỳ vọng.

Dưới góc độ một chuyên gia ngành ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quá trình tái cơ cấu làm cho số lượng các ngân hàng giảm đi, nhưng chất lượng tăng lên.

Xu hướng gia tăng của các định chế tài chính trên thị trường chuyên biệt buộc các ngân hàng phải đa dạng hóa kênh bán hàng, trong đó "sự trải nghiệm của khách hàng" sẽ được lựa chọn làm kim chỉ nam cho việc phát triển. Khách hàng sẽ được trải nghiệm những dịch vụ hiện đại thông qua các kênh như Internet Banking, Mobile Banking, trung tâm giao dịch hay Live Banking mà TPBank đang áp dụng…

Ngoài ra, nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý chặt chẽ hơn sẽ giúp môi trường đầu tư của ngân hàng minh bạch, rõ ràng hơn. Từ đó, việc đưa các ngân hàng đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và sự đầu tư vào ngân hàng có xu hướng tăng trong thời gian tới, nâng tầm vóc ngân hàng Việt trong khu vực.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ- TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ba ngân hàng tầm cỡ khu vực

Cụ thể, giai đoạn 2018-2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đặc biệt, phấn đấu có ít nhất 1-2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD, nợ xấu đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Ngoài ra, từ năm 2021- 2025, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2-3 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Trong giai đoạn này, mục tiêu đặt ra cho tất cả các NHTM đều áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và tiếp tục triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao.

Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh" để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh; Tăng tỷ trọng tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025, hệ thống các TCTD hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN. Tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030.