Ngành quản lý quỹ đầu tư: Hướng tới chu kỳ phát triển mới

Ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc công ty VFM, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam

(Tài chính) Năm 2012 là năm khó khăn nhất trong các năm kể từ khi hình thành thị trường chứng khoán (TTCK). Ngành quản lý quỹ Việt Nam cũng năm trong bối cảnh chung và cũng chịu tác động trực tiếp.

Ngành quản lý quỹ bị tác động ra sao?

Thứ nhất, các quỹ đều đứng trước áp lực rút vốn: Các quỹ tới thời hạn giải thể đã không thể kéo dài được thời gian tồn tại. Việc khan hiếm vốn tại các doanh nghiệp đồng thời làm tăng áp lực rút vốn và làm suy giảm đáng kể cơ hội huy động vốn vào các quỹ.

Thứ hai, tài sản ủy thác của khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý danh mục đầu tư có sự suy giảm đáng kể. Việc tăng cường quản lý họat động của các ngân hàng đã dẫn tới việc suy giảm này và tất yếu có sự ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của các công ty quản lý quỹ.

Thứ ba, bắt đầu diễn ra quá trình thanh lọc đối với các công ty quản lý quỹ. Đã xuất hiện các công ty quản lý quỹ không đảm bảo được hệ số an toàn tài chính song song với việc số lượng các công ty quản lý quỹ có kết quả kinh doanh âm tăng lên đáng kể so với năm 2011.

Thứ tư, quá trình triển khai các sản phẩm mới không khả quan. Các quỹ đang được chuẩn bị hình thành đều có quy mô vốn ban đầu nhỏ và mức độ quan tâm của người đầu tư các nhân tới các sản phẩm quỹ là rất thấp.

Các phân tích gần đây về tình hình thị trường và lòng tin kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung. TTCK sẽ tiếp tục chịu các tác động không tích cực và khó có thể có sự tăng trưởng mạnh do không có sự hỗ trợ từ dòng tiền đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn trong xu hướng tiếp tục suy giảm so với năm 2012. Có thể thấy các vấn đề sau sẽ có ý nghĩa lớn đối với ngành quản lý quỹ đầu tư trong năm 2013:

Thứ nhất, các quỹ mở hình thành và hoạt động. Tuy quy mô nhỏ và mục tiêu đầu tư chưa đa dạng nhưng các quỹ này sẽ tạo tiền đề và xây dựng được hạ tầng cần thiết cho một chu kỳ phát triển mới của Ngành.

Thứ hai, tiếp tục có sự thanh lọc đối với công ty trong Ngành.

Thứ ba, đầu tư vốn cá nhân (private equity) tiếp tục phát triển và thu hút vốn từ nước ngoài.

Thứ tư, hình thành các ưu đãi cần thiết để phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư. Đặc biệt các ưu đãi liên quan tới quỹ hưu trí sẽ tạo tiền đề rất lớn cho loại sản phẩm này.

Năm 2013 cũng là năm sẽ có sự vận động tích cực từ các thành viên của câu lạc bộ các công ty quản lý quỹ cho việc chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển mới với định hướng cung cấp các sản phẩm đầu tư dài hạn dựa trên nền tảng quỹ mở. Nếu các sản phẩm phục vụ hưu trí được hình thành sẽ mở ra một giai đoạn mới cho việc phát triển chung của Ngành.

Những việc cần làm ngay

Với tinh thần cùng nhau vượt qua năm 2013, nỗ lực hình thành nên các nền tảng cho giai đoạn phát triển mới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xem xét các vấn đề sau nhằm góp phần phát triển ngành Quản lý quỹ.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới quỹ mở và các mô hình quỹ như ETF, REIT, đặc biệt là các quy định liên quan tới quỹ hưu trí.

Thứ hai, có các chương trình đào tạo và lãnh đạo sự phối hợp với các công ty quản lý quỹ để tiến hành đào tạo  cho người đầu tư về các mô hình quỹ mở và quỹ hưu trí. Công việc này đòi hỏi thời gian, đầu tư và có sự thống nhất cao nên không thể thực hiện được từ góc độ một công ty quản lý quỹ. Việc triển khai đào tạo người đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng tới việc thành công của sản phẩm quỹ mở. Các thành viên câu lạc bộ công ty quản lý quỹ sẽ tích cực tham gia vào chương trình đạo tạo do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức dưới nhiều hình thức để góp phần vào sự phát triển chung của thị trường.

Thứ ba, có các định hướng cần thiết cho các công ty quản lý quỹ và các tổ chức cung cấp dịch vụ tham gia vào việc xây dựng các sản phẩm đầu tư phục vụ hưu trí.

Thứ tư, tiếp tục có các chính sách tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư vào quỹ thông qua chính sách thuế và quản lý đầu tư.

Trong năm 2013, thị trường sẽ có sự ổn định hơn. Điều này tạo tiền đề cho các công ty quản lý quỹ có thể huy động được các quỹ mới. Trong giai đoạn 2012-2015, sự phát triển của ngành Quản lý quỹ sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai thành công quỹ mở và các quỹ hưu trí.

Hy vọng với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, các công ty quản lý quỹ sẽ có được các tiền đề và khuôn khổ pháp lý phù hợp để có thể phát triển các sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu của người đầu tư, từ đó đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển Thị trường chứng khoán  năm 2013