Ngành Quản lý quỹ góp phần phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2017
Tiến trình hình thành và phát triển ngành Quỹ Đầu tư trên thế giới trong nhiều năm qua đã dần khẳng định được vai trò quan trọng đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng. Ở Việt Nam, ngành Quản lý quỹ còn tương đối non trẻ, chỉ mới bắt đầu trong hơn 10 năm trở lại đây.
Quỹ đầu tư chứng khoán (quỹ ĐTCK) đã ra đời và hình thành ở châu Âu từ những năm đầu của thế kỷ 19 và ở Mỹ vào năm 1924. Tiến trình hình thành và phát triển ngành Quỹ trên thế giới trong nhiều năm qua đã dần khẳng định được vai trò quan trọng đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, quỹ ĐTCK đã trở thành kênh đầu tư hiệu quả thay thế cho kênh tiết kiệm ngân hàng, đồng thời cũng đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc giữ cho TTCK phát triển ổn định và bền vững.
Ở Việt Nam, ngành Quản lý quỹ còn tương đối non trẻ, chỉ mới bắt đầu trong hơn 10 năm trở lại đây. Với nỗ lực xây dựng ngành Quản lý quỹ lớn mạnh, góp phần cho sự phát triển của TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính đã xây dựng khung pháp lý cho ngành Quỹ đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các loại hình quỹ ra đời theo từng bước phát triển của hệ thống khung pháp lý và hoàn toàn trùng khớp với các bước phát triển của ngành Quỹ trên thế giới.
Ngành Quỹ khởi đầu với các mô hình quỹ thành viên, quỹ đóng có phương thức vận hành tương đối đơn giản cho các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) triển khai nghiệp vụ quản lý quỹ trong thời gian đầu thành lập công ty. Năm 2011, khung pháp lý về hoạt động quỹ mở ra đời chính là bước ngoặt trong sự phát triển của ngành Quỹ. Thực tế trên thế giới cho thấy, quỹ mở chiếm phần lớn số lượng các quỹ đầu tư trên thị trường. Bên cạnh đó, quỹ mở cũng chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết TTCK với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ.
Trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, UBCKNN đã không ngừng đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của thị trường quỹ. Năm 2016, UBCKNN đã xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung của khung pháp lý để phát triển hoạt động của quỹ mở, cụ thể: bổ sung các loại tài sản quỹ được phép đầu tư; sửa đổi hạn mức đầu tư để phát triển quỹ trái phiếu, quỹ chỉ số; mở rộng hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ và Thông tư số 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nhằm mở cửa thị trường, tự do hóa các giao dịch theo đúng các cam kết quốc tế.
Năm 2017, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 134/2017/TT-BTC (thay thế Thông tư số 87/2013/TT-BTC) hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK, theo đó sẽ cho phép giao dịch trực tuyến đối với chứng chỉ quỹ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào quỹ.
Mặc dù hành lang pháp lý đã được xây dựng đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng việc phát triển ngành Quản lý quỹ ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn thị trường trầm lắng 2011 - 2016.
Thứ nhất, văn hóa và thói quen đầu tư của người Việt Nam là tự đầu tư kinh doanh thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp bởi các chuyên gia tài chính; đồng thời trong thời gian đầu phát triển ngành Quỹ, hiệu quả đầu tư của các quỹ chưa cao, chưa thu hút được nhà đầu tư.
Thứ hai, chính sách thuế của Việt Nam hiện nay chưa có ưu đãi đối với các quỹ ĐTCK.
Kinh nghiệm phát triển ngành Quỹ của các nước trên thế giới cho thấy, ưu đãi thuế là điểm ưu việt nổi trội để phát triển các quỹ ĐTCK, phát triển nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Ở các thị trường như Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Australia, Luxembourg, các quỹ đầu tư được miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn và các nhà đầu tư tham gia vào quỹ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lợi tức từ quỹ.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2017 cũng đã ghi nhận những bước phát triển nổi bật của ngành Quỹ. Cụ thể như sau:
Hoạt động của các CTQLQ
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường có 45 CTQLQ đang hoạt động bình thường, 04 công ty thuộc dạng tái cấu trúc. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2017 của các công ty đang hoạt động là khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng tài sản các CTQLQ đang quản lý đạt hơn 223 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 46% so với thời điểm 31/12/2016 (xem Bảng 1).
Doanh thu của các CTQLQ đạt trên 1.200 tỷ đồng với tổng lợi nhuận là 444 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2016. ROA và ROE của toàn ngành Quỹ tăng gấp đôi so với năm 2016, lần lượt đạt mức 10,32% và 11,20%. Hầu hết các CTQLQ có thị phần lớn là CTQLQ trực thuộc tập đoàn bảo hiểm, ngân hàng thương mại hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK).
Hoạt động quản lý danh mục
Tính đến cuối năm 2017, các CTQLQ thực hiện quản lý 386 hợp đồng quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng, với tổng giá trị các danh mục ủy thác đầu tư là hơn 208 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với thời điểm ngày 31/12/2016. Tài sản của nhà đầu tư ủy thác được các công ty đầu tư chủ yếu vào các loại tài sản có mức thu nhập ổn định như trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu niêm yết.
Trong số 208 nghìn tỷ đồng giá trị danh mục ủy thác đầu tư, 03 công ty trực thuộc các tập đoàn bảo hiểm lớn là Eastspring, Bảo Việt, Manulife quản lý 137 nghìn tỷ đồng. Qua đó, các CTQLQ đã dần phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các định chế tài chính có nhiều vốn khả dụng, góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính.
Hoạt động quản lý quỹ
Năm 2007, thị trường chỉ có 16 quỹ ĐTCK (hầu hết là các quỹ thành viên) với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt mức 15.353 tỷ đồng. Vào thời điểm trước năm 2007 chưa có quy định về việc đầu tư vốn nhà nước, do vậy có khá nhiều tập đoàn/ tổng công ty nhà nước tham gia vào các quỹ thành viên với số vốn lớn. Đến nay, các quỹ thành viên có vốn nhà nước hầu hết đã thực hiện giải thể, đảm bảo mục tiêu thoái vốn nhà nước khỏi các quỹ đầu tư theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ.
Trong các năm từ cuối 2009 đến 2014, giai đoạn thị trường trầm lắng, NAV của các quỹ liên tục giảm, mức thấp nhất là 6.391 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2014. Đây là giai đoạn các quỹ đầu tư có sự tái cấu trúc mạnh mẽ, hàng loạt các quỹ thành viên, quỹ đóng thực hiện giải thể, thị trường quỹ dần được thay thế bằng các thế hệ quỹ mới hiện đại theo thông lệ quốc tế.
Trước đó, hầu hết các quỹ hoạt động trên thị trường là quỹ thành viên, chỉ có 4 quỹ đóng đại chúng, chiếm khoảng 17% số lượng quỹ. Đến năm 2014, thị trường đã có 17/25 quỹ đại chúng, hoạt động theo mô hình quỹ mở với phương thức huy động vốn linh hoạt, tăng cường tính minh bạch và an toàn cho tài sản của quỹ, theo đúng các chuẩn mực về đầu tư của loại hình quỹ UCITS của Luxembourg.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có thêm 7 quỹ mới thành lập, trong đó bao gồm 03 quỹ thành viên, 04 quỹ mở. Đây là số lượng quỹ thành lập mới trong năm cao nhất trong 10 năm gần đây; đồng thời NAV của các quỹ tăng nhanh, tổng NAV tăng 91% và bình quân NAV của một chứng chỉ quỹ tăng 26% so với thời điểm 31/12/2016. Tính đến tháng 12/2017, có 36 quỹ DTCK huy động từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên TTCK Việt Nam, bao gồm 10 quỹ thành viên, 22 quỹ mở, 02 quỹ ETF, 01 quỹ đóng và 01 quỹ bất động sản (xem Bảng 4).
Các quỹ mở có sự tăng trưởng đột biến về NAV phần lớn là nhờ hoạt động phát hành thêm chứng chỉ quỹ, qua đó có thể nhận thấy sự ưu việt trong cơ chế hoạt động của quỹ mở: chứng chỉ quỹ mở có tính thanh khoản cao và nhà đầu tư có thể tham gia vào quỹ bất cứ khi nào, tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, nhiều quỹ mở ban đầu có mức huy động khá khiêm tốn, chỉ khoảng 60 tỷ đồng, nhờ hoạt động đầu tư có hiệu quả, tạo được lòng tin của nhà đầu tư đã huy động được thêm số vốn đáng kể. Đến cuối năm 2017, có thể kể đến các quỹ như: Quỹ VFF tăng từ 50 tỷ đồng lên 747 tỷ đồng; Quỹ TCBF tăng từ 60 tỷ đồng lên 1.953 tỷ đồng; Quỹ ETF VFMVN30 tăng từ 202 tỷ đồng lên 2.749 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần.
Đến nay, số lượng nhà đầu tư tham gia vào quỹ mở là khoảng 19 nghìn nhà đầu tư, có thể thấy hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về quỹ ĐTCK cho các nhà đầu tư đã đạt được thành công nhất định, qua đó ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào quỹ. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư tham gia vào quỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ số lượng các nhà đầu tư tham gia trên TTCK - khoảng 1,9 triệu nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, như vậy dư địa cho các quỹ đầu tư phát triển cả về số lượng nhà đầu tư và số vốn huy động là tương đối lớn.
Về chất lượng đầu tư của các quỹ, có thể thấy rằng trong năm 2017, các CTQLQ đã thực hiện quản lý đầu tư có hiệu quả, hầu hết các quỹ có mức sinh lời cao hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Qua đó, các quỹ đã dần khẳng định vai trò là kênh đầu tư có hiệu quả thay thế kênh tiền gửi tiết kiệm. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân của một chứng chỉ quỹ đạt 26%, nhiều quỹ có mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 50%, điển hình là các quỹ ETF VFMVN30, BVFED, VFMVF4, VFMVF1 (xem Bảng 5).
Hiện nay, có 03 loại hình quỹ đại chúng đang hoạt động trên thị trường là quỹ đóng, quỹ mở và quỹ ETF. Trong năm qua, quỹ ETF có mức tăng trưởng bình quân một chứng chỉ quỹ đạt mức 57%, sau đó là đến quỹ đóng và quỹ mở, lần lượt đạt mức tăng 37% và 25%. Kết quả kinh doanh ấn tượng của quỹ ETF là dấu hiệu tích cực để tiếp tục nghiên cứu xây dựng các loại hình khác như quỹ Synthetic ETF và Leveraged ETF.
Xu hướng năm 2018
Cùng với sự phát triển của TTCK trong năm qua, năm 2018 dự báo sẽ là một năm tiếp tục phát triển mạnh của ngành Quản lý quỹ. Ngay trong nửa đầu tháng 01/2018, đã có thêm 02 quỹ đại chúng được cấp phép thành lập và 01 quỹ đang thực hiện chào bán ra công chúng. Quỹ mở vẫn sẽ là loại hình quỹ chính trên thị trường do những đặc tính nổi trội vốn có và khả năng đa dạng, phong phú, dễ thiết kế sao cho phù hợp với khẩu vị của từng đối tượng nhà đầu tư mà quỹ dự kiến hướng tới.
Loại hình quỹ đầu tư bất động sản REITS cũng đang được 03 CTQLQ nghiên cứu và dự kiến triển khai trong thời gian tới. Năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Đến nay, đã có 01 CTQLQ nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; dự kiến triển khai thành lập quỹ hưu trí sau khi có Thông tư hướng dẫn thỏa ước giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Trong năm 2018, UBCKNN sẽ hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, theo đó một số nội dung về CTQLQ và quỹ ĐTCK sẽ được sửa đổi để tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành Quỹ trong tương lai.