Ngành Tiêu dùng: Được mùa M&A

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Năm 2012, báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen cho thấy ngành này vẫn đạt mức tăng trưởng đến 23%, cao nhất khu vực châu Á.

Ngành Tiêu dùng: Được mùa M&A
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bên cạnh tài chính ngân hàng, ngành hàng tiêu dùng là một trong những tâm điểm của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trong vài năm gần đây. Vì sao?

Tăng trưởng cao là yếu tố đầu tiên khiến doanh nghiệp ngành này lọt vào tầm ngắm M&A. Đã có lúc ngành hàng tiêu dùng đạt mức tăng trưởng đến hơn 30%. Năm 2012, dù kinh tế khó khăn khiến sức mua giảm, nhưng báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen cho thấy ngành này vẫn đạt mức tăng trưởng đến 23%, cao nhất khu vực châu Á.

Trên thực tế, các doanh nghiệp trong ngành đều có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm qua. Công ty Kinh Đô (KDC), chẳng hạn, vẫn đạt mức tăng 30% lợi nhuận sau thuế. Năm rồi, doanh nghiệp này đã bán 10% cổ phần cho Glico, một công ty bánh kẹo của Nhật. Còn theo báo cáo tài chính của Cholimex, đơn vị dẫn đầu thị trường tương ớt trong nước, từ năm 2009-2011, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty đã tăng trưởng hơn 30%/năm. Công ty này cũng đã bán 19% cổ phần cho Nichirei Foods của Nhật hồi đầu năm qua.

Sự ổn định của thị trường hàng tiêu dùng cũng là một yếu tố đáng quan tâm khác. Hàng tiêu dùng không có kiểu lợi nhuận tăng đột biến như ngân hàng hay chứng khoán. Tuy nhiên, đổi lại, ngành này có mức độ tăng trưởng tương đối cao và đều đặn bất chấp khủng hoảng kinh tế (hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thì ai cũng phải sử dụng dù kinh tế tốt hay xấu đi). Hiện nay, ngành tiêu dùng càng được chú ý, vì không ai có thể biết rằng khó khăn kinh tế đến khi nào mới chấm dứt.

Theo Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, mức tăng trưởng khả quan về nhu cầu tiêu dùng ở một thị trường gần 90 triệu dân cũng khiến các thương hiệu lớn nước ngoài muốn chen chân vào. Thương vụ Carlsberg mua lại 50% trong liên doanh với Công ty Habeco là một ví dụ. Theo StoxPlus, mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam tính theo đầu người năm 2010 chỉ chừng ½ của Indonesia hay Hàn Quốc. Trong khi đó, nhu cầu đối với sản phẩm này ngày một tăng nhanh.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nói chung đều có dòng tiền tốt. Đây là ngành có người tiêu dùng cuối cùng là khách hàng cá nhân. Do đó, dòng tiền không bị tắc hay bị rủi ro thất thu như một số ngành khác.

So với một số ngành được mua nhiều trong vài năm gần đây, hàng tiêu dùng đang có xu hướng mua chi phối (trên 49%). Điều này đến từ lợi thế không bị hạn chế tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi một số ngành thì bị hạn chế như ngành ngân hàng (30%).

Ngoài những yếu tố trên, ngành hàng tiêu dùng được quan tâm trong thời gian qua cũng do có giá thấp.

Những khó khăn tài chính dẫn đến việc các loại tài sản tại Việt Nam bị định giá thấp. Tính đến ngày 26.4.2012, có đến 75% cổ phiếu tại sàn TP.HCM và 87% cổ phiếu tại sàn Hà Nội được giao dịch với mức giá dưới giá trị sổ sách (P/B < 1). Nhiều công ty nước ngoài đã nắm lấy cơ hội này để mua tài sản giá rẻ tại Việt Nam. Theo thống kê của StoxPlus, P/E (giá/lợi nhuận) của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam năm 2011 là khoảng 13 lần, trong khi của Trung Quốc gần 49 lần và Thái Lan 23 lần.

Không ít thương vụ M&A trong ngành hàng tiêu dùng vừa qua nằm trong xu hướng này. Thương vụ Kinh Đô bán 10% cổ phần cho Glico năm ngoái được xác định với mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Tính trên lợi nhuận của Kinh Đô năm 2011 thì P/E là 22 lần. Giá này cao hơn gần gấp đôi giá trị thị trường thời gian đó, nhưng thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình trong khu vực Đông Nam Á.

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất với vai trò người mua là Nhật. Đây là quốc gia đã thực hiện số thương vụ và giá trị M&A với các doanh nghiệp Việt Nam nhiều nhất. Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc StoxPlus, nhận xét: “Sở thích của người Nhật là các công ty nhỏ và vừa tại Việt Nam”.

Từ tháng 1.2011 đến tháng 3.2012, các công ty Nhật đã thực hiện 30 thương vụ với tổng giá trị tương đương 1 tỉ USD, đứng đầu về đầu tư vào Việt Nam thông qua M&A.

Đứng thứ hai sau Nhật là các nhà đầu tư Trung Quốc với khoảng 4 thương vụ trong cùng thời gian trên. Đáng chú ý, chỉ có thương vụ Công ty Thức ăn Chăn nuôi C.P. Pokphand mua lại C.P. Việt Nam với giá hơn 600 triệu USD. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thương vụ có thể được giấu kín bằng cách ủy quyền sở hữu cho các cá nhân Việt Nam hoặc Trung Quốc thực hiện.