Nghị định 24 và “những cơn điên loạn” trên thị trường vàng

Nguyễn Thị Thúy Hằng - Kho bạc Nhà nước Ba Đình

Trong 3 năm gần đây (2009-2011), thị trường vàng Việt Nam rất hỗn loạn, giá vàng “nhảy múa” không theo một quy luật nào. Để đưa thị trường vàng vào khuôn khổ, Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng chính thức đã được ban hành và có hiệu lực từ 25/5/2012.

Nghị định 24 và “những cơn điên loạn” trên thị trường vàng
Hiện nay đã không còn hiện tượng người người, nhà nhà rủ nhau đi buôn vàng. Nguồn:Internet

Ngay khi ra đời, Nghị định đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng, sau một năm nhìn lại, dù còn không ít hoài nghi, nhưng những kết quả bước đầu cho thấy, cũng có những khía cạnh đúng đắn của Nghị định này. 

Giải mã “những cơn điên loạn” của vàng trong quá khứ

Những ngày đầu tháng 8/2011, phố Trần Nhân Tông - nơi tập trung nhiều cửa hàng vàng tại Hà Nội, lúc nào cũng đông như trẩy hội. Đó là thời điểm cơn sốt vàng năm 2011. Trong suốt những ngày này, thị trường vàng trong nước lần đầu tiên xuất hiện cảnh “người người, nhà nhà rủ nhau đi buôn vàng”.

Thậm chí, theo thống kê của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vào sáng ngày 9/8, lượng khách đến mua vàng chiếm tới 93,2%, trong khi người bán chỉ là 7%. Và, cũng chỉ sau đó một ngày, tức là phiên giao dịch sáng ngày 10/8, khi giá vàng giảm 1,7 triệu/lượng so với phiên giao dịch chiều ngày 9/8, vẫn với cảnh tượng kinh hoàng đó, nhưng chỉ có điều là người ta lại đổ dồn đi bán vàng.

Trong khi quay cuồng với chuyện bán – mua vàng, không biết bao nhiêu nhà đầu tư đã phải ôm hận, khi phải mua giá cao, bán giá thấp. Một khối lượng tài sản lớn của nhà đầu tư đã bị “bốc hơi” theo giá vàng.

Đó chỉ là một trong những điển hình cho sự biến động của giá vàng và những cơn sốt trong các năm 2009, 2010 và 2011. Sự hỗn loạn của thị trường vàng khi đó đã khiến nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phải gọi đó là “những cơn điên loạn”. Trong bản Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2011, dự báo 2012, CIEM đã dành hẳn 1 mục điểm lại những cơn này để nói về sự hỗn loạn của thị trường vàng và cho đây là một trong những điểm nổi cộm của kinh tế năm 2011.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến động mạnh mẽ của vàng. Trên thế giới, giá vàng liên tục tăng cao và đồng đô la mất giá so với đồng tiền khác. Ở trong nước, những năm qua, Việt Nam luôn duy trì lạm phát cao, khiến tiền đồng mất giá, cùng với đó là các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn đã khiến người dân quay sang vàng đề tìm nơi trú ẩn an toàn. Tâm lý đó được cộng hưởng với tình trạng đầu cơ, thiếu minh bạch của thị trường và tác động tâm lý cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy giá vàng tăng cao.

Sự  hỗn  loạn  của  thị  trường  vàng  không  chỉ  phản  ánh  động  thái  chung của thị trường thế giới, mà còn liên quan đến sự thao túng “làm giá” hay những chiêu gây nhiễu và tạo sóng của giới đầu cơ. Tuy giá vàng không nằm trong “rổ hàng hóa” tính CPI, nhưng sự tăng giá lại có ảnh hưởng trực tiếp đến CPI qua tác động tâm lý đến tăng giá nhiều loại mặt hàng khác.

Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đồng đô la Mỹ bị mất giá, dòng vốn tập trung cao vào thị trường vàng đã làm cho cầu vàng tăng cao, trong khi cung bị hạn chế do phụ thuộc vào hạn ngạch nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước và tâm lý đầu cơ của nhà đầu tư. Cầu lớn hơn cung đã làm cho giá vàng trong nước tăng cao hơn rất nhiều so với vàng thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng diễn ra mạnh mẽ, làm cầu ngoại tệ trên thị trường tự do tăng và góp phần làm tỷ giá thị trường tự do tăng. Vòng luẩn quẩn này, một mặt, gây áp lực phá giá đồng nội tệ, mặt khác, gây áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng để xử lý tình thế, nên rất dễ rơi vào duy ý chí, tùy tiện.

Cứ như vậy, vòng xoáy vàng - ngoại tệ lặp đi, lặp lại góp phần gây nên tình trạng bất ổn tăng cao. Những chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng trước khi có Nghị định 24 như nhập khẩu vàng, dẹp bỏ sàn giao dịch vàng ảo hay kinh doanh vàng miếng mới là những giải pháp mang tính chất ngắn hạn, đòi hỏi phải có những phương thức quản lý mới tuân theo các nguyên tắc của thị trường.

Vì sao, dân lại "yêu" vàng?

Với tâm thức người Việt Nam, vàng, bạc, đá quý là của quý, là tài sản, là minh chứng cho sự giàu có của người sở hữu. Còn ở góc độ lời - lãi như cách hiểu nôm na của người dân hay góc độ kinh tế của người chuyên nghiệp, thì có 2 nguyên nhân vàng được lựa chọn.

Một là, vàng không chỉ là kim loại có giá trị, mà còn có tính thanh khoản cao. Vì vậy, đến nay, vàng vẫn được coi là tài sản tốt, giữ giá trị, có thể tận dụng vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là so với các loại hàng hóa cơ bản, thì vàng là loại hàng hóa có độ biến động ngắn hạn rất lớn. Các yếu tố tác động đến vàng có cả ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, những chấn động kinh tế tại Việt Nam cũng gắn rất chặt với chấn động giá vàng. Đó là lý do chung.

Hai là, Việt Nam là đất nước có độ đô la hóa, vàng hóa cao, gắn với hành vi có tính truyền thống của người Việt, nên chấn động của vàng thế giới luôn ảnh hưởng đến biến động vàng trong nước. Khi đó, Việt Nam lại gặp phải 2 vấn đề: (i) Thông tin và giải trình chưa tốt trong lúc xã hội bức xúc; (ii) Bất ổn vàng vẫn gắn với bất ổn vĩ mô. Cộng với bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn, thì thị trường phải tìm nơi trú ẩn vào các tài sản có giá trị như vàng. Tình huống này lại rơi vào những giai đoạn bất ổn vĩ mô không chỉ “rình rập”, mà đã trở thành căn bệnh của Việt Nam với lạm phát cao, các cân đối vĩ mô bị phá vỡ… cộng hưởng với chấn động vàng từ bên ngoài vào.

Với tâm thức vàng là tài sản quý và là nơi trú ẩn an toàn, nên khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành, ngay lập tức đã tạo ra tâm lý phản ứng tức thời lo vàng bị Nhà nước quản lý. Bởi, theo Nghị định, Nhà nước sẽ chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.

Với Nghị định 24, Chính phủ chính thức nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp và mọi hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép… Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (i) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; (2) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên; (3) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 02 năm liên tiếp gần nhất.

Nghị định lại được ban hành vào thời điểm thế giới liên tục có những cơn chấn động giá vàng, lại gặp bối cảnh trong nước bất ổn vĩ mô, lạm phát cao, chính vì thế đã có những ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã quá tham vọng với Nghị định 24. 

Nghị định 24 - cách làm tốt, nhưng cần nhiều cải thiện

Thực tế đã cho thấy, việc thực hiện Nghị định 24 đã đưa giá vàng trong nước theo chiều diễn biến của giá vàng thế giới, tăng cùng tăng, giảm cùng giảm.

Rõ ràng Nghị định 24 đưa ra là có ý đồ dài hạn, từ chỗ quản vàng tiền để giảm vàng hóa và đô la hóa, theo đó dòng vốn từ tích trữ vàng sẽ phải hướng vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn còn cách một khoảng so với giá vàng thế giới, chưa về được mức chênh lệch như mong muốn ngay. Để sớm bình ổn thị trường Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành nhiều hành động, cụ thể là:

- Khẳng định việc Nhà nước thống nhất về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC của người dân, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định chặt chẽ để thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang vàng miếng SJC. Để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, chuyển đổi, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thực hiện việc tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng khối lượng nhập khẩu. Quy trình tạm xuất, tái nhập được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31/03/2013.

- Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng can thiệp thị trường vàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Nguồn vàng bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Nhìn chung, những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện Nghị định 24 và nỗ lực chống vàng hoá đã dần có được những bước tiến ban đầu được thể hiện qua những mặt sau:

Trước hết, giá vàng trong nước đã có những diễn biến cùng chiều tăng cùng tăng, giảm cùng giảm với giá vàng thế giới. Điều này cũng đã được minh chứng trong thời gian qua.

Thứ nữa, một trong những điểm nhấn quan trọng tại Nghị định 24 là tại khoản 6 - Điều 19 quy định rõ 7 hành vi vi phạm, trong đó có sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Dù trước đó nhiều ý kiến e ngại sẽ khó thực hiện quy định cấm thanh toán bằng vàng vì tập quán này tồn tại từ lâu đời. Với việc thực hiện Nghị định 24, cùng với thanh tra kiểm tra gắt gao của Ngân hàng Nhà nước, việc thanh toán bằng vàng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, đã giảm rất nhiều, những niêm yết công khai hoàn toàn chấm dứt. Đây có thể coi là bước đột phá trong đề án chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, việc tạm tách thị trường vàng hiện nay thành 2 nhóm, vàng miếng tạm gọi là “vàng tiền” vì vàng rất gần tiền và một loại nữa là vàng trang sức, ý đồ của Ngân hàng Nhà nước là độc quyền sản xuất vàng tiền. Vì thế, việc mua bán trên thị trường cũng để thị trường lưu thông với những điều kiện nhất định, không cởi mở như ngày xưa. Còn vàng ít gần tiền hơn là vàng trang sức, thì cho tự do, chỉ giám sát chất lượng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, Nghị định 24 và nỗ lực chống vàng hoá của Ngân hàng Nhà nước là bước đi đúng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chống vàng hóa, về vấn đề kỹ thuật là không hề đơn giản. Đầu tiên là những kỹ thuật để xử lý, và một loạt điều Nghị định 24 đặt ra như đổi mới cách quản lý, kỹ thuật, mặc dù chưa đầy đủ, ví dụ sàn vàng quốc gia, cách huy động, cách chơi để liên thông vàng Việt Nam và thế giới, rồi hệ thống minh bạch hóa thông tin... Chưa nói tới cách chơi trên thị trường này gắn với một loạt vấn đề như tỷ giá, cung tiền đồng… Bên cạnh đó, cần có thêm các công cụ huy động vàng, kết nối vàng thế giới, vàng tài khoản…

Đặc biệt, cần phải xem xét phản ứng của thị trường. Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần phải giải trình rõ cho thị trường về tất cả ý đồ, bước đi. Vì khi có phản ứng thị trường, thì có thể có điều chỉnh cần thiết, do chúng ta đang thí điểm. Nhất là khi ở đây, không chỉ là câu chuyện đối với vàng, mà còn gắn với việc lưu thông của cung tiền, của dự trữ ngoại hối với thị trường, rồi các quyết định nhập vàng, tung vàng ra và gom vàng vào. Vì thế, phải lựa theo phản ứng thị trường để điều chỉnh cách quản lý sao cho phù hợp và linh hoạt.

Cải cách bao giờ cũng có thời kỳ quá độ, vì thế việc thực hiện Nghị định 24 cũng không tránh được những khó khăn và cả những sự chưa đồng thuận ban đầu. Vậy nên, việc minh bạch giải trình để người dân hiểu đúng là cực kỳ quan trọng./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2012). Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, ban hành ngày 3/4/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012

2. Hồ Quốc Tuấn (2012). Chọn cách ứng xử với giá vàng, Tuổi trẻ cuối tuần, truy cập tại http://tuoitre.vn/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/515771/Chon-cach-ung-xu-voi-gia-vang.html

3. Hồng Dung (2013). Nghị định 24- một năm nhìn lại, Đầu tư chứng khoán, truy cập tại http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJDBGD/nghi-dinh-24:-mot-nam-nhin-lai.html