Nghịch lý những cổ phiếu tăng nóng

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Tăng trần suốt 10-20 phiên liên tiếp hay lên giá gấp đôi, gấp ba trong vòng một tháng, nhiều cổ phiếu nhỏ đang trở thành "hàng nóng" trên sàn, trong khi kết quả kinh doanh của bản thân doanh nghiệp lại không thật sự lạc quan.

Nghịch lý những cổ phiếu tăng nóng
Nhiều cổ phiếu nhỏ đang trở thành "hàng nóng" trên sàn. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong vòng một tháng qua, khi Vn-Index giữ khá vững mốc 500 điểm. Khối lượng khớp lệnh từng phiên cũng có lúc tăng đột biến với hơn 100 triệu cổ phiếu, trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hoặc trung bình, khiến nhiều mã có thị giá tăng mạnh từ 50% đến trên 100% và liên tiếp kịch trần.

Theo thống kê, từ 1/11 đến 28/11, hai sàn chứng khoán có gần 40 cổ phiếu tăng giá trên 50%. Một số mã như VNH, VPC, PXM, SGT, DRH còn có số lượng phiên tăng kịch trần cao nhất sàn.

Dẫn đầu số này là VPC của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam khi giá cổ phiếu tăng trên 200%. Phiên giao dịch ngày 28/11, mã này vẫn tiếp tục tăng hết biên độ, đánh dấu phiên chạm trần thứ 14 liên tiếp và đạt 5.000 đồng. Mới đây, công ty cũng có văn bản giải trình lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc tăng nóng của cổ phiếu và cho rằng đây là vấn đề do cung-cầu trên thị trường, hoàn toàn không liên quan đến doanh nghiệp.

Ngoài VPC, cổ phiếu VNH của Công ty cổ phần Thủy sản Việt Nhật cũng đem lời cao về cho nhà đầu tư nhờ tăng hơn 190% thị giá trong suốt gần một tháng qua. Không chỉ vậy, mã này cũng đạt kỷ lục tăng trần cao nhất sàn với 24 phiên liên tiếp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, VNH đạt 7.900 đồng một cổ phiếu nhưng khối lượng giao dịch thấp, chưa đầy 6.000 chứng khoán. Các mã còn lại như PXM, KMR, SGT, DRH, LUT, TKU cũng có khối lượng giao dịch chỉ khoảng vài trăm nghìn cổ phiếu trong khi giá vẫn liên tục tăng cao.

Xét về kết quả hoạt động, tình hình kinh doanh của Thủy sản Việt Nhật có phần sáng sủa khi lãi quý III đạt 6,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đến 30/9, công ty giảm hơn 34 tỷ đồng dư nợ và không có hàng tồn kho. Còn Công ty cổ phần Mirae (Mã CK: KMR) cũng có lãi sau thuế tăng mạnh 9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 11,9 tỷ đồng trong quý III.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp này chỉ là thiểu số, trong khi đa phần các các công ty  có cổ phiếu tăng mạnh khác đều thua lỗ hoặc giảm lãi trong quý III và 9 tháng đầu năm. Chẳng hạn đối lập với mức tăng giá cổ phiếu mạnh nhất sàn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam lỗ sau thuế quý III 358 triệu đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 3,34 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ  giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 30/9, nợ phải trả tăng thêm một tỷ đồng so với hồi đầu năm, lên 51 tỷ đồng.

Theo lý giải từ công ty, hoạt động chính của doanh nghiệp là thu phí từ đào tạo và sát hạch lái xe. Tuy nhiên, lĩnh vực này năm nay gặp khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế cùng tác động từ chính sách của Nhà nước, cộng thêm chi phí tăng cao dẫn đến lợi nhuận quý III giảm mạnh.

Còn Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Trung (Mã CK: PXM) lại thu lãi gần 8 tỷ đồng trong quý III. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, doanh nghiệp này vẫn đang chịu khoản lỗ lên tới 113 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý III giảm gần 70% so với cùng kỳ, nợ phải trả tại ngày 30/9 đạt trên 650 tỷ đồng.

Công ty Xây lắp Dầu khí miền Trung cho biết, khoản doanh thu trong kỳ kém lạc quan là do một loạt các dự án nằm trong kế hoạch từ giữa năm 2012 như nhà máy điện Thái Bình 2 hay Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng vẫn chưa được triển khai. Dù vậy, kết quả kinh doanh thua lỗ này dường như không làm cổ phiếu PXM của công ty kém hấp dẫn trong giới đầu tư khi mã này kịch trần hơn 10 phiên liên tiếp gần đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, giá PXM xuống sàn lần đầu tiên sau 11 phiên kịch trần liên tiếp, đạt 1.700 đồng một cổ phiếu nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 700 đồng hồi đầu tháng. Hiện mã này giao dịch trong trạng thái bị kiểm soát và chỉ được mua-bán trong 15 phút cuối của đợt xác định giá đóng cửa.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp khác có giá cổ phiếu tăng nóng báo lãi, nhưng số lợi nhuận này chỉ đạt vài trăm triệu đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, Mã CK: SGT) báo lãi hơn 500 triệu đồng trong quý III. Cùng kỳ năm trước, công ty từng lỗ gần 180 tỷ đồng. Dù vậy tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Saigontel chỉ đạt 1,85 tỷ đồng, tương đương 2% kế hoạch năm (87,13 tỷ đồng).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, cổ phiếu SGT tiếp tục tăng hết biên độ, đánh dấu phiên thứ 11 chạm trần liên tiếp. Giá mã này hiện là 3.100 đồng một cổ phiếu, tăng 75% so với thời điểm cách đây một tháng.

Đại diện Saigontel cho rằng yếu tố khiến cổ phiếu SGT kịch trần lâu như vậy là do các thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh. Ngoài ra, “có thể một số nhà đầu tư đã nắm trước thông tin về kế hoạch kinh doanh sắp tới của công ty và đặt nhiều kỳ vọng nên mới đầu tư vào cổ phiếu SGT”, đại diện này đánh giá.

Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh cụ thể vẫn chưa được đại diện Saigontel tiết lộ.Vị này cũng khẳng định thêm chuyện cổ phiếu SGT không gây tác động nào đến hoạt động hiện thời của Saigontel.

Theo chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội, nguyên nhân khiến hàng loạt cổ phiếu tăng nóng liên tiếp nhiều khi không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

“Thời gian qua, những cổ phiếu vốn hóa lớn, có sức khỏe tốt tăng gia nhưng sau đó lại đi ngang một giai đoạn dài khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà. Vì vậy, họ buộc phải tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu khác”, ông cho biết.

Với một số mã bị giảm giá quá đà và trở nên thấp so với giá trị doanh nghiệp, nếu nhận thấy những cổ phiếu này có dấu hiệu tăng, nhà đầu tư sẽ chú ý mua. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo trường hợp cổ phiếu tăng trần liên tiếp nhưng kết quả kinh doanh lại không lạc quan.

“Kết quả kinh doanh bê bết suốt nhiều quý, giá cổ phiếu của công ty vẫn tăng mạnh có thể do sức tác động của những nhà đầu cơ nhằm hút dòng tiền của những nhà đầu tư khác. Do vậy, đến một lúc nào đấy khi các mã này tăng quá đà, tự khắc nó sẽ rơi tự do và có thể mất thanh khoản”, ông nhận định.

Theo chuyên gia này, khi trở thành trào lưu, giá cổ phiếu có thể tăng liên tục như các mã trên. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng với những mã như vậy bởi nó hàm chứa rủi ro cao, chuyên gia này cho biết.