Nghịch lý thanh khoản?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Năm 2014 còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc, nhưng thanh khoản trên cả 2 sàn đã vượt trội so với cả năm 2013. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chỉ phục thuộc vào một số ít mã.

Nghịch lý thanh khoản?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thị trường khởi sắc

Kể từ đầu năm 2014 đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có những khoảng thời gian hoảng loạn như hồi đầu tháng 5 do “sự kiện biển Đông”, nhưng nhìn chung, TTCK Việt Nam đã có 1 năm khởi sắc. Trong năm đã đánh dấu VN-Index vượt đỉnh 5 năm và chứng kiến những phiên có thanh khoản lên tới 400 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.600 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Tính đến phiên hôm qua (20/11), VN-Index tăng 17,58%, gần bằng mức tăng 21,97% của năm 2013; HNX-Index thậm chí còn tăng tới 33,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng 18,83% của năm 2013. Điểm số từ nay đến cuối năm có thể thay đổi do diễn biến thị trường luôn có nhiều điều bất ngờ, tuy nhiên, về thanh khoản, có thể khẳng định là vượt trội so với năm trước. Tính tới thời điểm này, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE tăng 66% và tổng giá trị giao dịch tăng 76% so với cả năm 2013. Trên HNX, thanh khoản thậm chí còn tăng vọt khi các mức tăng lần lượt là 314% và 520%.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Quang Hợp, Trưởng nhóm Phân tích, CTCK SHS cho biết, nguyên nhân thanh khoản tăng mạnh là do tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và có chiều hướng tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, do sự cải thiện về hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết và một yếu tố quan trọng liên quan tới dòng vốn giá rẻ được duy trì do các đợt điều chỉnh lãi suất liên tục từ đầu năm tới nay, giúp TTCK được hưởng lợi từ xu hướng này.

Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK VNDirect, thanh khoản thị trường năm nay tăng còn do có nhiều cổ phiếu mới lên sàn, nhiều công ty tăng vốn, làm tăng lượng cổ phiếu lưu hành như FLC, KLF, FIT, VHG... Các mã này trước đây có thanh khoản bình thường, nhưng sau các đợt tăng vốn, thanh khoản tăng mạnh. Bên cạnh đó, các mã vốn có thanh khoản cao trước đây như ITA, KBC, SSI... duy trì được giao dịch sôi động, góp phần đẩy thanh khoản thị trường tăng.

Nghịch lý?

Dù thanh khoản thị trường chung tăng mạnh, nhưng thanh khoản này chủ yếu tập trung ở một số ít mã. Trên HOSE, riêng các mã FLC, VHG, ITA, KBC, OGC, SSI, HQC, SAM đã chiếm xấp xỉ 50% thanh khoản toàn sàn, trong khi đó, trên HNX, hơn 50% thanh khoản do sự đóng góp của một nhóm nhỏ cổ phiếu như KLF, PVX, SHB, SCR, FIT...

Cụ thể, thanh khoản trung bình từ đầu năm tính tới nay của FLC là 11,66 triệu đơn/phiên, dẫn đầu toàn thị trường, tiếp sau là PVX với 8,8 triệu đơn vị/phiên, ITA 7,46 triệu đơn vị/phiên, SHB 5,63 triệu đơn vị/phiên, KLF 4,73 triệu đơn vị/phiên, HQC hơn 4 triệu đơn vị/phiên. Ngoài ra, còn phải kể đến các mã như SAM, OGC, IJC, HAR…

Trong nhóm này, PVX có nguy cơ hủy niêm yết từ đầu năm và nguy cơ này chỉ giảm dần sau báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014 đột biến. HQC, ITA, SAM cũng có các chỉ số không mấy tích cực khi hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của HQC là 0,4%, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 1,2%, P/E cơ bản 60,6 lần. Các chỉ tiêu cơ bản này của ITA lần lượt là 1,1%, 1,5% và 52,4 lần; SAM là 2,3%, 2,9% và 23,9 lần.

Trong khi đó, có những mã có chỉ số cơ bản tốt như DSN, NNC, WCS, FDC, NTP, VNM, GAS với ROA từ 20% trở lên, ROE từ hơn 30%, P/E cũng ở mức hấp dẫn, lại có thanh khoản rất nhỏ giọt, với tổng khớp trung bình dưới 10.000 đơn vị/phiên, thậm chí WCS chỉ đạt 947 đơn vị/phiên.

Lý giải về hiện tượng này, ông Du cho biết, có một số lý do. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp năm nay có lợi nhuận tăng mạnh, nhưng lại đến từ các yếu tố thiếu bền vững, như bán tài sản… vì thế khó tạo bước đột phá về giá, cũng như sự quan tâm của NĐT. Thứ hai, những mã cơ bản tốt thường được các NĐT giá trị, các tổ chức nắm giữ với mục đích đầu tư dài hạn nhận cổ tức, nên ảnh hưởng tới thanh khoản. Tiếp nữa, các mã này thường ít có “sóng”, trong khi với các mã thanh khoản thấp thì thường không được các CTCK đưa vào danh sách giao dịch margin, nên không hấp dẫn NĐT ngắn hạn.

Đồng quan điểm, ông Hợp cho biết, các mã có thị giá thấp, giá trị vốn hóa nhỏ thông thường có hệ số Beta cao, biến động giá trong ngắn hạn của các mã này rất lớn. Do vậy, thu hút được dòng tiền đầu cơ cho các giao dịch ngắn hạn. Ngược lại, các mã có thị giá cao, vốn hóa lớn thông thường là các mã được các tổ chức nắm giữ với số lượng lớn và đầu tư mang tính lâu dài, độ ổn định cao, biến động thấp, nên dòng tiền đầu cơ thường không hoạt động tích cực. Vì thế, thanh khoản tại nhóm các cổ phiếu này thường không cao.