Ngoại tệ bớt trôi nổi

Theo thoibaonganhang.vn

Công cụ lãi suất trong chính sách tiền tệ đã gián tiếp huy động nguồn ngoại tệ trong xã hội vào nền kinh tế và giảm được tình trạng đô-la hóa, vàng hóa nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường ngoại tệ trật tự hơn

Bà Huệ, chủ một chuỗi cửa hàng thu đổi ngoại tệ cho Eximbank ở khu vực đường Đồng Khởi (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tỷ giá VND/USD do Nhà nước niêm yết thời gian này chênh lệch không lớn so với mức giá trên thị trường tự do nên thị trường ngoại tệ trầm lắng.

Do đó, thu đổi các loại ngoại tệ cho khách du lịch đến Sài Gòn cũng thuận tiện hơn, không như trước kia canh giá không khéo, sáng mua của du khách giá cao, chiều bán cho ngân hàng giá thấp, lỗ lãi ăn hết vào doanh số.

Theo quy định hiện hành đại lý ủy nhiệm thu đổi ngoại tệ của ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được đổi ngoại tệ cho dân cư và khách du lịch chứ không được bán ngoại tệ ra thị trường. Trong khuôn khổ quy định mỗi NHTM lại thực hiện dịch vụ ủy nhiệm cho các bàn thu đổi ngoại tệ với các hình thức khác nhau, trung bình mỗi đại lý một tháng bán lại cho NHTM ủy nhiệm từ 200.000-300.000 USD. 

Như tại TP. Hồ Chí Minh đến nay có 96 đại lý thu đổi ngoại tệ do NHTM ủy nhiệm (tăng 7 điểm so với năm 2016). Trong đó có 46 điểm ở các cơ sở du lịch, 17 điểm ở sân bay, 31 điểm ở các trung tâm thương mại, 2 đại lý tại điểm trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, quy định chung các đại lý NHTM ủy nhiệm thu đổi cho phép tỷ lệ tồn quỹ trong ngày 2.000 USD tại những điểm khách sạn, trung tâm thương mại… có đông người nước ngoài.

Riêng khu vực sân bay, hải cảng thì đại lý thu đổi theo doanh số thực tế phát sinh trong ngày. Tỷ lệ tồn quỹ 2.000 USD này để các đại lý ủy nhiệm thu đổi ngoại tệ cho du khách ngoài giờ hành chính khi ngân hàng đã đóng cửa. 

“Các thời điểm đại lý thu đổi ngoại tệ hoạt động đông khách nhất và có doanh số cao vào những ngày nghỉ lễ, chủ nhật và buổi tối. Bởi với tình hình tỷ giá ổn định và phòng giao dịch ngân hàng mở rộng khắp như hiện nay nhiều du khách cũng vào ngân hàng đổi ngoại tệ” – ông Minh nói. 

Một lượng ngoại tệ chuyển sang tiền gửi

Thị trường ngoại tệ Việt Nam có một yếu tố tâm lý rất cao. Điển hình, trước năm 2012 khi chưa có Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, mỗi khi giá vàng quốc tế biến động, giới kinh doanh lập tức gom USD nhập vàng về hưởng chênh lệch.

“Khi một lượng ngoại tệ bị thu gom trên thị trường đẩy giá tăng, người dân và cả doanh nghiệp có tâm lý thủ thế giữ USD lại chờ tỷ giá tăng, gây khan hiếm USD giả tạo gây áp lực lên tỷ giá hối đoái” – một chuyên gia ngân hàng Standard Chartered tại TP. Hồ Chí Minh nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ giá trở nên ổn định trong ba bốn năm trở lại đây do thị trường vàng đã bị loại bỏ yếu tố giá. Đặc biệt, chính sách lãi suất USD 0% đã trực tiếp loại bỏ yếu tố đô la hóa trong hoạt động thanh toán trong đời sống dân sinh.

Những hợp đồng cho thuê, mua bất động sản, hàng hóa trên thị trường hiện nay đã không còn quy ra USD hoặc vàng miếng như một cách bảo toàn giá trị như trước đây. “Việc lập hợp đồng niêm yết bằng ngoại tệ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 96 về quản lý ngoại hối, thậm chí mua bán ngoại tệ bất hợp pháp còn bị xử lý hình sự” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Có thể nói tình trạng đô-la hóa trong xã hội những năm gần đây đã có những kết quả nhất định, khi thị trường vàng miếng không còn giao dịch tự do như trước đây mà tập trung mua bán tại các đại lý do nhà nước cấp phép.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, lượng USD trôi nổi trên thị trường trong những năm qua đã không còn phục vụ cho đầu cơ vàng. Trong đó ngoại tệ chuyển hóa mua nhà đất, một lượng lớn chuyển sang dạng tiền gửi tiết kiệm VND hoặc tiền gửi ngoại tệ trong ngân hàng, nâng tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng liên tục tăng lên trong 5 năm trở lại đây.

Chẳng hạn, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD ở TP. Hồ Chí Minh năm 2012 vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng thì hiện nay lên hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2017 nguồn vốn huy động bằng VND của các TCTD trên địa bàn chiếm 87% tổng nguồn vốn huy động; huy động ngoại tệ của các TCTD con số tuyệt đối (quy đổi) khoảng 229.000 tỷ đồng (tăng 3,63% so với cuối năm 2016) dù rằng chính sách lãi suất ngoại tệ 0%.

Bên cạnh đó, hiện nay các NHTM đang cho vay vốn ngoại tệ (lãi suất 2,7%-4,2%/năm) nhưng giải ngân bằng VND để các doanh nghiệp thu mua tôm, cá, cà phê, hồ tiêu… chế biến xuất khẩu. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ hoán đổi được hưởng lãi suất thấp cam kết bán ngoại tệ lại cho ngân hàng khi tiền hàng xuất khẩu trở về.

Tỷ giá ổn định giúp những doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ tái tạo đã giảm được chi phí lãi vay bằng một nửa so với lãi suất cho vay VND, góp phần tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Từ đó, tạo cung ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, đồng thời các NHTM Nhà nước có điều kiện tham gia mua trái phiếu Chính phủ phát hành bằng ngoại tệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn ngoại tệ của xã hội đã được chuyển qua kênh ngân hàng cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục tái tạo ngoại tệ cho NHTM đầu tư dài hạn vào trái phiếu Chính phủ.

Điều đó, cho thấy công cụ lãi suất trong chính sách tiền tệ đã gián tiếp huy động nguồn ngoại tệ trong xã hội vào nền kinh tế và giảm được tình trạng đô-la hóa, vàng hóa nền kinh tế. Ủng hộ quan điểm chống đô-la hóa của Chính phủ trong nhiều năm qua, TS. Trần Du Lịch cho rằng “một quốc gia có chủ quyền phải sử dụng đồng bản tệ như một minh chứng chủ quyền kinh tế của quốc gia đó”.