Ngừng giao dịch, hủy niêm yết các vi phạm nghiêm trọng

Theo Đầu tư CK

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm của các cổ đông nội bộ của tổ chức niêm yết và các tổ chức, cá nhân liên quan không báo cáo.

Ngừng giao dịch, hủy niêm yết các vi phạm nghiêm trọng
Bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)
Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp mạnh để răn đe các hành vi vi phạm về công bố thông tin trên thị trường, bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho biết:

Các văn bản pháp lý là Thông tư 09 và nay là Thông tư 52 hướng dẫn đã quy định khá đầy đủ, chi tiết nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của tổ chức niêm yết. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về những quy định này.

Tuy nhiên, các vi phạm về công bố thông tin của các đối tượng là cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người liên quan tại các công ty niêm yết vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm của các cổ đông nội bộ của tổ chức niêm yết (thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, kế toán trưởng) và các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) khi thực hiện giao dịch và không công bố thông tin.

Tuy nhiên, đa số trường hợp vi phạm có khối lượng giao dịch không lớn, từ vài ngàn đến vài chục ngàn cổ phiếu. Trong đó, có rất nhiều trường hợp vi phạm lần đầu, do thiếu hiểu biết, đặc biệt những đối tượng là người có liên quan (anh, chị em...) của cổ đông nội bộ công ty niêm yết; nhiều trường hợp ủy quyền cho người thân thực hiện giao dịch nên không biết phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin về giao dịch.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phân loại các vi phạm theo nhiều cấp độ để có thể xử phạt chính xác và phù hợp.

Thưa bà, liệu quy trình giám sát có vấn đề?

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn thiện lại quy trình phối hợp giám sát, xử lý vi phạm. Hiện nay, việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán phải tuân theo quy trình chặt chẽ.

Theo đó, Sở GDCK là đơn vị giám sát tuyến đầu về giao dịch và công bố thông tin của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan dựa trên các thông báo, báo cáo kết quả giao dịch mà các đối tượng này đã công bố, các dữ liệu giao dịch tại Sở GDCK và các dữ liệu khác.

Cách thức giám sát này theo thông lệ quốc tế hiện nay là thực hiện hậu kiểm, nên không phát hiện vi phạm ngay tức thời. Sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, Sở GDCK yêu cầu đối tượng giải trình, cung cấp các tài liệu liên quan và báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo bà, làm cách nào để có thể giảm tối thiểu vấn đề này?

Ngoài việc gia tăng hoạt động thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về công bố thông tin thì việc áp dụng các khung hình phạt cao hơn cũng đã được tính đến. Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt bằng tiền lên tối đa là 100 triệu đồng.

Đối với vi phạm của tổ chức niêm yết, ngoài việc tăng mức phạt tiền, dự thảo còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là buộc hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch đối với tổ chức niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu các Sở GDCK cần có các biện pháp xử lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, cổ đông nội bộ và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung Quy chế niêm yết, giao dịch của Sở GDCK để có cơ sở áp dụng các biện pháp như: tạm đình chỉ giao dịch đối với các đối tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người có liên quan có hành vi vi phạm nhiều lần, tái phạm.

Đối với tổ chức niêm yết có thể áp dụng các biện pháp nhắc nhở (đối với vi phạm lần đầu), cảnh báo trên toàn thị trường hoặc đưa vào diện bị kiểm soát (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần), tạm ngừng giao dịch, hủy niêm yết (đối với trường hợp tái phạm, vi phạm có tính chất mức độ nghiêm trọng hoặc không khắc phục được tình trạng bị kiểm soát).