Người Việt “phóng tay” vay tiêu dùng

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Chưa bao giờ, vay tiêu dùng lại dễ dàng đến như vậy, vì vậy bất chấp lãi vay cao, nhiều người vẫn đổ xô đi vay tín chấp để mua điện thoại, tivi, máy tính, thậm chí là làm đẹp, du lịch.

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng đa dạng. ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng đa dạng. ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đáng nói, đối tượng xét cho vay khá rộng và đa dạng không chỉ là những người đi làm hưởng lương, mà đã nở rộ sang cả sinh viên, hộ kinh doanh nhỏ, tiểu thương có sạp hàng trong chợ... cũng có thể vay tiền.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Khách hàng chưa có thu nhập, hoặc thu nhập thấp có nhu cầu mua sắm rất chuộng các công ty tài chính vì mức độ tiện lợi: Không cần chứng minh thu nhập, quy trình xét duyệt nhanh chóng. Thậm chí ngày nay, khách hàng cũng có thể trả tiền góp thông qua các công ty công nghệ tài chính (fintech) hiện đại như Momo hay Payoo.

Chị Thanh Thủy (nhân viên văn phòng) cho hay, điều kiện cho vay của công ty tài chính ngày càng nới dần. Trước đây, chị vay mua điện thoại phải đến công ty để làm thủ tục, thì nay chỉ cần ngồi nhà cũng được giải ngân.

“Tôi không cần đến công ty mà giao dịch trực tuyến, có thể nhận tiền mặt tại ngân hàng hoặc bưu điện chỉ trong vòng 90 phút”, chị Thủy kể.

Được một công ty tài chính mời vay tiêu dùng với lãi suất ban đầu thấp, thủ tục nhanh gọn, không phải thế chấp nên ông Nguyễn Văn Hiếu (Hà Nội) đã vay 60 triệu đồng của công ty này để sắm nội thất cho căn hộ chung cư mới mua.

“Thời hạn vay là 1 năm, thủ tục vay chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu và bản chứng minh thu nhập không thế chấp. Trong vòng 1 buổi sáng, kể từ khi ký hợp đồng, tôi đã nhận được tiền. Tuy nhiên, lãi suất thì cao hơn nhiều so với vay ngân hàng, lên đến gần 40%”, ông Hiếu nói.

Mỗi tháng, ông Hiếu phải trả cả gốc và lãi 5,3 triệu đồng. Tháng nào trả chậm sẽ bị phạt 500.000 đồng/lần. Tính ra, với số tiền vay 60 triệu đồng, sau 12 tháng ông Hiếu phải trả hơn 70 triệu.

Thực tế cho thấy, vay tiêu dùng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Lợi ích của vay tiêu dùng là không thể phủ nhận khi phục vụ đời sống, giải quyết không ít những khó khăn của người dân, đặc biệt tầng lớp công nhân, lao động phổ thông góp phần quan trọng giảm thiểu “tín dụng đen”.

Chính vì nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng, khiến thị trường bùng nổ, tạo nên một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các thành viên trên thị trường tài chính. Số lượng công ty tài chính trong năm 2017 đã tăng gần gấp 3 so với giai đoạn trước.

Chạy đua sản phẩm

Ban đầu các công ty tài chính cạnh tranh bằng thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, sau đó lan rộng từ điểm bán sang các chính sách ưu đãi và hiện nay “cuộc chiến” chuyển sang việc đa dạng các sản phẩm.
Trước đây, tín dụng tiêu dùng được hiểu là cho vay mua xe, mua nhà, mua điện thoại, ti vi, máy tính...

Tuy nhiên, các sản phẩm này đã trở nên bão hòa và đã đến lúc, các công ty tài chính tiêu dùng tìm kiếm những thị trường mới.

Khảo sát thị trường cho vay tiêu dùng có thể thấy nhiều công ty và tổ chức tín dụng đã mở rộng sang lĩnh vực làm đẹp, du lịch...

Hiện nay, nhiều thẩm mỹ viện đã kết hợp với một số ngân hàng, công ty tài chính triển khai chương trình: Thẩm mỹ trả góp, như bệnh viện Thẩm mỹ Hàn Quốc đã kết hợp cùng 3 ngân hàng HSBC, Techcombank và Sacombank triển khai chương trình “Thẩm mỹ trả góp lãi suất 0%”, áp dụng cho 3 tháng đầu.

Một số tổ chức tín dụng đang kết hợp với các công ty du lịch bán tour trả góp. Theo đó, người dân khi mua tour kiểu này chỉ cần thanh toán trước 30% là có thể khởi hành. Số tiền còn lại sẽ trả vào các tháng tiếp theo sau đó.

Cụ thể, Vietravel có chương trình mua tour trả góp lãi dành cho chủ thẻ tín dụng quốc tế của Sacombank khi mua tất cả các tour trị giá từ 5 triệu đồng, với lãi suất vay từ 2%/6 tháng.

Hay, công ty Du lịch Festival kết hợp với công ty Tài chính TNHH HD SAISON cho khách hàng vay 30% tổng giá trị tour. Chẳng hạn, khi khách hàng mua tour đi Tokyo (Nhật Bản) tại công ty Du lịch Festival có gần 38 triệu đồng thì khách hàng phải thanh toán trước 30% tổng giá trị tour, tương đương với 11,4 triệu đồng.

Số còn lại là hơn 26,6 triệu đồng, mỗi tháng khách hàng phải đóng là 1,6 triệu đồng. Lãi suất áp dụng cho khoản vay này là 1,6/tháng (tức 19,2%/năm), thời hạn vay tối đa là 2 năm.

Tính một phép đơn giản, khi vay gói 38 triệu đồng cho tour nói trên, sau 2 năm, người vay phải trả tổng cộng là 38,4 triệu đồng và cộng thêm 11,4 triệu đồng trả trước.

Bà Nguyễn Minh Châu - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Mcredit, chia sẻ hiện nay, áp lực cạnh tranh giữa các công ty tài chính với các ngân hàng ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các công ty cung cấp tín dụng sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như những giải pháp tài chính dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.

Nhờ đó, người tiêu dùng và công chúng cũng có cái nhìn đúng đắn hơn về sản phẩm và bản chất của ngành, bức tranh ngành tài chính tiêu dùng trong tương lai sẽ phát triển hơn.